Còn 10 ngày mới hết tháng nhưng đã "cạn lương", mẹ đảm vẫn chi tiêu được đủ đầy cho cả gia đình nhờ cách này

18/02/2024 14:40 PM | Sống

Câu chuyện chưa hết tháng mà lương đã cạn có lẽ là chuyện không của riêng ai.

Chi tiêu cho các sinh hoạt hằng ngày trong gia đình chưa bao giờ là việc đơn giản. Có rất nhiều người phải cân đo không ít nhưng việc thiếu trước hụt sau vẫn là điều khó mà tránh được.

Linh Trang (30 tuổi) hiện đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng thường xuyên phải đau đáu với công cuộc cân đối chi tiêu cho gia đình cùng khoản tiền gần như cố định hàng tháng. Không ít lần, với những chi tiêu phát sinh vượt cả những dự trù phát sinh, Trang quả thực phải rơi vào tình huống chưa hết tháng đã gần như cạn lương.

Thu nhập 30 triệu/tháng nhưng vẫn phải đau đầu cân đối chi tiêu

Gia đình Linh Trang có 4 thành viên, vợ chồng cô cùng hai con nhỏ 10 tuổi và 5 tuổi. Khác phần đông các gia đình, nhà Trang chia ra khá rõ ràng, thu nhập của cô sẽ dùng vào việc chi phí của cả nhà hàng tháng, thu nhập của chồng cô sẽ để tiết kiệm và dùng vào các việc lớn.

"Dù rằng với mức lương 30 triệu/tháng cũng không phải là thấp nhưng thật lòng mà nói để vận hành cuộc sống hằng ngày của một gia đình 4 thành viên ở thành phố đắt đỏ cũng không hẳn là dễ dàng. Mình đã phải lên hẳn một danh sách những khoản chi tiêu cố định không thể thay đổi hàng tháng để xem mình đã dùng tiền hợp lý chưa hay có thể tiết kiệm ở khoản nào để khắc phục vào các tháng sau. Thế nhưng chuyện thỉnh thoảng vẫn có tháng hụt lên hụt xuống".

Còn 10 ngày mới hết tháng nhưng đã "cạn lương", mẹ đảm vẫn chi tiêu được đủ đầy cho cả gia đình nhờ cách này- Ảnh 1.

Những khoản tiền cố định mà gia đình Trang phải chi hàng tháng.

Với bảng chi tiêu này quả thực Trang khó lòng mà cắt giảm được ở khoản nào. Cô lại không muốn tiêu vào khoản tiền tiết kiệm của gia đình nên bài toán đặt ra cho cô là làm sao với 30 triệu mỗi tháng, cô bắt buộc phải có cách để chi tiêu thật hợp lý.

Còn 10 ngày mới hết tháng nhưng chỉ còn... 5 triệu

Linh Trang có cách vận hành chi phí sinh hoạt cho gia đình và cô luôn áp dụng nó hàng tháng, về cơ bản mọi việc đều ổn thỏa. Thế nhưng thỉnh thoảng sẽ có một tháng phát sinh ngoài dự kiến và Trang thì lại tiếp tục phải đau đầu cân đối chi tiêu thêm một lần nữa.

"Chằng phải nói đâu xa, tháng vừa rồi vợ chồng mình được mời dự đến tận 7 cái đám cưới và 4 cái lễ mừng đầy tháng, thôi nôi của con cái bạn bè. Theo quy tắc thông thường của hai vợ chồng thì tiền này sẽ tính là phát sinh sinh hoạt hàng tháng nên tiền tiết kiệm sẽ từ chối 'giải ngân' cho khoản này. Tuy nhiên, tổng số tiền mình bọn mình phải bỏ ra là 11 triệu, tức là bằng hơn 1/3 số tiền thu nhập tháng đó của mình. Thế là loanh quanh đến gần cuối tháng, chính xác là còn 10 ngày nữa mới hết tháng nhưng mình chỉ còn có 5 triệu mà thôi".

Trang cho biết lúc ấy cũng khá đau đầu và đã chắc mẩm là phải tính chuyện bảo chồng trích quỹ để lo chi phí rồi nhưng cũng trong cái khó ló cái khôn. Trang rút ra được 3 quy tắc chi tiêu khi chưa hết tháng mà đã gần hết tiền, theo cô nếu thực hiện đúng thì không chỉ đợi được đến kì lương tiếp theo mà thậm chí cuối tháng còn dư ra được một ít.

1. Chuẩn bị trước thực phẩm đủ cho những ngày còn lại

Trước tiên, Trang đã đi chợ và mua đủ thực phẩm cho 10 ngày còn lại trong tháng, chia thành từng ngày một để đảm bảo rằng dù lỡ có hết tiền đi chăng nữa vẫn còn đủ đồ ăn cho cả nhà.

Việc này đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian đi chợ hàng ngày của cô và hạn chế được việc mua thêm những đồ không cần thiết. Đặc biệt cũng né được việc mỗi ngày các cô bán thịt "nhờ" mua quá thêm mấy lạng thịt.

Số tiền Trang phải chi cho khoản này là 2.000.000.

Còn 10 ngày mới hết tháng nhưng đã "cạn lương", mẹ đảm vẫn chi tiêu được đủ đầy cho cả gia đình nhờ cách này- Ảnh 2.

2. Dừng thói quen lướt sàn thương mại điện tử

Nếu như bình thường đây là cách mà Trang chọn để mua sắm với chi phí hợp lý nhất thay vì mua trực tiếp tại các cửa hàng mà chưa hề có sự tham khảo và so sánh giá cả cũng như chất lượng thì thời điểm này nó lại là việc mà Trang dừng lại đầu tiên.

Theo Trang việc lướt các sàn thương mại điện tử sẽ khó lòng mà tránh được việc sẽ mua sắm online những thứ chưa thực sự cần thiết. Những thứ này hoàn toàn có thể chờ đến lúc Trang nhận lương của tháng kế tiếp.

3. Chỉ mang số tiền cố định mỗi ngày đi làm

Trang quyết định không cầm quá nhiều tiền như bình thường, trong ví cô những ngày này chỉ luôn có cố định 200.000 để phòng trừ việc cần đến.

Không cầm quá nhiều tiền khi ra khỏi nhà cũng hạn chế được việc mua sắm những thứ không cần thiết. Bên cạnh đó, với tâm lý mình không cầm quá nhiều tiền sẵn bên mình cũng khiến Trang dẹp bỏ được những dự định tiêu tiền ngoài kế hoạch.

Cách này cũng giúp Trang kiểm soát được số tiền mình tiêu trong một ngày.

Cuối tháng, số tiền Trang còn lại là khoảng 500.000. Tính ra, cô đã chi tiêu cho gia đình 4 thành viên trong 10 ngày cuối tháng chỉ với 4.500.000.

Như vậy, với 3 nguyên tắc này Trang đã "sống sót" qua những 10 ngày cuối tháng khi mà chỉ còn có 1/6 tổng số tiền được chi tiêu trong một tháng.

Mạn Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM