Cổ phiếu VPBank bất ngờ có phiên giao dịch lớn thứ 3 lịch sử, vốn hóa tăng vọt 8.700 tỷ đồng

12/06/2024 21:15 PM | Kinh doanh

Cổ phiếu VPBank tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng hôm nay với mức tăng 6%, qua đó nâng vốn hóa lên sát 154.000 tỷ đồng. Đáng chú ý thanh khoản của cổ phiếu này cao thứ 3 lịch sử và lớn nhất kể từ tháng 6/2021.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 12/6, VN-Index lần đầu tiên lấy lại mốc 1.300 điểm sau đúng 2 năm ròng rã.

Cổ phiếu VPBank bất ngờ có phiên giao dịch lớn thứ 3 lịch sử, vốn hóa tăng vọt 8.700 tỷ đồng- Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index 2 năm qua

Theo phân tích của công ty chứng khoán SSI, VN30 tăng 1,8% hôm nay đóng vai trò dẫn dắt chính, đặc biệt là nhóm ngân hàng với VPB (+6%), MBB (+2,4%), HDB (+1,9%), VCB (+1,7%). Các mã FPT (+4,4%) và MSN, SSI, BCM cũng tăng hơn 2% trong rổ.

Ngoại trừ nhóm Y tế giảm nhẹ, hầu hết nhóm ngành còn lại đều khởi sắc. Dòng tiền có sự tập trung vào các nhóm CNTT, Ngân hàng, Bán lẻ, Thép – Tôn mạ, Chứng khoán. SSI nhận định, các mã VPB, FPT, DGW, SSI, VIX, REE, PTB nhận được hiệu ứng lan tỏa rõ rệt nhất hôm nay.

Đáng chú ý, cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank hôm nay ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến, lên tới 75,8 triệu đơn vị trong đó 69,9 triệu đơn vị theo phương thức khớp lệnh và 5,9 triệu đơn vị theo phương thức thỏa thuận. Theo thống kê, đây là phiên giao dịch lớn thứ 3 lịch sử VPBank, kể từ khi ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn năm 2017.

Vốn hóa VPBank hôm nay tăng hơn 8.700 tỷ đồng, lên 153.918 tỷ đồng.

Cổ phiếu VPBank bất ngờ có phiên giao dịch lớn thứ 3 lịch sử, vốn hóa tăng vọt 8.700 tỷ đồng- Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu VPBank 1 năm qua

Cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng trong bối cảnh ngành ngân hàng được nhận định có triển vọng tích cực năm 2024. Báo cáo của công ty chứng khoán BSC cho rằng có 3 yếu tố khiến triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn năm 2023. Thứ nhất, NIM cải thiện ở mức độ nhẹ. Thứ hai, tiềm năng thu nhập bất thường từ thu hồi nợ đã xử lý. Và thứ ba, định giá vẫn còn hấp dẫn.

Đối với lợi nhuận quý 1, BSC cho biết lợi nhuận nhóm ngân hàng quý 1/2024 tăng 2,9% so với quý 4/2023 và tăng 8,1% so với quý 1/2023. Mức tăng này phù hợp với dự báo khi xu hướng phục hồi của nhu cầu tín dụng còn yếu và việc hình thành  nợ xấu vẫn đang diễn ra. Mặc dù vậy, vẫn có một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao trong quý 1/2024 như HDBank (+46,8%), Techcombank (+38,7%), VPBank (+64%).

Đối với VPBank, báo cáo phân tích của công ty chứng khoán KB Securities cho rằng VPBank sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm 100 - 150 điểm cơ bản dựa trên 2 nguyên nhân. Thứ nhất là thanh khoản hệ thống suy giảm khiến lãi suất thị trường một cần đưa về mức hấp dẫn hơn để thu hút dòng tiền và thứ hai là áp lực tỷ giá dù hạ nhiệt sau các động thái từ Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên vẫn đang ở mức cao.

Chi phí đầu vào (COF) có thể tiếp tục được cải thiện trong phần còn lại của năm 2024 dựa trên 2 yếu tố: đáo hạn các khoản huy động lãi suất cao trong giai đoạn cuối 2022, đầu 2023 và mức lãi suất huy động 5,5 – 6,0%/năm (là mức đã tăng 100 - 150 điểm cơ bản) vẫn là mức lãi suất tương đối thấp so với quá khứ .

KBSV kỳ vọng với động lực từ COF, NIM của VPB sẽ có xu hướng cải thiện trong năm 2024 tuy nhiên sẽ không thể về lại nền cao của giai đoạn 2020 - 2022 do: chất lượng tài sản kém hơn gây ảnh hưởng đến thu nhập lãi; giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn đang ở mức yếu.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 13/6, thị trường sẽ duy trì đà tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và nên chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM