"Cơn sốt" đập thủy điện qua đi để lộ tử huyệt: Các con đập "già” trở thành thảm họa hẹn giờ, ngay cả việc phá bỏ cũng quá tốm kém, đẩy nhiều quốc gia vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”
Hai con đập bị vỡ gây ra thiệt hại thảm khốc tại Libya có thể không phải là những con đập cuối cùng bị sập. Hàng nghìn con đập trên toàn thế giới đang xuống cấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
*Bài viết thế hiện quan điểm của Josh Klemm và Isabella Winkler - đồng giám đốc của International Rivers. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, ủng hộ những dòng sông trong lành và quyền lợi của cộng đồng vùng sông nước.
Hai con đập ở Libya bị vỡ đã tạo ra dòng nước lũ xối xả khiến ít nhất 3.000 người thiệt mạng và hơn 4.200 người vẫn mất tích. Hai vụ vỡ đập này đều dự đoán được và có thể phòng ngừa trước. Chúng cũng sẽ không phải là những con đập cuối cùng bị sập, trừ khi các quốc gia bắt tay vào dỡ bỏ hoặc sửa chữa một số công trình cũ kỹ và quá hạn sử dụng từ lâu.
Giống như nhiều con đập trên thế giới, đập Wadi Derna ở Libya được xây dựng vào thập niên 1970. Đây là giai đoạn bùng nổ xây dựng đập toàn cầu với 1.000 con đập lớn mỗi năm. Hiện tại, hầu hết các con đập thời kỳ này đều sắp “hết hạn sử dụng”.
Thông tin chi tiết vẫn đang được công bố dần, nhưng vụ vỡ đập ở Libya có thể do bảo trì kém và thiếu giám sát các hồ chứa bị tràn sau trận mưa lớn. Từ năm ngoái, nhiều cảnh báo về tình trạng xuống cấp của các con đập đã được đưa ra, nhưng vẫn chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện.
Trên khắp thế giới, nhiều thảm hoạ tương tự đang chực chờ. Đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia này sở hữu tới 28.000 con đập lớn xây dựng từ giữa thế kỷ 20.
Đập Mullaperiyar ở Kerala, Ấn Độ, hiện đã hơn 100 năm tuổi. Con đập bị hư hại nặng và nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất. Trong trường hợp đập vỡ, 3,5 triệu người ở hạ lưu sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng.
Mỹ là quốc gia xây dựng đập nhiều thứ hai sau Trung Quốc. Trung bình tuổi đời của các con đập tại nước này là 65 năm và ước tính khoảng 2.200 công trình có nguy cơ sụp đổ cao. Luật cơ sở hạ tầng gần đây chi 3 tỷ USD để duy trì một số đập. Nhưng vẫn còn hàng nghìn con đập khác mà chính phủ liên bang không chịu trách nghiệm. Chúng sẽ tiêu tốn khoảng 76 tỷ USD tiền sửa chữa.
Rủi ro từ các con đập cũ trở thành mối quan tâm đặc biệt, khi thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu. Đập được thiết kế để chịu đựng được những tình huống xấu nhất ở thời điểm xây dựng. Nhưng những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra càng nhiều và nghiêm trọng hơn, khiến các con đập không còn đủ khả năng chống chịu.
Trước khi thảm hoạ ở Libya xảy ra, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho nhiều đập. Vào năm 2017, lượng mưa lớn đã làm hỏng đập Oroville cũ kỹ của California, khiến hàng loạt người dân phải sơ tán.
Năm 2021, sông băng ở dãy Himalaya đã phá hủy một con đập và làm hư hại một con đập khác ở miền bắc Ấn Độ. Băng đỉnh núi tan nhanh, do hiện tượng nóng lên toàn cầu, đang là mối đe doạ lớn đối với các con đập và cộng đồng sống ở hạ lưu.
Cách xử lý cơ bản nhất là sửa chữa các con đập cũ, theo dõi mực nước hồ chứa và cố gắng dự đoán lượng mưa cũng như dòng chảy từ thượng nguồn. Nhưng đôi khi, việc tu sửa chỉ đem lại hiệu quả tạm thời và còn tốn kém hơn việc dỡ bỏ hoàn toàn đập cũ.
Việc loại bỏ đập và phục hồi lại các con sông đang diễn ra nhiều ở châu Âu. Sông ở khu vực này bị chia cắt nhiều nhất thế giới, cũng như bị suy giảm mạnh về đa dạng sinh học. Ví dụ, dự án khôi phục sông Meuse ở Hà Lan, dự kiến sẽ giúp giảm tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Thảm hoạ xảy ra ở Libya là hồi chuông cảnh báo cho các con “đập già” khác trên thế giới. Và “công cụ” hữu hiệu nhất mà các chuyên gia khuyên dùng là loại bỏ hoàn toàn chúng.
Theo The New York Times