Con số đáng báo động: 11/13 tỉnh miền Tây nhiễm dịch tả heo châu Phi

05/06/2019 14:45 PM | Xã hội

Tính đến ngày 5/6, dịch tả heo châu Phi đã lây lan rộng khắp các địa phương đồng bằng sông Cửu Long. Khác với các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh ở phía Nam lại xuất hiện ở các trại nuôi lớn, quy mô hơn 1.000 con khiến nhiều tỉnh bị vỡ mọi phương án ứng phó.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tính đến ngày 5/6, Trà Vinh là địa phương thứ 11 phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi sau Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Tiền Giang. Như vậy, chỉ còn Long An và Bến Tre chưa lây nhiễm dịch bệnh.

Trong đó, tỉnh Đồng Tháp là nơi có tình hình dịch bệnh nặng nề và phức tạp nhất, nên phải công bố dịch trên quy mô toàn tỉnh. Theo thống kê sơ bộ, Đồng Tháp có tổng đàn heo khoảng 200.000 con, trong đó nhiều nhất là ở thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng.

Thực tế, từ khi dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đến giữa tháng 5, Hậu Giang liên tiếp phát hiện các ổ dịch và phải tiêu hủy hàng trăm con heo. Để xử lý ổ dịch 1.300 con heo, cơ quan chức năng phải mất 4 ngày, huy động cả lực lượng công an mới hoàn thành việc tiêu hủy.

Con số đáng báo động: 11/13 tỉnh miền Tây nhiễm dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Dịch bệnh đã khiến hàng trăm hộ chăn nuôi bị thiệt hại kinh tế.


Tuy nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện ở Hậu Giang vẫn chưa được xác định, nhưng điều đó cho thấy công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn khó khăn. Tuy rằng, phần lớn lượng heo hiện nay được vận chuyển bằng đường bộ, nhưng cũng không loại trừ khả năng đi bằng đường sông.

Hiện nay, hầu hết các trạm, các chốt kiểm dịch động vật đều tập trung vào đường bộ, còn đường thủy thì gần như bỏ ngỏ. Trong khi đó, ở các lần xảy ra dịch bệnh trước đây, không ít lần cơ quan chức năng phát hiện tình trạng thương lái lợi dụng địa hình phức tạp của đường sông để đưa heo từ vùng dịch ra ngoài.

Tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo UBND tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy siết chặt việc vận chuyển heo tại các trạm tuần tra, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi lây lan bằng đường sông.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị chính quyền 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy phải tăng cường chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các tuyến đường bộ và đường sông trong việc ngăn ngừa heo bệnh chở vào địa bàn Tiền Giang, đặc biệt là các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Theo sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi heo với hơn 560.000 con. Trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%.

Là một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi và số hộ chăn nuôi heo với quy mô nông hộ vào bậc cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dù chưa ghi nhận dịch tả heo châu Phi nhưng tỉnh Bến Tre đã căng mình triển khai nhiều phương án nhằm đối phó, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết: "Nói về việc khó kiểm soát dịch tả heo Châu phi thì có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là chưa có vacxin điều trị. Do đó, mầm bệnh luôn có khả năng lây lan nếu không khống chế được các nguyên nhân khác, đặc biệt là khâu vận chuyển, mua bán gia súc có bệnh hoặc có cảm nhiễm".

"Ngoài ra, dịch bệnh còn lây lan ở các đường khác như sử dụng thức ăn thừa, hoặc sử dụng thức ăn mà chưa giết được mầm bệnh. Khi có cơ hội thì sẽ lây lan từ vùng này sang vùng khác và bùng phát dịch. Đặc biệt, sức đề kháng của con virus này rất cao, cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn", ông Trần Quang Thái nói.

Chính vì thế, ngoài giải pháp đầu tiên là kiểm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và tiêu độc khử trùng, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đang tăng cường vận động, tuyên truyền người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo cơ sở chăn nuôi để hạn chế nhiễm từ từ bên ngoài.

"Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng thức ăn thừa và vệ sinh tiêu độc khử trùng ở nơi chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan. Hoặc diệt các vật chủ trung gian mà có nguy cơ lây lan bệnh vào chuồng trại để hạn chế xâm nhiễm dịch tả heo châu Phi", đại diện chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Bến Tre chia sẻ.

THEO HÀ NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM