Cổ phiếu Vietnam Airlines bất ngờ tăng kịch trần
Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index đóng cửa giảm 8,5 điểm. Sức ép đến từ các cổ phiếu lớn. Trong khi đó, HVN của Vietnam Airlines bất ngờ tăng trần, thanh khoản đột biến.
Toàn bộ thời gian của phiên giao dịch ngày 4/5, VN-Index chìm trong sắc đỏ. Diễn biến của chứng khoán trong nước tương tự một số thị trường trong khu vực, sau quyết định tăng lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Quyết định của Fed tương đồng với nhiều dự báo trước đó.
Hôm nay, dòng tiền nhanh chóng được kích hoạt sau kỳ nghỉ dài, nhưng ở chiều bán. Nhóm vốn hoá lớn VN30 chịu áp lực bán mạnh. NVL giảm sâu 5,2%, MSN, MWG, PDR, SAB giảm trên 3%. 10 mã tiêu cực nhất lấy đi của VN-Index hơn 8 điểm. Trong đó, VCB kéo chỉ số đi lùi nhiều nhất, với gần 2,5 điểm. MSN, SAB, VIC, VNM, CTG, VPB… lần lượt theo sau.
Các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bất động sản đều đồng loạt đi lùi. Ở nhóm ngân hàng, VCB, CTG giảm trên 2%. VPB, TCB, VIB, MBB, SSB cùng giảm giá. Những cổ phiếu vốn hoá lớn trong nhóm bất động sản như VIC, VRE, BCM, PDR, THD đồng loạt đi lùi 1-3%. Một số mã lớn ở các ngành khác như MWG, GAS, POW, VJC, HPG… cũng ngập trong sắc đỏ. Áp lực bán ở nhóm cổ phiếu lớn là khá mạnh.
Điểm sáng hiếm hoi trong phiên hôm nay là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, tăng trần lên 12.900 đồng/ cổ phiếu. HVN khớp lệnh gần 1,3 triệu đơn vị, trắng bên bán. HVN vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát. Đáng chú ý, HVN có lãi trước thuế sau 12 quý lỗ liên tiếp.
Theo đó, kết thúc quý 1/2023, HVN ghi nhận doanh thu thuần gần 23.500 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ (11.620 tỷ đồng). Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 19 tỷ đồng. Mức lỗ sau thuế của HVN giảm 99% so với cùng kỳ, chỉ còn 37,33 tỷ đồng
Theo giải trình từ HVN, lỗ sau thuế quý 1/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do tổng doanh thu và thu nhập khác tăng mạnh. Doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116%, tương đương tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh. HVN đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch bệnh)..
Bên cạnh đó, HVN cũng có giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát. HVN đã triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, và cải thiện kết quả kinh doanh, đồng thời bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp. Bắt đầu từ quý 1/2023, thị trường quốc tế đã từng bước được phục hồi, hoạt động kinh doanh của HVN tích cực hơn. HVN đã cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ. Các yếu tố đầu vào diễn biến tích cực (tỷ giá) đã giúp mức lỗ quý 1/2023 giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, HVN cho biết đang hoàn tất đối chiếu, xác nhận công nợ với nhà cung cấp theo thủ tục kiểm toán để phát hành báo cáo tài chính kiểm toán 2022.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 8,51 điểm (0,81%) xuống 1.040,61 điểm. HNX-Index tăng 0,67 điểm (0,32%) lên 208,15 điểm. UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (0,64%) xuống 77,27 điểm.
Thanh khoản tăng nhẹ, giá trị khớp lệnh HoSE đạt hơn 9.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 312 tỷ đồng, tập trung vào VNM, CTG, STB, GMD…