Cổ phiếu điều chỉnh đầy thách đố, năm 2018 Thế giới Di động có giữ vững phong độ khi cái gì cũng chưa chắc, doanh thu 10 tỷ USD… chỉ còn là giấc mơ?
Đạt mức tăng hơn 7 lần chỉ sau 3 năm giao dịch, cổ phiếu Thế giới Di động có thể nói chưa khi nào làm giới đầu tư thất vọng, song nhịp điều chỉnh đầu năm 2018 thực sự là một câu đố khi ban lãnh đạo bất ngờ dốc sức “đặt cược” vào Bách Hóa Xanh.
Nếu năm 2017 gây đình đám với thương vụ thâu tóm ông vua điện máy miền bắc Trần Anh hay chuỗi dược Phúc An Khang, thì mới đây Chủ tịch Nguyễn Đức Tài tuyên bố đó không phải là mối bận tâm của MWG trong năm tài chính đến, mà Công ty sẽ dốc toàn lực cho Bách Hóa Xanh. Liệu rằng ban lãnh đạo Công ty đột ngột thay đổi chiến lược, hay Bách Hóa Xanh thực chất mới là nước cờ lâu dài của MWG?
Cổ phiếu giảm hơn 9% có phải do áp lực chốt lời?
Về MWG, là một trong số ít cổ phiếu có tốc độ tăng phi mã chỉ sau 3 năm giao dịch, từ mức 18.642 đồng/cp (14/07/2014) tăng gần 600% để chạm đỉnh 137.500 đồng/cp tại phiên 22/11/2017, Thế giới Di động luôn nằm trong top lọt vào "mắt xanh" của nhà đầu tư từ tổ chức đến cá nhân. Đặc biệt, nhiều quỹ lớn cũng năng mua vào bán ra cổ phiếu ông lớn điện máy này, riêng Mekong Capital sau hơn 18 thương vụ thoái vốn đã chính thức chốt lời với tỷ suất lợi nhuận lên đến 57 lần vào cuối tháng 1/2018, CDH Electric Bee Ltd sau đó vài ngày cũng tranh thủ bán ra toàn bộ 1,24 triệu cổ phiếu ngay tại vùng đỉnh…
Không chỉ vậy, nhiều cổ đông nội bộ cũng rục rịch bán cổ phiếu khiến thanh khoản tăng mạnh từ đầu năm đến nay, đi cùng với đó là mức điều chỉnh hơn 9% thị giá, hiện MWG đang giao dịch tại vùng giá 120.000 đồng/cp. Mới đây nhất, ông Trần Kinh Doanh – Tổng Giám đốc Công ty tiếp đà bán ra 554.320 cổ phiếu MWG, giảm số lượng sở hữu xuống còn 2 triệu đơn vị tương ứng tỷ lệ 0,63%. Thương vụ này được thực hiện không lâu sau tuyên bố định hướng chiến lược 2018 là Bách Hóa Xanh khiến giới đầu tư hoang mang nhẹ. Bởi, biết là cần thời gian để Bách Hóa Xanh ổn định, nhưng mức độ thành công tính đến hiện nay của chuỗi cửa hàng thực phẩm này vẫn chưa rõ ràng khi còn đang thua lỗ - đây có thể là sự "đặt cược" không chỉ của riêng ban lãnh đạo Công ty, mà còn là của những người nắm giữ cổ phiếu MWG trong năm đến.
Như vậy, giá cổ phiếu suy giảm thời gian gần đây có phải chỉ đơn thuần là do áp lực chốt lời, hay do niềm tin vào Công ty không còn vững? Được biết, riêng CEO Mekong Capital sau khi rút sạch vốn tại MWG đã chia sẻ lý do rằng bên cạnh thời hạn đóng của Quỹ, thì khoản đầu tư mới vào MWG khó có thể đáp ứng tiêu chí mang lại lợi nhuận 5x cho Mekong trong 5 năm tới. Tuy nhiên, vị CEO này vẫn tỏ ra khá tiếc nuối vì với phương châm đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng, ông rất có niềm tin vào nước cờ Bách Hóa Xanh và mong muốn tiếp tục hợp tác cùng tập đoàn trong tương lai.
Giao dịch cổ phiếu MWG từ lúc niêm yết đến nay
Tại sao lại là "đặt cược" vào Bách Hóa Xanh?
Quay trở lại với định hướng 2018 của MWG, có nhiều ý kiến cho rằng việc đẩy mạnh bành trướng độ phủ cho Bách Hóa Xanh nhằm bù đắp vào biên lợi nhuận đang rất thấp. Một số nhà đầu tư khác lại đặt nghi vấn có phải Thế giới Di động đang cố chạy đua thu gom quỹ đất trong bối cảnh quỹ đất tại Tp.HCM cùng các tỉnh lân cận ngày càng khan hiếm và đắt đỏ; điều này cũng không phải không có cơ sở, khi hiện MWG đã chuyển toàn bộ đội săn mặt bằng Điện Máy Xanh sang Bách Hóa Xanh.
Tuy nhiên, dù là mục tiêu gì đi nữa, thì bài toán trước mắt của ông lớn điện máy này vẫn là nguồn vốn, với tổng nhu cầu ước tính từ 1.000-1.200 tỷ đồng cho Bách Hóa Xanh thì MWG sẽ huy động từ đâu?
"Trái phiếu hiện vẫn còn khoảng 50 triệu USD, cùng với nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Nếu cần thiết, MWG sẽ vay trung và dài hạn để bổ sung vốn phát triển Bách Hóa Xanh", ông Tài phân trần tại buổi Analyst Meeting gần đây. Trên thực tế thì ngoài nguồn trái phiếu (ghi nhận 1.192 tỷ đồng tại khoản mục vay dài hạn), MWG cũng gia tăng đáng kể nợ ngắn hạn trong năm qua, đi cùng với đó là giá trị hàng tồn kho tăng mạnh vượt mức 12.050 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2017.
Theo BCTC hợp nhất MWG, tổng nợ Công ty tăng mạnh 5.000 tỷ lên hơn 16.904 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 93% với 15.712 tỷ đồng. Tốc độ tăng nợ ngắn hạn chủ yếu đến từ khoản vay ngắn hạn tăng gần 1.000 tỷ đồng, đồng thời phải trả người bán cũng tăng đáng kể hơn 2.600 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2017, tổng dư nợ vay ngắn hạn của Công ty ghi nhận hơn 5.603 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất hiện tại là VietinBank với gần 1.192 tỷ đồng, ngoài ra MWG còn đang vay tại các nhà băng ngoại như HSBC, ANZ…
Với mức gia tăng nợ vay ngắn hạn trên, áp lực chi phí lãi vay cũng dần lộ rõ khi quý 4/2017 ghi nhận gần 61 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ. Tổng kết cả năm 2017, chi phí lãi vay Công ty phải chịu là 227 tỷ đồng, trong khi năm 2016 con số chỉ 119 tỷ đồng!
Chính thức mở cửa hàng đầu tiên vào cuối năm 2015, một năm sau đó Bách Hóa Xanh đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm với hơn 40 siêu thị tập trung tại Tp.HCM, đạt doanh thu khả quan và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Ngay tại ĐHĐCĐ 2017, ban lãnh đạo Công ty đã định hướng Bách Hóa Xanh tương lai sẽ là nguồn thu chính của MWG với mục tiêu trong năm phát triển lên khoảng 300 cửa hàng, xây dựng trung tâm phân hối (DC) tiên tiến… Đặc biệt, ông Doanh nhấn mạnh sẽ tiến hành tăng lãi gộp nhờ việc mở rộng hệ thống, đồng thời chọn lọc danh mục hàng hóa nhằm tối đa hóa hiệu suất đầu tư.
Song, lúc bấy giờ nhà đầu tư vẫn chưa quá quan tâm đến mảng mới này khi con số doanh thu đóng góp đến cuối năm 2017 vẫn khá mờ nhạt, chỉ xấp xỉ 2% tương đương 1.257 tỷ đồng. Cho đến hôm nay, sau khi hoàn tất mọi kế hoạch M&A khủng, người cầm cương MWG khẳng định mạnh mẽ: "Năm 2018 chúng tôi sẽ dốc toàn lực cho Bách Hóa Xanh" khiến đa số nhà đầu tư bất ngờ, rồi lại hoài nghi. Bởi, thị trường FMCG "màu mỡ" đó, nhưng Thế giới Di động chân ướt chân ráo liệu có cạnh tranh lại những đại gia hiện tại. Chưa kể, sau 2 năm triển khai thì thành tích Bách Hóa Xanh có được vẫn chưa quá nổi trội khi cả doanh thu và độ phủ đều không đạt chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2017 Công ty chỉ có tổng cộng 283 cửa hàng Bách Hóa Xanh, tương đương thực hiện 94% con số kế hoạch là 300 đơn vị. Mức lỗ của mảng này ghi nhận hơn 100 tỷ đồng, cùng với đó ông Tài thừa nhận biên lợi nhuận Bách Hóa Xanh đang trì hoãn so với kế hoạch.
Tính trên từng cửa hàng, hiện Bách Hóa Xanh vẫn chưa đạt điểm hòa vốn, biên lợi nhuận bình quân (gross margin) đâu đó khoảng 11%. Đồng thời, Công ty cũng chưa thể đặt chỉ tiêu doanh số trên từng cửa hàng vì còn khá "mới mẻ", một số đơn vị tại tỉnh thành vẫn còn kinh doanh chưa hiệu quả. Điển hình những cửa hàng tại tỉnh Hóc Môn kinh doanh ế ẩm, không được người tiêu dùng địa phương đón nhận. Trả lời vấn đề này, ông Tài cho biết hiện Bách Hóa Xanh vẫn chưa đến giai đoạn có thể áp dụng sản phẩm cho từng cửa hàng, mà Công ty chỉ mới có một tiêu chuẩn chung cho toàn hệ thống. Cho nên, việc hiệu suất kinh doanh không tốt ở một số địa phương cũng là điều bình thường, phải cần thêm thời gian vì hiện mảng này vẫn đang trong tiến hành mở rộng, chưa có đi vào chuyên sâu.
Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trung bình đạt 400-600 triệu đồng/tháng, những đơn vị kinh doanh tốt hơn đạt khoảng 700-800 triệu đồng/tháng, biên lợi nhuận dao động từ 11-15%. Mặc dù chưa gọi là KPIs, nhưng MWG kỳ vọng biên lợi nhuận mỗi cửa hàng khoảng 18% và doanh thu mục tiêu từ 1-1,2 tỷ đồng, như vậy lợi nhuận ròng thu về khoảng 200 triệu đồng vào cuối quý 4/2018. Kể từ tháng 10/2017, biên lợi nhuận của Bách Hóa Xanh có xu hướng giảm dần do đẩy mạnh công tác mở rộng độ phủ, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ khoảng 400 tỷ trong năm 2018.
Với những luận điểm trên, có thể thấy rằng Bách Hóa Xanh là một "ván cược" của Thế giới Di động, khi ông lớn điện máy lại bất thình lình tăng dư nợ vay cho mảng khá mới mẻ với bức tranh hoạt động cụ thể vẫn còn khá lờ mờ!
Cái gì cũng chưa chắc, doanh thu 10 tỷ USD… chỉ còn là giấc mơ?
Và không chỉ Bách Hóa Xanh, điểm dừng cho Điện Máy Xanh cũng chưa có kế hoạch rõ ràng, thị phần Thế giới Di động trên 50% cũng là mục tiêu không mấy hào hứng khi được chia sẻ bởi Chủ tịch, "Trần Anh đối với tôi giờ không còn tồn tại trong đầu nữa rồi" sau nhiều nỗ lực thâu tóm, chuỗi dược Phúc An Khang mua về cũng chỉ để đó… MWG thực sự gây nhiều băn khoăn cho nhà đầu tư trong năm 2018.
Trong khi đó, đối thủ FPT cũng đầu tư vào ngành dược thông qua nhà thuốc Long Châu lại đang dốc sức phát triển mảng này. Theo nhận định của ban lãnh đạo FPT thì thương vụ trên đang rất khả quan, dự kiến Công ty sẽ mở đâu đó 20 cửa hàng tại Tp.HCM trong năm nay. Được biết, nhà thuốc Long Châu thành lập từ năm 2007, hiện là chuỗi nhà thuốc có tiếng tại Tp.HCM với 7 nhà thuốc lớn kinh doanh các sản phẩm như các loại thuốc (thuốc nội và thuốc ngoại nhập), thực phẩm chức năng, dụng cụ y khoa, sữa dinh dưỡng, mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm. Như vậy, cùng săn đón thị trường dược, nhưng nếu MWG không chú trọng có thể sẽ khó lòng cạnh tranh với FPT về mảng này trong năm 2018!?
Mặt khác, từng một thời mạnh miệng đặt mục tiêu là đơn vị có doanh thu 10 tỷ USD đến năm 2020, nhưng mới đây Chủ tịch MWG chỉ cười trừ: "Thực ra 10 tỷ USD không phải là một chiến lược hay kế hoạch gì cả, mà nó chỉ là một giấc mơ".
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: "Thực ra 10 tỷ USD không phải là một chiến lược hay kế hoạch gì cả, mà nó chỉ là một giấc mơ".
Nhớ lại trong công cuộc M&A thần tốc, MWG hướng đến doanh thu 10 tỷ USD trong vòng 4-5 năm nhưng nay người cầm cương tái khẳng định con số trên là giấc mơ của cả tập đoàn này. Nôm na theo ước tính của ông thì trong 10 tỷ USD đó, 5 tỷ USD sẽ được đóng góp từ thị trường 50 tỷ của FCMG, tức riêng Bách Hóa Xanh góp 10%. Như vậy, MWG cần thành lập 10.000 cửa hàng, đem doanh thu mục tiêu mỗi tháng là 1-1,2 tỷ đồng nhân cho 12 tháng sẽ được con số trên là khoảng 110.000 tỷ đồng (5 tỷ USD). "Coi như Thế giới Di động và Điện Máy Xanh là hai người anh đã thành tài nuôi đứa em út là Bách Hóa Xanh ăn học đại học, đợi đến ngày em thành tài", ông Tài nói vui. Bên cạnh đó, hiện Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đã tạo trên 3 tỷ USD, còn lại hụt 2 tỷ. Tương lai, MWG sẽ phấn đấu đẩy đóng góp từ VuiVui.com lên 1 tỷ, 1 tỷ còn lại có thể góp nhặt từ những thương vụ M&A khác. Tuy nhiên, nói là mơ nhưng không phải nằm đợi điều gì đó xảy ra, ông Tài vẫn cho biết MWG đang và phải cố gắng làm cái gì đó trong thực tế để giấc mơ đó từ từ trở thành hiện thực.
Tựu trung lại hiện Bách Hóa Xanh vẫn còn nhiều bất cập, nhưng với quá khứ phát triển ngoạn mục của chuỗi Thế giới Di động, thì chuyện thành hay bại của MWG thời gian đến vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới đầu tư.