'Cơn sốt' mua sắm tại Thượng Hải
Nhiều tín đồ mua sắm tụ tập trước các cửa hàng Hermès, Céline và Dior trong trung tâm mua sắm cao cấp Plaza 66 tại Thượng Hải.
Nhiều người dân Thượng Hải đổ xô đi mua sắm trong ngày đầu tiên thành phố này dỡ bỏ phong tỏa. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại đây đang tất bật chuẩn bị nhằm đón đầu “cơn sốt” tiêu dùng, dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, có hiệu lực từ ngày 28/3, chính là lời khẳng định cho quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid của Trung Quốc.Tuy nhiên, những biện pháp phòng dịch có phần hà khắc tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác nhằm chống lại biến chủng siêu lây nhiễm Omicron đã để lại nhiều hệ lụy kinh tế nghiêm trọng.
Chi tiêu tiêu dùng tại Bắc Kinh sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với vô vàn áp lực. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 11% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm.
Người dân Thượng Hải xếp hàng trước cửa hàng Prada trong ngày 1/6/2022. Ảnh: SCMP. |
Adam Cochrane, Chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank Research, cho biết đà bùng nổ tiêu dùng tại Trung Quốc có thể sẽ không mạnh mẽ như năm 2020. “Mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp phong tỏa, bên cạnh đó là những bất ổn liên quan tới tương lai chính sách phòng dịch tại Trung Quốc sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an”, ông chia sẻ.
Các cửa hàng tại Thượng Hải sẽ chỉ mở cửa hoạt động tối đa 75% công suất, trong khi nhiều dịch vụ khác, trong đó có nhà hàng, tiếp tục đóng cửa. Người dân sống trong các khu vực dân cư có ghi nhận ca nhiễm vẫn sẽ tiếp tục sống trong cảnh phong tỏa. Để sử dụng các phương tiện công cộng, người dân cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
“Lưu lượng phương tiện giao thông trên đường đang tăng dần, nhưng người dân vẫn lo lắng về rủi ro bị nhiễm bệnh”, theo Luca Solca, Chuyên gia phân tích tại Bernstein. “Do đó, họ cũng ít lui tới các địa điểm công cộng hơn”.
Chủ một quán cà phê tại quận Hoàng Phố, Thượng Hải chia sẻ với Financial Times rằng cô chưa lúc nào ngơi tay từ khi mở cửa lại vào thời điểm 9h00 sáng ngày 1/6. Cô mới chỉ nhận được thông báo được phép mở cửa trở lại từ phía cơ quan chức năng trong tối ngày hôm trước. “Mọi thứ quá bất ngờ”, cô nói. “Tôi còn chưa kịp thay đổi đồng hồ sinh học của mình”.
Người dùng mạng xã hội thậm chí còn lên kế hoạch chi tiêu mạnh tay sau phong tỏa với một danh sách dài các nhà hàng họ sẽ lui tới.
Trong một bài đăng trên Weibo, tài khoản Shanghai Hot Information, với hơn 1 triệu lượt theo dõi, chia sẻ hình ảnh hàng dài tín đồ mua sắm tụ tập trước các cửa hàng Hermès, Céline và Dior trong trung tâm mua sắm cao cấp Plaza 66.
Dù nhiều cửa hàng truyền thống đã mở cửa trở lại, nhưng sự quan tâm dành cho hình thức mua sắm trực tuyến vẫn không hề thuyên giảm, nhất là khi lễ hội mua sắm lớn thứ 2 trong năm với tên gọi “618” đang tới gần. JD.com, một doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc, cho biết doanh thu của một số thương hiệu công nghệ như Xiaomi, Lenovo, Apple và Huawei đã vượt ngưỡng 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15 triệu USD) chỉ sau 10 phút mở bán trong ngày 31/5.