Con trai ông trùm nhựa Long Thành lần đầu kể về cuộc sống siêu giàu, tiết lộ mâu thuẫn vợ chồng vì hình "đăng phây"
Giàu như Minh Nhựa nhưng vẫn có nỗi khổ riêng. Khi ở vào vị trí của người khác mới thấy, bên cạnh sự thụ hưởng luôn có những điều phải hi sinh.
"Ê, Minh! Mày làm gì vậy? - Tao làm nhựa"
Q: Minh Nhựa là một nickname không sang chảnh như Minh Đô la, Minh Kim cương, Minh siêu xe... sao anh chọn nó?
A: Tôi không chọn, bạn bè tôi đặt cho. Lũ bạn từng hỏi: Ê, Minh! Nhà mày làm gì? Tôi trả lời: Làm nhựa! Với cả tính tôi cũng nhây nhây, nhầy nhụa như nhựa đường vậy, thế là nickname Minh Nhựa ra đời.
(Minh Nhựa tên thật là Phạm Trần Nhật Minh, sinh năm 1983 được biết đến là một đại gia "khét tiếng" Sài Gòn với việc sở hữu nhiều siêu xe. Minh Nhựa cũng chính là con trai duy nhất của ông Phạm Văn Mười - Tổng giám đốc Công ty Nhựa Long Thành và là người thừa kế cơ nghiệp này - PV).
5 năm trước có người thích và không thích nickname này. Bản thân cũng từng có ý định chối bỏ nó. Lúc ấy, tôi sống thoải mái quá nên không có thời gian định nghĩa, hay hướng cho mọi người nhìn thiện cảm nhất về nó. Hiện tại, khi đã định hình lại cách sống, cách chơi - tôi lại cảm giác nickname ấy không bao hàm sự ghen tị hay đố kị mà là gần gũi thân tình. Tôi của hôm nay không phải là Minh Nhựa của 5 năm trước.
Minh Nhựa lái chiếc Mercedes-AMG G63 Edition - một con xe cực ngầu và đắt đỏ trong BST xế khủng của anh
Xế khủng xuất hiện trên đường phố Sài Gòn khiến ai lướt qua cũng phải ngoái đầu nhìn lại
Q: Anh nghĩ sao khi bằng tuổi anh có người vẫn còn độc thân mà anh đã lên chức ông ngoại?
A: Khoa (Shark Lê Đăng Khoa, bạn thân Minh Nhựa - PV) gặp là cà khịa tôi, hay hỏi: “Hôm nay ông ngoại đi đâu đó?”. Tôi nghĩ mọi người ngưỡng mộ tôi vì có thể làm được những gì người ta chưa làm được. Và quan trọng là cuộc sống tôi tốt chứ không phải bất chấp để làm điều đó. Tôi nghĩ mình đã bước lên một level khác - level ông ngoại (dù tôi cũng đâu có muốn - cười).
Q: Là con trai duy nhất và là người thừa kế Công ty Nhựa Long Thành, anh đã được nuôi dạy theo cách đặc biệt nào?
A: Tôi không có quyền được chọn. Từ cái ăn, cái ngủ, cái mặc, cái học vấn… đều là bố mẹ tôi chọn. Tôi chỉ có quyền làm. Có rất nhiều người cảm thấy đó là áp lực. Nhưng đối với tôi, một khi ba mẹ đã chọn thì tôi sẽ “ừ” và làm điều đó happy hết mức có thể. Có thể khoảnh khắc đầu tôi sẽ không vui. Cảm xúc con người mà.
Bố mẹ tôi vĩ đại đến mức có thể ví như một điều gì đó nằm ngoài không gian, vượt xa sự tưởng tượng của tôi. Tôi tâm niệm bố mẹ hy sinh rất lớn, sao mình lại chọn sống theo cảm xúc cá nhân để sai với bố mẹ.
Ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì Minh Nhựa phải chịu cảm giác không ai chịu được từ bé
Q: Bố mẹ anh hẳn phải cho anh thấy họ đã vất vả đến thế nào, thì anh mới có thể đánh đổi sự tự do cá nhân vì lợi ích chung của gia đình?
A: Ba mẹ không bao giờ muốn tôi buồn. Dù bên ngoài có như thế nào thì lúc nào mở cửa ra ba tôi cũng tươi cười hỏi: Minh, hôm nay con sao rồi? Tôi biết sau lưng đó là một bức tranh không hề đẹp.
Nhà tôi trước đây rất nghèo, lợp trên kênh quận 6 mà sống, nhà hỏng thì rơi xuống nước. Cửa nhà tôi luôn có những lỗ hở, khi tôi nghe tiếng ba về tôi sẽ chạy ra đó để hí hí mắt dòm và tôi thấy sắc mặt ba tôi rất mệt mỏi. Nhưng khi mở cửa ra ba tôi lại khác. Tôi học được rằng: Nên nén những cảm xúc riêng tư, để tạo niềm vui cho người khác.
Và tôi đã trở thành người sống rất hay để ý cảm xúc của người khác. Vô hình trung, điều đó làm tôi rất áp lực. Tôi muốn tất cả mọi người đều vui trong khi không mấy người biết tôi đang vui hay buồn.
“Thử về nhà đòi hỏi ba mẹ mình mua cho chiếc xe 80 tỷ, coi ổng bả mua không”
Q: Có phần thưởng nào cho anh khi đã sống theo sự sắp đặt của bố mẹ từ A đến Z trong suốt nửa đời người?
A: Mẹ tôi luôn “say no” với tôi tất cả những vật chất. Con thích đồng hồ, con thích chiếc xe, con thích chiếc áo, con thích chiếc quần, mẹ nói đều nói: “Không, mẹ không bao giờ cho con điều đó”. Muốn có thì tôi… đi xin ba.
Ba tôi là một người yêu thương tôi có thể nói là bất chấp mọi thứ. Ba biết tôi thích cái gì là có thể làm tất cả. Có rất nhiều người trẻ tuổi mua được xe sang, tôi không biết khoản chi đó từ đâu ra. Nhưng đối với tôi, tôi luôn khẳng định đó là ba tôi cho. Tôi không thể nào đi kiếm tiền để mua những chiếc xe 100 tỷ, 50 tỷ, 30 tỷ, 20 tỷ… tôi không thể làm điều đó. Không thể!
Tôi có học giỏi đến thế nào hay làm ra nhiều tiền đến mấy cũng sẽ không thể sống như hiện tại. Tiền mình làm ra mình xài nó sẽ kỹ hơn là tiền đi xin (cười). Nhưng tôi không bao giờ đi xin ba chiếc xe nào cả, ba rất thương và luôn luôn đi tìm chiếc xe tôi thích để tặng. Rất hiểu ý.
Loạt xe trong gara nhà Minh Nhựa có những người cả đời phấn đấu cũng chưa chắc chạm tới (Ảnh: FBNV)
Q: Chia sẻ điều này, Minh Nhựa không sợ mọi người sẽ đánh giá anh là một thiếu gia sống xa hoa, chơi xe vang danh khắp chốn bằng tiền bố mẹ?
A: Mọi người thử về nhà đòi hỏi ba mẹ mình mua cho chiếc siêu xe 80 tỷ xem ổng bả mua không? Hoặc với thu nhập thấp hơn, bạn thử xin mua một chiếc xe Honda SH hay là Wave - gia đình có làm không? Ba mẹ làm có happy không hay họ là trong tâm lý bị ép?
Đối với tôi, xe ba tôi cho là một món quà. Đã là quà thì nó phải bắt nguồn từ sự tự nguyện, khác với vòi vĩnh.
Từ bé tôi đã phải sống và làm việc như những gì ba tôi mong muốn - điều đó có được đo bằng tiền không? 12 tuổi tôi đã phải follow theo ba tôi đi làm, 15 tuổi tôi đã phải học cách cầm nĩa cầm muỗng cầm name card như thế nào cho đúng là doanh nhân, những lúc đó mọi người biết tôi không? Vậy giá trị tôi đâu? Doanh số công ty tôi tăng trưởng, nhân viên phục tôi hơn, vậy những giá trị đó đâu?
Giá trị đó quy đổi thành tiền bằng những chiếc xe của tôi hợp lý không? 16 năm vào công ty làm với ba tới bây giờ, tôi chưa chia một đồng bạc nào của công ty cả.
"Đối với tôi, xe ba tôi cho là một món quà, chứ không hề có sự vòi vĩnh nào trong đó"
Q: Shark Phú từng có phát ngôn: "Giàu thật ít ai để của cải ra ngoài, mấy ông không có gì mới khoe đi Rolls-Royce này kia", anh có thấy "nhột" không?
A: Shark Phú nói đâu có sai. Ảnh nói đúng.
Đúng với khía cạnh của ảnh. Cái gì cũng có tính đa chiều, cũng có nhiều người mượn nợ chơi xe, có những người mong muốn đó là công cụ để tạo dựng hình ảnh, họ đều có mục đích hết. Nhưng chẳng qua là họ không đủ phước, thời thế không có nên công việc của họ không thuận lợi. Ý của Shark Phú chỉ muốn gửi gắm: Mình ở sức bật nào thì nên có cách sống và sử dụng phù hợp với nó. Tôi nghĩ là vậy.
Tôi không nghĩ shark Phú dùng câu nói đó để bài xích những người như tôi. Vì nếu muốn vậy đã ghi rõ tên tôi ra cho nó nhanh!
“Chồng phải nhớ vợ là số 1, vợ luôn luôn đúng”
Q: Chia sẻ mình là một người sống rất cảm xúc và đôi khi bị hẫng vì người khác không hiểu, trong hôn nhân "lệch sóng" cảm xúc có khiến anh và Mina Phạm gặp rắc rối?
A: Bất lợi đó dường như nó xảy ra hàng ngày với tôi. Với không ai khác ngoài vợ tôi. Vợ tôi luôn luôn hỏi là tại sao mình phải sống cảm xúc như thế? Không phải cái gì mình muốn là được.
Tôi quay ngược lại nói với vợ mình: "Anh không kìm chế được cảm xúc là anh đang sống thật với chính mình". Tôi cũng muốn thay đổi điều đó, nên lúc nào tôi bị over thì vợ tôi sẽ nhắc một cách khéo léo, tránh va chạm.
Vợ tôi hoàn toàn trái ngược với tôi, sống rất lý trí. Tôi có chức vụ, có tiền bạc, có vị thế nhưng một khi vợ không thích cô ấy có thể out ra khỏi cuộc sống của tôi không cần một điều gì. Và đó là sự cố từng xảy ra với tôi nào 5 năm trước. Cô ấy khác với tất cả những người khác, cầm lên và buông xuống đều rất nhẹ nhàng. Tôi biết vợ tôi vẫn là 1 người phụ nữ yếu đuối nhưng cô ấy buộc phải cứng rắn như vậy để tôi trưởng thành hơn.
Minh Nhựa và vợ - Mina Phạm (Ảnh: FBNV)
Q: Câu nói nào của Mina Phạm khiến anh thấy cô ấy ngầu quá sức ngầu?
A: “Chồng phải nhớ, vợ là số 1, vợ luôn luôn đúng”. Tôi thấy câu này của vợ ngầu và cũng có lý. Khi mình tôn trọng một người thì mình phải tôn trọng tất cả những suy nghĩ tích cực và tiêu cực của họ miễn là mình có cách giải quyết sự tiêu cực để thành sự tích cực.
Khi mình làm được những gì họ muốn, họ sẽ happy (vui). Những gì mình làm không được hay không trúng thì họ cũng sẽ bỏ qua - mình cũng sẽ happy hơn.
Q: Minh Nhựa có đặt nặng chuyện vợ phải vào bếp? Chiều lòng anh trong vấn đề ăn uống dễ hay khó?
A: Điểm yếu của tôi vẫn là về thức ăn. “Chúng ta có điều kiện thì tại sao lại chọn những gì thấp hơn?”. Trong một bữa ăn của tôi có một điều kiện cực kỳ khó mà nó cũng là cực kỳ dễ. Tôi có thể ăn đồ ăn dở, nhưng không thể ăn đồ ăn nguội. Còn về thức ăn, hiện tại tôi là người ăn chay trường nên chẳng cần tìm kiếm món ăn gì quý hiếm cả.
Ai cũng mong muốn vợ mình vào bếp, vậy mình có mong muốn vợ mình là người xinh đẹp, chỉn chu khoác tay mình đi ra ngoài không?
Nếu muốn ăn cơm vợ nấu, tôi sẽ nói: “Vợ ơi, chồng muốn vợ nấu cơm ngày mai nhé” và ngày mai cô ấy sẽ nấu, nhưng chỉ tới đó thôi. Những ngày khác vẫn phải có người giúp việc để lo chuyện bếp núc trong nhà.
Nếu vợ làm việc nhà hết thì tới lúc mình cần dẫn vợ đi diễn đầu tóc vợ sẽ như thế nào, làm sao cô ấy biết được mốt của tuần này tháng này ra làm sao để ăn mặc đẹp.
Cuộc sống chúng ta không thể nào đòi hỏi sự tuyệt đối. Nếu mình đòi hỏi đối phương điều đó thì mình sẽ là người khó chịu trước nè, vì cứ ngồi mình đợi hoài mà không thấy được đáp ứng.
Minh Nhựa không đặt nặng vấn đề vợ phải vào bếp, anh muốn người phụ nữ bên cạnh mình biến hoá với nhiều màu sắc cá tính khác nhau hơn (Ảnh: FBNV)
Q: Chụp hình sống ảo cho vợ đăng "phây" có là một thách thức với Minh Nhựa?
A: Vợ chồng tôi hay có mâu thuẫn về việc này. Tôi vốn thích cái đẹp nhưng diễn biến tâm lý trong 1 buổi chụp ảnh thường sẽ là:
Tôi cầm máy lên và nói: Không đẹp!
Vợ tôi kêu: Chụp đi.
Tôi nhắc lại câu: Không đẹp! Vẫn muốn chụp đúng không…
Lúc đó thần sắc tôi chuyển qua không vui rồi. Nhưng vợ tôi sẽ nói một câu là: Nhưng em vui. Chồng có chụp không?
Oke chụp bụp bụp - tôi vẫn không có vui…
Ra đưa ảnh cho vợ coi, cô ấy bảo nhưng vợ thấy đẹp mà. Tôi bảo: Chồng thấy không đẹp vì chồng mong muốn thứ đẹp nhất dành cho vợ nhưng sorry nãy giờ chồng chưa có được cảm giác tốt để chụp. Thế là bắt đầu mâu thuẫn!
Chụp ảnh để Mina khen đẹp không hề dễ à nghen (Ảnh: FBNV)
Có những lúc vợ tôi giận bỏ không chụp nữa đi về. Tôi chạy ra năn nỉ giải thích. Nhưng vợ tôi thì không thích giải thích nhiều, thích là cô ấy được chiều trước.
Hiện tại thì khả năng chụp ảnh của tôi cũng lên tay rồi. Tôi hay lên Pinterest và Instagram quốc tế để học hỏi những góc ảnh đẹp. Vợ tôi rất giỏi về chỉnh ảnh, màu sắc. Nên sau khi chụp, tôi đưa ảnh về cho vợ tự chỉnh.
Đại đa số những bức ảnh mọi người thấy trên Facebook đạt số like nhiều nhất là do vợ chồng tôi tự chụp. Còn khi có êkip vào sẽ không bao giờ lên được như những gì vợ chồng tôi mong muốn vì chỉ có mình tôi biết vợ tôi muốn gì.
“Vì mình hiểu nhau quá nó hết phê”
Q: Vợ chồng Minh Nhựa có dùng chung tài khoản MXH và có biết hết mật khẩu điện thoại của nhau?
A: Câu này rất nhiều gia đình yêu thương nhau sẽ trả lời: Đã yêu thương nhau là không có gì giấu nhau.
Từ ngày lấy vợ, đếm cả mười đầu ngón tay mười lần ngón chân là số lần tôi có cơ hội chạm vào điện thoại vợ để mở tin nhắn lên, nhưng tôi không có nhu cầu làm việc đó.
Nó khác với điều mọi người đang nói - khi vợ chồng vui vẻ với nhau là tài khoản phải chia sẻ cho nhau, hoặc là không có bí mật. Tôi khẳng định mình không có bí mật nhưng tôi muốn vợ tôi có bí mật. Vì mình hiểu nhau quá nó hết phê. Để vợ tôi ghen tôi, thì tôi hổng có vui. Còn để tôi ghen với vợ tôi, thì tôi cảm thấy tôi hạnh phúc.
Minh Nhựa cho rằng vợ chồng mà biết nhiều về nhau quá nó hết phê (Ảnh: FBNV)
Tôi chỉ chọn chơi với người bạn nào mà vợ tôi thích. Và có một điều tôi chọn đó là không bao giờ đi riêng với một người bạn mà làm cho vợ mình lăn tăn, cảm thấy không an toàn. Tất nhiên là mọi người có thể thấy tôi ngồi một mình ở đâu đó. Nhưng đó là công việc.
Timeline của tôi trong ngày vợ tôi luôn nắm được. Mình phải tạo sự an toàn cho vợ mình thì mới tạo được sự an toàn cho mình. Sống với nhau mà chỉ toàn thấy rủi ro thì bản thân mình là người không vui trước, lúc nào cũng thấy lo lắng.
Cảm ơn những chia sẻ của anh Minh Nhựa.