ATR-72: Máy bay rơi ở Lào có an toàn không?

18/10/2013 20:00 PM | Công nghệ

Vụ máy bay rơi ở Lào là tai nạn thảm khốc đầu tiên của ATR-72 600 kể từ khi được đưa vào khai thác thương mại từ cuối năm 2010.

Nội dung nổi bật:

ATR-72 là một máy bay chở khách cấp khu vực, được chế tạo bởi hãng ATR - liên doanh Pháp - Ý, nâng cấp từ máy bay ATR-42, nhằm tăng sức chứa và các tính năng kĩ thuật.

ATR-72 có nhiều biến thể và đang được vận hành trong biên chế hơn 100 hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Vietnam Airlines với 2 biến thể ATR-72 200 và ATR-72 500.

Theo thống kê, từ năm 1988 đến nay, ATR-72 đã gặp 16 vụ tai nạn. Con số nạn nhân trong vụ tai nạn ở Lào ngày 16/10 cao thứ ba trong lịch sử vận hành loại máy bay này. Trước đó, các vụ tai nạn ở Mỹ năm 1994 và Cuba năm 2010 đều làm 68 người thiệt mạng.


ATR-72 là một máy bay chở khách cấp khu vực được chế tạo bởi Aerei da Trasporto Regionale (ATR) một liên doanh giữa Pháp-Italia. Liên doanh này được thành lập vào năm 1981 giữa Aérospatiale của Pháp (nay là một bộ phận của EADS) và Aeritalia(nay là Alenia Aermacchi) của Italia.

Thiết kế và Chế tạo

Cơ sở sản xuất Alenia Aeronautica tại Pomigliano d'Arco, gần Naples , Italia sản xuất phần thân và đuôi máy bay. Cánh máy bay được sản xuất tại cơ sở của tập đoàn EADS Sogerma trong Bordeaux ở miền tây nước Pháp. Lắp ráp hoàn chỉnh máy bay được thực hiện tại ATR ở Toulouse, Pháp.

Một chiếc ATR-72 của Hãng hàng không Lào
Một chiếc ATR-72 của Hãng hàng không Lào

ATR-72 là một biến thể kéo dài từ máy bay ATR-42 nhằm tăng sức chứa hành khách từ 48 lên 78 bằng cách kéo dài thân máy bay thêm 4,5 mét, tăng sải cánh, trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn, lượng nhiên liệu tăng thêm khoảng 10%.

Máy bay được công bố vào năm 1986, máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988, một năm sau đó ATR-72 chính thức được đưa vào khai thác thương mại trong hãng hàng không Finnair. ATR-72 có thiết kế tiêu chuẩn dành cho máy bay cánh cố định.

Cánh chính được thiết kế nằm phía trên lưng máy bay, một cánh đuôi đứng cùng với 2 cánh ổn định ở phía trên. Hành khách lên máy bay theo cửa từ phía sau trong khi cửa phía trước lại dành cho việc bốc xếp hàng hóa.

Khoang hành khách của biến thể ATR-72 600, đây là biến thể mới nhất và hiện đại nhất của dòng ATR.
Khoang hành khách của biến thể ATR-72 600, đây là biến thể mới nhất và hiện đại nhất của dòng ATR.

ATR-72 được trang bị 2 động cơ cánh quạt Pratt & Whitney PW127F công suất 2.475 mã lực/chiếc(ATR-72 500). Hệ thống động lực này giúp máy bay đạt tốc độ 511km/h, phạm vi hoạt động 1.324km, trần bay 7.620 mét. Đường băng cất cánh 1.165 mét, phi hành đoàn 2 người.

Máy bay có chiều dài 21,17 mét, sải cánh 27,05 mét, cao 7,65 mét, trọng lượng rỗng 12.950kg, trọng lượng cất cánh 22.500kg. Sức chứa hành khách từ 68-74 chổ ngồi.

