Cơn bão Tembin cấp 12 đổ bộ vào Nam Bộ có sức gió kinh hoàng đến thế nào?
Bão Tembin là cơn bão lớn cấp 12? Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết sự thay đổi của các cấp gió chóng mặt như thế nào đấy.
Như chúng ta đã biết, các tỉnh Nam Bộ Việt Nam đang phải đối mặt với cơn bão muộn và mạnh bậc nhất ở cùng thời điểm trong lịch sử - bão Tembin.
Theo thông tin mới ghi nhận, bão Tembin đang suy yếu dần và giảm cường độ, nhưng vẫn đang tiến vào các tỉnh Tây Nam Bộ với sức gió gần tâm bão đạt cấp 8 - 9, giật lên cấp 12 theo thang đo Beaufort.
Với sức gió như vậy, cơn bão Tembin vẫn có thể gây ra hậu quả khôn lường. Cụ thể, khi sức gió lên tới 118 - 133 km/h, cơn bão được xếp vào cấp 12.
Ở cấp độ này, những trận cuồng phong có thể chuyển thành lốc xoáy, có khả năng đánh đắm những con tàu có tải trọng lớn trên biển với những đợt sóng cao hơn 14m.
Trên đất liền, gió bão sẽ khiến mọi thứ xung quanh mờ mịt, không thể nhìn rõ được. Tuy nhiên, cũng chẳng ai ra đường trong điều kiện như vậy, vì gió cấp độ này hoàn toàn có thể quật đổ cây to, và gần như chắc chắn cuốn bay được cả thân người.
Trong những trận bão trong quá khứ, nhiều thành phố thậm chí phải chứng kiến những cây cổ thụ với đường kính lên tới 40 - 60cm hoặc hơn cũng bị quật ngã.
Nguyên do là vì nhiều loại cây có rễ chùm ăn rất nông, cành lá nhánh đòn hứng gió... Chúng rất dễ bật gốc và gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể lấy ví dụ như sọ khỉ, liêm xẹt, phượng vũ... và một số cây gốc to như xà cừ.
Một ví dụ có thể cho thấy sức mạnh của gió bão cấp 12 chính là bão Damrey - đổ bộ vào Nha Trang hồi tháng 11/2017. Với sức gió giật cấp 11, 12, Damrey càn quét nhiều giờ trên đất liền, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân.
Bạn có thể xem qua hậu quả của cơn bão trong video dưới đây.
Những siêu bão trên cấp 13
Trên thế giới đã từng ghi nhận những siêu bão như vậy, nhưng tại Việt Nam thì đó là một hiện tượng cực hiếm, thậm chí gần như chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Lý do là vì bão mạnh như vậy đều bắt nguồn từ đại dương, và nó phải băng qua Philippines trước khi đổ bộ vào Việt Nam. Quãng đường di chuyển dài cũng khiến nó suy yếu, nên chúng ta chỉ cần sử dụng thang đo sức gió Beaufort là đủ để đo lường những cơn bão này rồi.