"Cổ phiếu Vingroup đã về vùng giá hấp dẫn chưa?": Giám đốc đầu tư Vinacapital dè dặt đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư muốn bắt đáy
Theo ông Đinh Đức Minh, VIC là cổ phiếu rất khó để định giá. Với cổ phiếu như VIC, hiện tại để mua thì sẽ mang tính chất ngắn hạn.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến thông tin đặc biệt đến từ các doanh nghiệp lớn. Một trong những điều gây xôn xao nhất là việc Tập đoàn Vingroup lần đầu tiên báo lỗ.
Sau thông tin kết quả kinh doanh lỗ, giá cổ phiếu VIC của Vingroup giảm liên tục chỉ còn hơn 81.000 đồng tính đến ngày 11/2/2022. Mức giá này nếu so sánh với mức đỉnh cao nhất trong lịch sử giao dịch, hiện đã giảm tới 35%.
"Cổ phiếu Vingroup liệu đã về vùng giá hấp dẫn chưa?", biên tập viên Hoàng Nam đặt câu hỏi cho các chuyên gia tham dự talkshow Bí mật đồng tiền số 8 với chủ đề "Tự túc có hạnh phúc?".
“Theo tôi thấy VIC là cổ phiếu rất khó để định giá. Nên để bảo giá cổ phiếu Vingroup bao nhiêu là hợp lý thì rất là khó đoán định. Trước đây có những báo cáo phân tích định giá Vingroup 110-120 ngàn đồng. Nếu bây giờ bảo những bạn định giá mức đấy bây giờ có dám mua Vingroup ở mức 80 nghìn hoặc hơn hay không thì tôi cũng không dám chắc các bạn dám mua”, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư quỹ Vinacapital nhà điều hành hai quỹ VEOF và VIBF chia sẻ quan điểm của mình.
Chuyên gia này cũng cho rằng với cổ phiếu như VIC hiện tại để mua thì sẽ mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn. Nếu nhà đầu tư muốn mua ngắn hạn thì cần phải nhờ đến các chuyên gia về phân tích kỹ thuật.
"Thường thì ở mức giá này nếu phân tích kỹ thuật bảo là điểm mua ở đây thì có thể chúng ta xuống tiền mua một ít, mua xong nếu giảm nữa thì nên mua tiếp", ông Minh bình luận.
Ngày 29/1/2022, Tập đoàn Vingroup công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2021. Đây là đầu tiên trong lịch sử, Vingroup báo lỗ 7.500 tỷ đồng cho năm tài chính 2021.
Tập đoàn này cho biết, trong quý 4/2021 nói riêng và cả năm 2021 nói chung, hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng- vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Việc Vincom Retail mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên tới 2.115 tỷ đồng tính riêng cho năm 2021 cũng khiến doanh thu bị ảnh hưởng đáng kể.
Do đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup trong quý 4 đạt 34.458 tỷ đồng – giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2021 doanh thu thuần đạt 125.306 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Vingroup cũng quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện. Quyết định này sẽ giúp Vingroup hiện thực hóa nhanh hơn chiến lược trở thành hãng xe toàn cầu, thâm nhập sâu vào các thị trường quốc tế bởi trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế xe chạy bằng động cơ đốt trong. Điều này dẫn đến trong kỳ, Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.
Ngoài hai nguyên nhân trên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp, trong năm 2021 Vingroup đã tài trợ 6.100 đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và các hoạt động tài trợ khác (tính đến nay, Vingroup đã chi hơn 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid).