Con cái trưởng thành vẫn phải cưu mang đủ thứ, nhiều bậc cha mẹ kêu gào: Nghỉ hưu rồi không được yên thân dưỡng già

15/03/2024 20:30 PM | Sống

Gần một nửa số phụ huynh có con trên 18 tuổi trong khảo sát cho biết họ vẫn phải cưu mang con mình với nhiều khoản chi phí.

Gần một nửa các bậc cha mẹ vẫn hỗ trợ tài chính cho con cái của mình dù chúng đã bước qua tuổi 18. Dù chấp nhận nhưng thực tế việc chu cấp này đã trở thành gánh nặng cho một số phụ huynh khi kế hoạch nghỉ hưu của họ gặp rủi ro.

Internet bùng nổ với cơ hội việc làm rộng mở, nhiều người cho rằng thế hệ trẻ ngày nay có thể tự lập với nguồn tài chính dư dả.

Con cái trưởng thành vẫn phải cưu mang đủ thứ, nhiều bậc cha mẹ kêu gào: Nghỉ hưu rồi không được yên thân dưỡng già - Ảnh 1.

Không chỉ lo lắng nhà cửa cho con, nhiều bậc phụ huynh ngày nay vẫn phải trả nhiều khoản chi phí nhỏ nhặt cho những thanh niên "mãi không chịu lớn".

So với cha mẹ ở độ tuổi này, họ có nhiều khả năng có bằng đại học và làm việc toàn thời gian hơn, đặc biệt là phụ nữ, những người không chỉ đạt được trình độ học vấn ngày càng cao mà còn kiếm được nhiều tiền hơn.

Thế nhưng, thực tế, ngoài chi phí thực phẩm và nhà ở tăng cao, họ còn phải đối mặt với những thách thức tài chính khác mà những thế hệ trước không gặp phải ở độ tuổi đó.

Trong các báo cáo kinh tế và nhân khẩu học, kết quả khảo sát cho thấy mức lương của thế hệ Y và Z không chỉ thấp hơn thu nhập của cha mẹ họ khi so sánh ở cùng độ tuổi 20 và 30, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, mà họ còn đang phải đối mặt với các khoản vay lớn hơn, chủ yếu đến từ tín dụng sinh viên và thẻ tín dụng.

Theo chuyên trang tài chính tiêu dùng Savings.com, 61% thanh niên trưởng thành vẫn sống ở nhà với cha mẹ và không đóng góp gì vào chi phí gia đình.

Để có đủ nguồn lực tài chính, giới trẻ đã phải tìm đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Theo báo cáo của trang web Savings.com tại Mỹ, gần một nửa (47%) cha mẹ có con trên 18 tuổi cung cấp cho họ ít nhất một trong các khoản hỗ trợ tài chính bao gồm mua thực phẩm hàng ngày, thanh toán gói điện thoại di động hay chi trả bảo hiểm y tế và ô tô, con số hỗ trợ trung bình ở mức 1.384 USD/tháng (khoảng 34 triệu đồng).

Dù chấp nhận nhưng thực tế con cái không thể tự mình gánh vác tài chính, thế nhưng việc chu cấp tiền bạc cho chúng đã trở thành gánh nặng cho một số phụ huynh khi kế hoạch nghỉ hưu của họ gặp rủi ro.

Con cái trưởng thành vẫn phải cưu mang đủ thứ, nhiều bậc cha mẹ kêu gào: Nghỉ hưu rồi không được yên thân dưỡng già - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, 58% cha mẹ cho biết họ đã hy sinh nguồn tài chính dưỡng già của mình vì lợi ích của con cái, tăng vọt so với 37% cha mẹ một năm trước đó, báo cáo của Savings.com cũng cho thấy.

Carolyn McClanahan, một nhà hoạch định tài chính, thành viên Hội đồng cố vấn của CNBC, đồng thời là người sáng lập Life Planning Partners ở Jacksonville, Florida  (Mỹ), cho biết các bậc cha mẹ trước hết nên "có một kế hoạch tài chính tốt cho bản thân, trong đó dự trù số tiền họ có thể cho con mình, chứ không phải là tất cả".

Cụ thể, McClanahan đề nghị các bậc cha mẹ đặt ra các giới hạn và khung thời gian cung cấp hỗ trợ tài chính có tính đến kế hoạch nghỉ hưu của chính họ hoặc các mục tiêu tài chính khác, chẳng hạn như trả hết nợ hoặc tiết kiệm cho sức khỏe lâu dài - chi phí chăm sóc. "Bạn cần tạo ra ranh giới và tìm sự cân bằng cho bản thân bạn".

Isabel Barrow, giám đốc kế hoạch tài chính tại Edelman Financial Engines, cũng đưa ra một lời khuyên khác tới các khách hàng là các bậc cha mẹ rằng họ nên lập ra một thỏa thuận: Cha mẹ sẽ cung cấp một số hỗ trợ tài chính cho con cái họ, nếu con cái họ cũng đưa ra những quyết định hỗ trợ tương lai tài chính của chính chúng theo những cách khác.

Chẳng hạn như đóng góp 10% tiền lương của họ vào quỹ hưu trí tại nơi làm việc, hoặc nếu họ có thu nhập, họ có việc làm và có thể tiết kiệm. "Đó cần phải là cam kết của họ với cha mẹ", Barrow nói.

Nguồn: CNBC

Theo Minh Nhật

Cùng chuyên mục
XEM