Cơn sốt tiền ảo hệ Ethereum

10/05/2021 08:48 AM | Kinh doanh

Cùng với dòng tiền đổ vào Ethereum cao chưa từng thấy, các đồng tiền ảo ăn theo cũng được đà tăng giá trị gấp nhiều lần.

Các đồng tiền ảo thay thế Bitcoin đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi mà vốn hóa thị trường tiền ảo đã chạm đỉnh mới 2.400 tỷ USD, Bitcoin vẫn ở yên đó trong vùng giá dưới 60.000 USD.

Kết quả này khiến cho Bitcoin chỉ còn chiếm dưới 45% tổng thị phần trong khi chứng kiến các đồng tiền ảo khác trở mình. Trong số này, Ethereum đang bứt lên trên so với những kẻ bám đuổi như Binance Coin hay Dogecoin nhờ một loạt tin tức tốt thời gian gần đây.

Điều hài hước là không chỉ Ethereum lập đỉnh, một đồng tiền ảo nhái khác là Ethereum Classic cũng bất ngờ tăng vọt giá trị. Với một dòng tiền hơn 40 tỷ USD liên tục đổ vào sau 24 giờ, Ethereum Classic đã tăng từ 30 USD lên đỉnh mới 133 USD trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Cơn sốt tiền ảo hệ Ethereum - Ảnh 1.

Ethereum Classic tăng vọt giá trị chỉ trong ít ngày với khối lượng giao dịch lên tới 40 tỷ USD.

Thực chất, Ethereum Classic là đồng tiền ảo phát sinh từ mạng Ethereum vào năm 2016. Một vụ tấn công vào mạng này đã gây ra tổn thất là hacker chiếm được 4% tổng số Ethereum đang lưu hành khi đó, tương đương 3,6 triệu đồng.

Trong nỗ lực giải quyết sự cố này, cộng đồng Ethereum quyết định cập nhật một phiên bản mới (hard fork) để tách số tiền ảo đã bị đánh cắp ra một chuỗi riêng gọi là Ethereum Classic, nhằm cô lập hóa giá trị của nó để hacker không đạt được mục đích kinh tế.

Từ đó, đồng Ethereum Classic được phát triển riêng dù có chung nguồn gốc với hàng xịn. Người ta cũng giới hạn số lượng Ethereum Classic là 210 triệu đồng, sử dụng thuật toán bằng chứng công việc (PoW) chứ không đổi sang bằng chứng cổ phần (PoS) như đồng tiền gốc Ethereum.

Tất nhiên, hệ sinh thái của Ethereum Classic còn kém xa hàng xịn và đó là lý do đồng tiền có giá trị khá lẹt đẹt. Nhưng giữa mùa Bitcoin suy giảm, đồng tiền này chính là con mồi béo bở để cá mập bơm và xả. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi đổ tiền theo số đông vì nỗi sợ bỏ mất cơ hội (FOMO).

Phương Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM