Cổ phiếu Vingroup khớp lệnh kỷ lục từ khi niêm yết, vốn hóa tăng thêm hơn 42.000 tỷ sau 7 phiên giao dịch

04/08/2023 17:06 PM | Kinh doanh

Trong phiên 4/8, VIC khớp lệnh lên đến 21,2 triệu đơn vị, con số cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.

Cổ phiếu Vingroup khớp lệnh kỷ lục từ khi niêm yết, vốn hóa tăng thêm hơn 42.000 tỷ sau 7 phiên giao dịch - Ảnh 1.

Sau phiên giao dịch ảm đạm, lực kéo từ cổ phiếu trụ giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại những gì đã mất với mức tăng 15 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Đóng góp lớn nhất cho đà tăng của thị trường là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup khi tăng hết biên độ.

Chỉ sau 7 phiên giao dịch, VIC đã tăng gần 22% thị giá qua đó leo lên mức cao nhất trong 8 tháng kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 42.600 tỷ đồng sau một tuần, lên vượt 237.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thanh khoản của VIC cũng cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Trong phiên 4/8, VIC còn khớp lệnh lên đến 21,2 triệu đơn vị, con số cao  nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.

Cổ phiếu Vingroup khớp lệnh kỷ lục từ khi niêm yết, vốn hóa tăng thêm hơn 42.000 tỷ sau 7 phiên giao dịch - Ảnh 2.

Thực tế, không riêng gì VIC, hàng loạt cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau “xanh tím” sau dư âm cuộc họp về “giải cứu” bất động sản vào ngày 3/8. Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng, NHNN, Bộ Công An, Bộ Tư pháp cùng các Tập đoàn Vingroup, SunGroup, Novaland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, các chủ thể có liên quan cùng nhau chung tay giải quyết vì sự phát triển của đất nước”.

Bên cạnh “tin vui” từ việc giải cứu thị trường bất động sản, VIC cũng liên tục đón nhận hàng loạt thông tin tích cực trong thời gian qua.

Đáng chú ý nhất là mảng sản xuất của Vingroup tiếp tục đạt được những bước đi quan trọng. Theo đó, hồ sơ đăng ký theo mẫu F-4 của VinFast liên quan đến giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Space đã được Ủy Ban Chứng khoán Mỹ công bố hiệu lực vào ngày 28/7 và VinFast dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 8 năm nay theo đúng tiến độ đề ra.

Cũng trong tháng 7, VinFast đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ. Đây sẽ là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đồng thời là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử bang cho đến thời điểm hiện tại.

Trong một diễn biến liên quan, Vingroup vừa thông báo sẽ phát hành 5 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng. Giá bán sẽ là 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng số tiền thu được sẽ được Vingroup cho VinFast vay đầu tư dự án sản xuất ôtô tại Cát Hải, Hải Phòng.

Bên cạnh đó, diễn biến tích cực của VIC cũng đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc của Vingroup 6 tháng đầu năm với tổng doanh thu thuần hợp nhất bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.936 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả khả quan này nhờ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 trong kỳ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác gồm kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng tốt.

Đáng chú ý, doanh thu mảng sản xuất trong 6 tháng đầu 2023 tăng 55,2% so với cùng kỳ 2022 nhờ doanh số xe điện tăng mạnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất.

Theo Hạ Anh

Cùng chuyên mục
XEM