Công nghệ VAR và goal-line hoạt động hiệu quả thế nào?

30/06/2021 08:42 AM | Xã hội

Giải đấu năm nay là kỳ EURO đầu tiên áp dụng hệ thống "Trợ lý trọng tài video" (VAR). Tính đến thời điểm này, VAR đã làm rất tốt vai trò của mình ở EURO 2020, ít nhất là tốt hơn nhiều so với những quyết định dựa vào VAR gây tranh cãi ở Champions League hay Ngoại hạng Anh.

Thay đổi từ thượng tầng

Phút 46 trận đấu trên sân Puskas Arena, Karim Benzema đón đường chuyền từ sân nhà rồi sút tung lưới Bồ Đào Nha. Cờ báo việt vị căng lên khi tiền đạo này đang ăn mừng, trong khi cổ động viên Pháp không ngừng la ó trên khán đài. Nhưng chỉ 29 giây sau, giọng nói của trợ lý VAR truyền đến tai trọng tài chính và bàn thắng được công nhận cho Les Blues.

Thời gian cho quá trình xem xét bàn thắng có việt vị hay không ở EURO 2020 đã rút ngắn đáng kể nếu so với Ngoại hạng Anh mùa trước. Chìa khóa cho điều này chính là có thêm một trợ lý VAR chỉ chuyên theo dõi các tình huống việt vị tại trung tâm đầu não VAR ở Nyon, Thụy Sĩ. Các trọng tài cũng không mắc sai sót khi thổi việt vị, với 6 lần được VAR hỗ trợ.

Tại mỗi trận đấu ở kỳ EURO năm nay, trợ lý trọng tài video chính (VAR) sẽ đi kèm với một người hỗ trợ (AVAR) và một trợ lý trọng tài video việt vị. Trợ lý trọng tài video chính là người đứng đầu chịu trách nhiệm liên hệ với trọng tài chính về các sự cố trên sân, người hỗ trợ (AVAR) tập trung theo dõi trận đấu trong khi trợ lý trọng tài video việt vị xem xét tất cả các tình huống việt vị có thể xảy ra. Bố trí nhân sự như thế này đã khiến những can thiệp về việt vị từ tổ VAR sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

Không chỉ riêng các tình huống việt vị, thời gian trung bình để trọng tài chính tham khảo VAR ở EURO 2020 chỉ dưới 100 giây, so với 105 giây ở Europa League và 120 giây ở Champions League, theo chia sẻ của trưởng ban trọng tài UEFA Roberto Rosetti.

UEFA đã lựa chọn 22 trợ lý trọng tài video chuyên trách cho giải đấu năm nay. Tổ VAR sẽ cung cấp những phán quyết nhất quán cho trọng tài chính, thay vì để vị "vua áo đen" quay cuồng giữa nhiệm vụ trên sân, ý kiến của trọng tài biên và cả ý kiến của tổ VAR như ở một số giải đấu quốc nội. Quan điểm của trung tâm đầu não VAR ở Nyon là cố gắng loại bỏ những tranh cãi để trận đấu tiếp tục diễn ra, giúp người hâm mộ giảm đi cảm giác khó chịu khi trận đấu bị gián đoạn quá lâu vì VAR như World Cup 2018.

Ngoài VAR, công nghệ vạch cầu môn xác định bàn thắng (goal-line) cũng đã phát huy tác dụng trong trận đấu giữa Croatia và Tây Ban Nha. Phút 85, Tây Ban Nha phá bóng trước khung thành sau cú dứt điểm của các cầu thủ Croatia. Tuy nhiên, tín hiệu goal-line truyền trực tiếp đến đồng hồ của trọng tài chính xác nhận bóng đã lăn qua vạch vôi. Bàn thắng được công nhận cho Croatia mà trọng tài chính không cần đến sự hỗ trợ của VAR và là tiền đề để đội bóng này gỡ hoà ít phút sau đó.

VAR tác động đến EURO 2020 như thế nào?

Sau 36 trận vòng bảng EURO 2020, đã có đến 14 quả phạt đền so với chỉ 13 quả phạt đền ở vòng bảng 3 giải đấu trước đó cộng lại. Trong số này, 5 quả phạt đền được thực hiện sau khi trọng tài nghe ý kiến từ tổ VAR ở Thụy Sĩ. Cả Hà Lan và Tây Ban Nha đều được hưởng các quả phạt đền sau khi video xem lại cho thấy hậu vệ David Alaba của Áo và tiền vệ Ba Lan Jakub Moder đã giẫm lên chân đối phương.

"Tất nhiên, một trong những điểm mấu chốt của việc tăng hình phạt này cũng liên quan đến VAR. Trước khi có VAR, trọng tài đã bỏ qua nhiều tình huống phạm lỗi trong vòng cấm. Nhưng giờ thì gần như là không thể", trưởng ban trọng tài UEFA Roberto Rosetti cho biết.

Tuy nhiên, không có nghĩa là những quả phạt đền được thổi vô tội vạ. VAR đã không can thiệp trong tình huống tiền đạo người Anh Raheem Sterling bị Andrew Robertson (Scotland) truy cản vì xác định đây là một va chạm bình thường. "Chúng tôi không thích những quả phạt đền không rõ ràng", Roberto Rosetti khẳng định.

Số quả phạt đền tăng cao nhưng số lần phạm lỗi ở vòng bảng lại giảm mạnh so với giải đấu 5 năm trước (806 pha phạm lỗi ở EURO 2020, so với 911 pha ở EURO 2016). Số lần phạm lỗi trung bình là 22,4 mỗi trận ở EURO 2020 so với mức trung bình 37,7 ở EURO 2004. Vòng bảng EURO 2020 cũng ít thẻ vàng thẻ đỏ hơn so với năm 2016. Theo ông Roberto Rosetti, điều này cũng là nhờ VAR.

"Nhờ có VAR mà thái độ cầu thủ tốt hơn, họ hạn chế phạm lỗi. Trận đấu trở nên sạch hơn và đó là điều khiến chúng tôi rất vui", ông Roberto Rosetti nói thêm.

Công nghệ từng bị xem là thứ giết chết tính khó đoán trong bóng đá. Tuy nhiên, nhờ vào những nỗ lực của UEFA, VAR trở thành một công cụ đắc lực cho các quyết định của trọng tài, giúp trận đấu trở nên công bằng hơn. "Chúng tôi cần tìm ra sự cân bằng trong cách can thiệp vào trận đấu, bởi vì mục tiêu của chúng tôi là giữ cho bóng đá vẹn nguyên như nó vốn có", ông Roberto Rosetti kết luận.

Mạnh Tùng

Cùng chuyên mục
XEM