Các biến thể

Máy bay ATR-72 được sản xuất với khá nhiều biến thể, trong đó ATR-72 100 là biến thể đầu tiên của dòng ATR. ATR-72 200 được trang bị động cơ PW124B công suất 2.400 mã lực/chiếc. ATR-72 200 được cấp giấy chứng nhận an toàn bay của châu Âu vào năm 1989.

Biến thể ATR-72 210 với cửa vận chuyển hàng hóa được mở rộng hơn, trang bị động cơ PW217 công suất 2.750 mã lực/chiếc, cải thiện điều kiện hoạt động ở nhiệt độ cao và độ cao lớn. ATR-72 210 được cấp giấy chứng nhận vào năm 1992.

Biến thể ATR-72 500 được giới thiệu vào năm 1997, biến thể này được trang bị động cơ PW217F công suất 2.475 mã lực/chiếc. Máy bay có hiệu suất cao hơn, khả năng mang tải trọng hàng hóa cao hơn. Hệ thống điều khiển hoạt động theo cơ chế tự động hóa cao hơn nhằm làm giảm khối lượng công việc cho phi công.

Buồng lái nhà kính hiện đại của biến thể ATR-72 600.
Buồng lái nhà kính hiện đại của biến thể ATR-72 600.

Biến thể hiện đại nhất của ATR-72 là ATR-72 600, biến thể này được giới thiệu vào tháng 10/2007. Biến thể này được trang bị động cơ PW217M cho phép tăng 5% công suất trong điều kiện cất cánh (còn gọi là chức năng tăng cường khi cần thiết)

Buồng lái được trang bị 5 màn hình LCD đa chức năng, trang bị máy tính đa chức năng MPC nhằm tăng cường độ an toàn của chuyến bay cũng như khả năng hoạt động của máy bay. Hệ thống điện tử mới do tập đoàn Thales của Pháp cung cấp.

ATR-72 600 có ghế ngồi thoải mái hơn cùng khoang chứa hành lý ở phía trên lớn hơn. ATR-72 600 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 24/07/2009. Máy bay được cấp giấy chứng nhận TCDS A.084, ISS 3 vào ngày 17-10-2012.

Nhìn chung ATR-72 là một dòng máy bay hành khách cấp khu vực thành công, máy bay được chế tạo theo tiêu chuẩn châu Âu nên có độ an toàn bay tương đối cao. Từ khi được giới thiệu đến nay đã có khoảng 611 chiếc được sản xuất và xuất khẩu.

Hiện tại ATR-72 các biến thể đang hoạt động trong biên chế hơn 100 hãng hàng không trên thế giới trong đó có Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines với 2 biến thể ATR-72 200 và ATR-72 500.

Thống kê tai nạn

AP dẫn số liệu từ Tổ chức An toàn bay (FSF) và Văn phòng thống kê các tai nạn hàng không cho biết từ khi được đưa vào sử dụng, năm 1988 đến nay, ATR-72 đã gặp 16 vụ tai nạn. Con số nạn nhân trong vụ tai nạn ở Lào ngày 16/10 cao thứ ba trong lịch sử vận hành loại máy bay này. Trước đó, các vụ tai nạn ở Mỹ năm 1994 và Cuba năm 2010 đều làm 68 người thiệt mạng.

Trong thời kỳ đầu khi mới đưa vào sử dụng, một số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với ATR-72 là do vấn đề đóng băng trên cánh máy bay. Sai lầm của phi công và thời tiết xấu cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn của ATR-72.

Vụ tai nạn mới nhất của ATR-72 xảy ra vào ngày 16/10/2013 trên chuyến bay số 301 của Hãng hàng không quốc gia Lào làm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn 49 người thiệt mạng.

Theo thông tin sơ bộ, chiếc ATR-72 gặp nạn thuộc biến thể hiện đại nhất ATR-72 600. Đây là vụ tai nạn thảm khốc đầu tiên của ATR-72 600 kể từ khi được đưa vào khai thác thương mại từ cuối năm 2010.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM