“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng

12/02/2024 17:30 PM | Xã hội

“Con đường nông sản” là chương trình đặc biệt, được thực hiện thường niên vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 1.

Năm 2023, toàn cầu đứng trước những thách thức, kinh tế tiếp tục khó khăn do những tác động của Elnino, xung đột chính trị, thị trường giảm mạnh đơn hàng vì lạm phát vẫn diễn ra tại nhiều nước. Hai ngành xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp là thuỷ sản và lâm nghiệp cả năm duy trì mức giảm 25-30% so với cùng kỳ cũng là một thách thức.

Nhưng chính trong khó khăn ấy cũng đã cho thấy vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Khi Ấn Độ, UAE dừng xuất khẩu một số loại gạo, sau đó đến lượt Nga rút khỏi Thỏa thuận sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cả thế giới chung một mối lo về lương thực và có sự xoay chuyển từ xuất khẩu sang tích trữ.... Việt Nam trở thành trung tâm lương thực của thế giới và nông nghiệp Việt Nam đã là lĩnh vực có nhiều kết quả tích cực lấn át khó khăn trong năm 2023 này.

Hàng ngày, hầu như người Việt Nam nào cũng cầm bát cơm để ăn nhưng chẳng ai để ý đến hạt lúa, hạt gạo, coi như việc có cơm ăn là việc đương nhiên, hết sức bình thường. Nhưng với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là khi năm nay là năm thứ 2 liên tiếp Ấn Độ -  nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ra lệnh cấm xuất khẩu gạo vì Elnino tác động cực đoan đến sản xuất nông nghiệp nước này, thì hạt thóc, hạt gạo đã được đặt lên bàn nghị sự của nhiều quốc gia. Lúa gạo trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi có được lợi thế sản xuất lúa gạo.

Vị thế nông nghiệp Việt có thể nhìn thấy ngay từ lúa gạo nhưng làm gì để tạo vị thế bền vững lại là câu chuyện rất đáng bàn. Và những vấn đề ấy sẽ được đề cập trong chương trình đặc biệt của VTV – "Con đường nông sản 2023 – Vị thế nông sản Việt". Chương trình sẽ lên sóng vào 21h30 ngày mùng 3 Tết Nguyên đán (12/2) trên kênh VTV1.

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 2.

"Con đường nông sản" là chương trình đặc biệt, được thực hiện thường niên vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Chương trình do nhóm Nông nghiệp, phòng Kinh tế, Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện. Có thể nói, với tính chất của chương trình, "Con đường nông sản" đã và đang là một chương trình được mong đợi trong năm – nơi cung cấp cho người xem một cái nhìn toàn cảnh cũng như những biến động về nông nghiệp trong năm đó.

Trò chuyện với Thời báo VTV về chương trình năm nay, Tổ chức sản xuất của "Con đường nông sản" – nhà báo Anh Thư – nói rằng chị và ê-kíp của mình đã chuẩn bị cho chương trình từ tháng 9 – khi 3/4 chặng đường của năm đã đi qua với khá nhiều thông tin diễn biến trên thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 3.

Ê-kíp Con đường nông sản 2023 đi quay tại nước ngoài.

"Đến thời điểm này lãnh đạo phòng - nhà báo Xuân Dung - bắt đầu đưa cho chúng tôi ý tưởng để anh em trong nhóm cùng suy nghĩ, bàn bạc,  tìm ra góc tiếp cận và chủ đề của chương trình" – nhà báo Anh Thư nói – "Đến tháng 11 thì chúng tôi đã chốt được kịch bản và bắt đầu triển khai các cảnh quay ở nước ngoài. Năm nay chúng tôi muốn cho khán giả thấy những góc nhìn khá đa dạng về thị trường nước ngoài".

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mang đến góc nhìn tích cực khác thông qua những câu chuyện về những người đã nỗ lực thay đổi sự nhận biết của người tiêu dùng toàn cầu bằng thương hiệu Việt Nam" – nhà báo Anh Thư nói tiếp – "Chính những con người ấy, họ đã cho thấy có một Việt Nam đang đi bằng chất lượng".

Cũng trong cuộc trò chuyện, nói về áp lực khi làm "Con đường nông sản" - một chương trình đã mang tính thương hiệu trong nhiều năm qua của Ban Thời sự, nhà báo Anh Thư cho biết: "Con đường nông sản đã là một chương trình thương hiệu của Ban Thời sự vào mỗi dịp năm mới nên chúng tôi mang nhiều áp lực khi thực hiện chương trình này. Trong đó, áp lực lớn nhất vẫn là vừa phải tìm ra thông điệp mới, thâu tóm được góc nhìn cả một năm, vừa có ý nghĩa khởi sự  cho một năm mới nhiều hy vọng".

"Áp lực lớn nữa chính là mùa vụ sản xuất vì yếu tố để tạo nên dấu ấn hình ảnh đẹp vốn đã là thương hiệu của Con đường nông sản" – nhà báo Anh Thư nói thêm.

Nói về các khó khăn, nhà báo Anh Thư cho biết: "Vì Con đường nông sản kết nối nội dung chương trình bằng dẫn hiện trường nên cái khó nhất của chúng tôi là tổ chức được bối cảnh hiện trường theo nội dung của từng đúp dẫn. Với 12 đúp dẫn là 12 bối cảnh, cái khó của những người làm là làm sao vừa đáp ứng được đòi hỏi về mặt hình ảnh đẹp vừa phải có sự tương tác với nội dung. Và chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian, nhờ nhiều bên cùng tìm bối cảnh để có sự chọn lựa tốt nhất".

Tiếp lời nhà báo Anh Thư, phóng viên Hoàng Dương – một trong 2 người dẫn của "Con đường nông sản" năm nay – nói: "Là một phóng viên Nông nghiệp, điều mà chúng tôi rất tự hào là qua từng năm nông nghiệp luôn khẳng định được sự vươn lên mạnh mẽ và trụ cột vững chắc của kinh tế nước nhà. Điều đó tạo ra cảm hứng và động lực rất lớn để chúng tôi đi tìm những câu chuyện đặc biệt, những câu chuyện truyền cảm hứng về nông dân, nông thôn".

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 4.

MC Hoàng Dương ghi hình cho Con đường nông sản 2023.

"Cảm giác truy lùng các câu chuyện đặc biệt, đi hỏi khắp nơi các nhân vật hay, bối cảnh đẹp nó như một chất men say dẫn lối chúng tôi. Có những lúc cụt đường, có những lúc bí bách ý tưởng nhưng rồi mọi thứ lại mở ra, một con đường nông sản lại rộng mở để mình có sức sáng tạo".

"Đặc biệt, Con đường nông sản là chương trình đòi hỏi rất cao về hình ảnh và cách kể chuyện nên chính thử thách về nghề và cơ hội được chơi nghề là điều thôi thúc và hấp dẫn với mình" - phóng viên Hoàng Dương nói thêm - "Mỗi lần làm được 1 phóng sự con đường nông sản là mình thấy trưởng thành hơn về nghề, tự hào khi bước qua được chính cái bóng của mình. Vừa dẫn vừa làm phóng sự cho con đường nông sản đó là hạnh phúc nghề nghiệp của tôi!".

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 5.

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 6.

Theo chia sẻ từ ê-kíp thực hiện "Con đường nông sản", cho đến khi chương trình đến với khán giả, ê-kíp thực hiện đã có hơn 5 tháng chuẩn bị - từ nghiên cứu đề tài cho đến khi đi quay và thực hiện công tác hậu kỳ. Và năm nay, chương trình được ghi hình cả trong và ngoài nước. Cụ thể, 2 hai điểm chính trong nước được lựa chọn là Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Ở nước ngoài, ê-kíp ghi hình tại các nước Trung Quốc, Đức và Cộng hòa Séc.

Nói về khoảng thời gian đi ghi hình cho "Con đường nông sản 2023 – Vị thế nông sản Việt", phóng viên Minh Thư cho biết với chương trình năm nay, cô và các đồng nghiệp đã có chuyến đi thần tốc. Những chuyến đi ấy tuy mệt nhưng bù lại, nhìn thấy bà con được mùa với những thành quả thực sự khiến các thành viên trong ê-kíp cảm thấy hứng khởi.

"Ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi ghi hình trong 4 ngày 3 đêm nhưng di chuyển qua tận 8 tỉnh" – phóng viên Minh Thư nhớ lại – "Hầu như hôm nào cả ê-kíp cũng đi từ sáng sớm và làm đến tận đêm khuya. Nhưng lịch trình như vậy cũng quen đối với những người làm thời sự rồi. Chúng tôi có thói quen tác nghiệp lúc nào cũng nhanh và phải nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng cả về nội dung và hình ảnh".

Phóng viên Minh Thư nói địa điểm quay tại Kiên Giang cũng rất đáng nhớ với cả ê-kíp. Nhóm của cô đi quay lúa mùa cùng nhân vật.

"Nhóm chúng tôi có 2 biên tập nữ và quay phim đi cùng một chú nhân vật ra ruộng" – phóng viên Minh Thư nói – "Tuy nhiên, chúng tôi phải di chuyển rất xa mới ra được ruộng lúa và đường đi thì lại không thể đi ô tô nên tất cả đã phải di chuyển bằng xe máy. Chuyến đi khá vất vả khi di chuyển đường ruộng nhỏ, rồi đi phà nữa… Tuy nhiên, khi đến nơi thì mệt mỏi tan biến và tất cả lại có thể ngay lập tức bắt tay vào việc".

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 7.

Tiếp lời phóng viên Minh Thư, phóng viên Quý Thông – người đi tác nghiệp, ghi hình tại ĐBSCL – cho biết: "Năm nay, tôi có cơ hội đi theo những nông dân, thương lái ở ĐBSCL để chứng kiến hành trình hạt gạo của Việt Nam từ cánh đồng đến nhà máy rồi xuất khẩu. Vì đặc thù kênh rạch chằng chịt tại khu vực này, lúa thường được vận chuyển trên những chiếc ghe, nên cả ê-kíp đã có một ngày dài lênh đênh trên ghe lúa, lắng nghe tâm sự từ những thương lái về những câu chuyện trồng lúa, bán lúa. Cứ đi khoảng 100m sẽ có một chiếc cầu có gầm khá thấp, cả nhân vật và ê-kíp đều phải nằm hẳn xuống để chui lọt".

"Lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm đường đi không mấy dễ dàng của hạt gạo Việt, từ đó nhìn nhận ra những điểm còn hạn chế của logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Nếu phóng viên Minh Thư, Quý Thông thực hiện việc ghi hình cho "Con đường nông sản" ở trong nước thì phóng viên Quốc Anh là người thực hiện việc ghi hình ở nước ngoài.

"Còn đường nông sản năm nay chúng tôi có thực hiện 2 phóng sự tại Trung Quốc. Đây là một địa bàn có rất nhiều điều cần lưu ý khi tác nghiệp báo chí bên cạnh những thách thức về ngôn ngữ" – phóng viên Quốc Anh cho biết – "Điển hình là như khi chúng tôi cần ghi hình nông sản Việt trong một chợ đầu mối nông sản rất lớn tại tỉnh Quảng Đông, Bản quản lý chợ không cho phép mang máy quay chuyên nghiệp vào chợ. Chợ lại rất rộng. Do đó chúng tôi đã phải linh hoạt mượn xe máy điện của người dân để vào chợ như những người mua hàng bình thường và ghi hình bằng những thiết bị khác như điện thoại hay máy ảnh".

"Những quy định thì rất chặt chẽ nhưng ngược lại, những người dân Trung Quốc mà chúng tôi gặp lại vô cùng thân thiện hiếu khách" – Quốc Anh nói tiếp – "Biết tiếng Trung và thông hiểu văn hoá thì sẽ càng dễ để được họ nhiệt tình trợ giúp. Họ cho chúng tôi mượn xe và còn dẫn đường cho chúng tôi tới những nơi cần quay trong chợ. Thậm chí có những người dân ở thành phố Quảng Châu còn nhường cả nơi kinh doanh hàng quán của mình cho chúng tôi tạm lấy làm địa điểm ghi hình".

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 8.

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 9.

Nói về cảm xúc khi đi ghi hình cho "Con đường nông sản", phóng viên Qúy Thông nói với Thời báo VTV: "Mặc dù theo dõi nông nghiệp nước mình trong cả một năm nhưng khi lên ý tưởng nội dung cho Con đường nông sản, chúng tôi luôn cố gắng tìm ra những điều mới lạ trong những câu chuyện tưởng chừng như quen thuộc. Điều đáng mừng là mỗi năm, chúng tôi lại thấy thêm nhiều sự khởi sắc của nông nghiệp: xuất khẩu lập kỷ lục, nông nghiệp xanh lên ngôi, cuộc sống của bà con nông dân có nhiều thay đổi…".

"Điều chúng tôi thấy vui khi đi làm chương trình này là được thấy nhờ trồng lúa, bà con mình đã có thu nhập cao hơn trước, có người cất được nhà nhờ giá lúa cao, xuất khẩu tốt vào năm vừa rồi".

"Hay như những bà con trồng sầu riêng năm rồi lần đầu được xuất khẩu chính ngạch, người trồng sầu riêng nhiều người trở thành tỷ phú. Bà con mình cũng thay đổi tư duy nhiều rồi, đã chuyển sang chủ động liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và xuất khẩu bài bản hơn. Đó là điều đáng mừng" – phóng viên Minh Thư chia sẻ – "Những thay đổi này sẽ có tính chất lan toả rộng rãi hơn, giúp mọi người ý thức được việc giờ phải làm ăn bài bản, chỉn chu. Đó mới là con đường dài của nông nghiệp".

Kết thúc chia sẻ của mình, nói về điều gặt hái được sau khi hoàn thành "Con đường nông sản 2023 – Vị thế nông sản Việt", các thành viên trong ê-kíp bày tỏ: "Điều lãi nhất khi làm Con đường nông sản là chúng tôi được làm nghề, được sáng tạo, được có thời gian tìm tòi và phát triển câu chuyện của mình, được đi nhiều nơi, được gặp những người cũng đầy tâm huyết, yêu nông nghiệp, trăn trở với nông nghiệp. Chúng tôi cũng được tiếp cận và học hỏi thêm nhiều kiến thức từ chính bà con, từ những doanh nhân, nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp".

"Nhưng điều chúng tôi vui nhất là chúng tôi thấy là ngành hàng lúa gạo của Việt Nam thật sự đã sang trang mới. Mình từ thế bị động, chuyển sang chủ động đàm phán giá với đối tác. Mình sản xuất theo đặt hàng, chú trọng chất lượng, cũng là nước đầu tiên tham gia cam kết trồng lúa giảm phát thải Carbon. Nông nghiệp Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế của mình, biết tận dụng lợi thế, và sẽ cất cánh".

“Con đường nông sản 2023 - vị thế nông sản Việt”: Một Việt Nam đi bằng chất lượng - Ảnh 10.


Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM