Cổ phiếu HVN tăng trần trước ngày được đưa ra khỏi diện cảnh báo, lãnh đạo Vietnam Airlines nói gì về khả năng hủy niêm yết?
Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4 do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định.
Kết thúc ngày 25/12, thị trường đã chứng kiến một phiên giao dịch hứng khởi khi VN-Index tăng 14,6 điểm lên mức 1.117 điểm. Trong đó, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là điểm nhấn khi tăng "kịch trần" lên mức giá 11.750 đồng/cp với khổi lượng dư mua hơn 1,9 triệu đơn vị. Đây đã là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.
Một thông tin tích cực vừa đến với cổ đông của Vietnam Airlines khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12 do đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 16/12 (khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo).
Trước đó, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4. Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định.
Tuy nhiên, hiện cổ phiếu HVN đang rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết vì Vietnam Airlines đã trải qua 3 năm lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu.
Trả lời về khả năn cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Vietnam Airlines đến trước khi Covid-19 xảy ra là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa lớn trên sàn HoSE, có tài chính lành mạnh. Yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch ập đến khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới lao đao, không chỉ riêng Vietnam Airlines. Ông Hiền tin rằng các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá những yếu tố ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines là khách quan, vì vậy ông cũng mong cổ phiếu HVN có thể không bị hủy niêm yết.
Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cũng khẳng định công ty đang có nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả của Covid-19. Từ năm 2024 trở đi công ty có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của HVN.
"Chúng tôi cần một thời gian không dài để Vietnam Airlines có lãi. Cũng không cần một thời gian quá dài để vốn chủ sở hữu dương nhưng có thể mất nhiều thời gian để xóa lỗ lũy kế", ông Trần Thanh Hiền nói.
Dòng tiền của Vietnam Airlines hiện nay đã được cải thiện đáng kể, thậm chí là tích cực. Công ty đã bố trí được 7.000 tỷ đồng để trả những khoản nợ đến hạn trả và hoãn được một số khoản nợ đến hạn khác. Những khoản nợ đang dần được xử lý theo lộ trình, và công ty cũng cam kết có thể trả những khoản nợ đã hoãn.
Để xóa lỗ lũy kế, công ty có thể mất rất nhiều năm. Quan trọng nhất là công ty cần được thông qua đề án tái cơ cấu gồm tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu các công ty con và tái cơ cấu nguồn vốn. Ông Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể thông qua chủ trương tái cơ cấu sớm nhất như thoái vốn Skypec, phát hành thêm cổ phiếu để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Về việc thoái vốn một số đơn vị thành viên, ông Trần Thanh Hiền cho biết việc này cần xin cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi có thể đem về bao nhiêu tiền cho Vietnam Airlines thì chưa thể tính chính xác ở thời điểm này. "Bao giờ xin được chủ trương thì lúc đó tổng công ty mới có thể biết được thu về bao nhiêu tiền từ hoạt động thoái vốn" - Ông Hiền cho biết.