Công đức thời đại số ở Nhật Bản

12/01/2020 08:50 AM | Công nghệ

Khách viếng thăm đền, chùa tại Nhật Bản có thể công đức cho bản tự chỉ bằng một cái vuốt ngón tay trên điện thoại.Hình thức công đức phi tiền mặt này đang làm dấy lên tranh cãi tại Nhật Bản.

Công đức là một trong những truyền thống lâu đời của người dân Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực. Thời gian gần đây, nhiều đền Thần đạo (Shinto), chùa Phật giáo tại nước này đang dần hòa vào xu thế “phi tiền mặt” của thế giới. Khách viếng thăm hiện có thể công đức cho bản tự chỉ bằng một cái vuốt ngón tay trên điện thoại.

Thực trạng này đang gây tranh cãi ở Nhật Bản. Một số người ủng hộ vì sự tiện lợi của hình thức công đức mới này, khi họ không phải bận tâm đến việc mang theo tiền lẻ khi đi lễ. Số khác lại hoài nghi. Họ sợ hình thức công đức “thời đại số” này không thể giúp họ bày tỏ được trọn vẹn sự thành kính đối với các vị thần. Một bộ phận khác nữa lại cảm thấy không thoải mái bởi tiền công đức của họ có thể dễ dàng được tra soát bởi các nhà cung cấp dịch vụ.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, những làn gió lạnh không ngừng thổi qua ngôi đền Oggnon tại Takayama, một thành phố nhỏ nằm giữa những ngọn núi trùng điệp ở miền trung Nhật Bản. Một người phụ nữ 54 tuổi đang đứng trước một hòm công đức nhỏ, tiếng địa phương là saisen. Bà đưa điện thoại thông minh lên trên một mã QR được gắn chặt vào tấm bảng cạnh đó. Việc bà cần làm làm là nhập số tiền vào ứng dụng điện thoại. Số tiền đó sẽ được quy đổi sang một loại tiền điện tử phát hành bởi hiệp hội tín dụng địa phương.

“Thật là thuận tiện vì giờ tôi không phải lỉnh kỉnh mang theo tiền lẻ nữa”, bà cho biết.

Công đức thời đại số ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Nhiều đền Thần đạo, chùa Phật giáo tại Nhật Bản đang dần hòa vào xu thế “phi tiền mặt” của thế giới. Ảnh: Nikkei.

Thế nhưng, một người đàn ông 64 tuổi gần đó lại tỏ ra không ấn tượng với hình thức công đức mới này. “Việc mua sắm và công đức là hai chuyện khác hẳn nhau. Việc công đức mà không dùng tiền mặt khiến tôi cảm thấy thiếu đi sự thành kính chốn linh thiêng”.

Nhiều thế kỷ trước, công đức thường được thực hiện thông qua hình thức cúng tiến cho các vị thần những túi gạo nhỏ. Nhưng sau đó, các loại tiền tệ được lưu hành rộng rãi trên toàn lãnh thổ Nhật Bản, việc sử dụng tiền mặt thay cho các túi gạo đã dần trở nên phổ biến hơn. Ở thời điểm hiện tại, hình thức công đức lại một lần nữa thay đổi để phù hợp hơn với thời đại số đang bùng nổ trên quy mô toàn cầu.

Trong tháng 6/2019, đền Shinto đã chính thức áp dụng hình thức công đức phi tiền mặt này. “Tôi mong muốn có thể bắt kịp với những tiến bộ xã hội. Số lượng người công đức thông qua hình thức điện tử vẫn còn chưa nhiều, chủ yếu là những người trẻ tuổi”, theo sư trụ trì.

Trên đảo Shikoku, đền Byodoji, một trong số 88 ngôi đền Phật giáo tại đây, là điểm đến nổi tiếng trong các cuộc hành hương của người dân Nhật Bản cũng như khách du lịch. Ngôi đền này chấp nhận đến ba hình thức công đức thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh tính đến cuối năm 2018, trong đó bao gồm WeChat Pay, một trong những ứng dụng khá phổ biến tại Trung Quốc, nhằm mục đích: các vị khách nước ngoài cũng có thể dễ dàng bày tỏ lòng thành kính. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có khoảng 100 người dân Nhật Bản sử dụng các hình thức công đức phi tiền mặt này mỗi năm.

Đền Myohoji tại thành phố Fukuoka đã áp dụng hình thức công đức qua Alipay từ năm 2017 sau khi tiếp nhận rất nhiều những ý kiến từ các du khách nước ngoài hỏi rằng liệu họ có thể thực hiện việc cúng tiến mà không cần tiền mặt được không? Hình thức công đức mới này cũng đem lại những lợi ích cho các ngồi đền, chùa vì sẽ giúp giảm chi phí đổi tiền lẻ và rủi ro trộm cắp.

Cho dù những lợi ích của hình thức công đức mới này là không thể phủ nhận, giáo hội Phật giáo Kyoto, đơn vị quản lý khoảng 1.000 ngôi đền, chùa lớn nhỏ khác nhau trong khu vực, cho biết vì công nghệ có thể cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tiếp theo dõi dòng tiền của các cá nhân đóng góp cho từng ngôi đền, chùa, qua đó không phù hợp với luật tự do tôn giáo.

Các hình thức chuyển tiền trực tuyến có thể làm biến tướng bản chất vốn mang đậm tính tôn nghiêm, phi thương mại của những ngôi đền, chùa. Với mỗi giao dịch công đức được thực hiện, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ nhận được một khoản tiền “hoa hồng”. Điều đó đồng nghĩa với việc các đền, chùa có thể bị gián tiếp quy là các cơ sở kinh doanh, do đó họ có thể sẽ bị đánh thuế.

Cũng đã dấy lên một câu hỏi rằng việc công đức trực tuyến này có thể được coi là hình thức thanh toán dịch vụ hay không? Hiện tại, luật pháp Nhật Bản quy định rằng những giao dịch thanh toán trả trước, tức là tiền sẽ được nạp vào ứng dụng, sau đó mới đủ điều kiện sử dụng để thanh toán cho các mặt hàng và dịch vụ có giá trị.

Một số người có thể cho rằng việc công đức các vị thần thực chất là giao dịch thanh toán cho dịch vụ tâm linh, nhưng giáo hội Phật giáo Kyoto lại cho rằng “luật pháp vẫn chưa quy định rõ ràng về vấn đề này”.

Bởi sự nhập nhằng này, PayPay đã loại tiện ích công đức trực tuyến ra khỏi danh sách các dịch vụ mà công ty đang cung cấp. Một số đền, chùa đã từng áp dụng các dịch vụ công đức trực tuyến trong quá khứ, nhưng hiện tại cũng đã ngưng sử dụng các dịch vụ này vì lo sợ sẽ vi phạm các quy định tôn giáo. Tuy nhiên, Origami Pay cho biết không có bất kỳ một vấn đề pháp lý nào ở đây, vì số tiền công đức mỗi lần là rất nhỏ.

Các nhà nghiên cứu tôn giáo cũng cho rằng hình thức công đức trực tuyến bên cạnh những lợi ích, vẫn tồn tại các hạn chế.

Những thông tin cá nhân liên quan đến tôn giáo cần phải được giữ bí mật và các cơ sở tôn giáo cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trước khi áp dụng hình thức "công đức phi tiền mặt”, theo Kunio Sakurai, một cựu giáo sư tại Đại học Công giáo Tokyo.

Tuy nhiên, những lo ngại liên quan đến các thông tin cá nhân vẫn không thể kìm lại được sự bùng nổ của các hình thức thanh toán phi tiền mặt, theo Naoki Shintani, giáo sư khoa văn học dân gian tại trường đại học Kokugakui.

“Nói cách khác, đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta đánh giá lại quan điểm sám hối bằng việc đẩy hết những lỗi lầm, sai trái lên những tờ tiền, đồng xu rồi ném chúng đi”, Shintani cho biết.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM