Arab Saudi – 'Thiên đường' của các mạng xã hội
Người dân Saudi đóng vai trò là người tiêu dùng đồng thời cũng là bên tạo ra các nội dung và dịch vụ trên mạng xã hội.
Nội dung nổi bật:
- Một vài khảo sát được thực hiện năm 2013 cho thấy Arab Saudi có tỷ lệ người sử dụng Twitter và Youtube trên tổng số người dùng internet lớn nhất thế giới.
- Hàng nghìn người trẻ được đi du học, nói tiếng Anh và mang đậm tính toàn cầu hóa. Có tới 75% dân số Saudi ở dưới 30 tuổi. Luật lệ nghiêm khắc ở Saudi khiến tán gẫu trên mạng xã hội là thú vui hấp dẫn.
Tại một sự kiện truyền thông diễn ra ở Arab ngày 18/3, Twitter thông báo rằng hãng sẽ mở một văn phòng ở Dubai. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi thị trường điện thoại thông minh ở vùng Vịnh đã tăng trưởng “như vũ bão” trong thời gian vừa qua. WhatsApp và Facebook đã trở thành những phương tiện liên lạc thông dụng.
Một vài khảo sát được thực hiện năm 2013 cho thấy nước này có tỷ lệ người sử dụng Twitter và Youtube trên tổng số người dùng internet lớn nhất thế giới. Người Saudi cũng giành nhiều thời gian lướt mạng hơn so với bất cứ nơi đâu. Đây là điều bất ngờ vì Saudi là quốc gia mà luật lệ được lấy trực tiếp từ kinh Koran và phụ nữ không được phép lái xe. Tại sao ở đây mạng xã hội lại phổ biến đến vậy?
Người ở bên ngoài thường coi 30 triệu người Saudi bị tụt lại phía sau so với thế giới. Saudi hiện đại mới được thành lập năm 1932, trên cơ sở một hiệp ước giữa gia đình Al Saud và các giáo sĩ Wahhabist – những người tuyên truyền đạo Hồi đầy nhiệt huyết. Chắc chắn đây là một vùng đất đậm chất truyền thống, đặc biệt là ở quanh thủ đô Riyadh.
Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa diễn ra rất nhanh chóng ở quốc gia này kể từ khi phát hiện ra những mỏ dầu có trữ lượng khổng lồ. Saudi có GDP bình quân đầu người đạt gần 26.000 USD. Ngày nay, hàng nghìn người trẻ được đi du học, nói tiếng Anh và mang đậm tính toàn cầu hóa. Có tới 75% dân số Saudi ở dưới 30 tuổi.
Tất cả những yếu tố này giải thích tại sao mạng xã hội lại phát triển mạnh mẽ ở Saudi Arabia. Các trung tâm mua sắm dường như chỉ là nơi giải trí cho người trẻ, bởi các giáo sĩ không thích rạp chiếu phim hay các quán bar. Bởi vậy tán gẫu với bạn bè trên mạng xã hội rất có sức hấp dẫn, đặc biệt khi ở đây còn có đạo luật cấm nữ giới và nam giới không quen biết làm quen với nhau.
Ở Saudi, Facebook đã trở thành nơi để tìm kiếm một cuộc hẹn (trước đây, giới trẻ Saudi sẽ bật Bluetooth lên và tìm kiếm những người ở gần họ). Người dân cũng có thể phàn nàn về chính phủ một cách nặc danh trên Twitter.
Mạng xã hội không chỉ là nơi để vui đùa. Tài khoản Twitter nổi tiếng nhất ở đây (với 11,4 triệu người theo dõi), là của giáo sĩ Muhammad al-Arefe. Các giáo sĩ cũng sử dụng internet và các ứng dụng mạng xã hội để truyền đạt thông điệp.
Người dân Saudi đóng vai trò là người tiêu dùng đồng thời cũng là bên tạo ra các nội dung và dịch vụ trên mạng xã hội. Các doanh nhân Saudi, đặc biệt là ở thành phố Jeddah, đang xây dựng các kênh trên Youtube. Dù Saudi như thế nào trong thế giới thực, họ vẫn hoàn toàn là một khối thống nhất trong thế giới ảo.
>> Vì sao quốc vương Ả Rập Saudi được chôn cất trong ngôi mộ vô danh?
Theo Thu Hương