Cổ phiếu của "vua cá tra" chính thức bị đình chỉ giao dịch từ đầu tháng 3
Một thời, doanh nghiệp thủy sản này từng nổi tiếng trên sàn chứng khoán với doanh thu cao nhất từng đạt 17.900 tỷ đồng, lợi nhuận gần 500 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, nhiều chứng khoán sắp bị điều chỉnh tình trạng giao dịch từ trạng thái bị hạn chế giao dịch sang trạng thái bị đình chỉ giao dịch từ ngày mai, 28/2/2023. Trong danh sách công bố, có mã cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương.
Thủy sản Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, thành lập năm 2003, hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 2007 công ty chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với vốn điều lệ 420 tỷ đồng.
Năm 2009, Hùng Vương đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán HVG, vốn điều lệ khi đó xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Thủy sản Hùng Vương là một doanh nghiệp có tiếng trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản (cá da trơn), được mệnh danh là "Vua cá tra", với slogan: "Think of Fish, eat panga!" (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra).
Theo giới thiệu, Hùng Vương có quy trình sản xuất khép kín chất lượng cao từ việc cung cấp thức ăn thủy sản, sản xuất giống nhân tạo cho đến vùng nuôi và nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP và sản phẩm của doanh nghiệp có mặt tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Những năm đầu mới cổ phần hóa, doanh thu và lợi nhuận của Hùng Vương tăng mạnh. Nếu như năm 2007 doanh thu đang ở mức hơn 1.500 tỷ đồng thì năm 2009 sau khi cổ phiếu lên sàn, doanh thu tăng gấp đôi lên gần 3.100 tỷ đồng.
Đến năm 2011, HVG đạt doanh thu xấp xỉ 7.900 tỷ đồng. Năm 2013, vượt 11.000 tỷ đồng doanh thu. Và cao nhất, năm 2016 doanh thu đạt xấp xỉ 17.900 tỷ đồng.
Nhưng ngay năm sau đó, doanh thu HVG giảm mạnh. Năm 2017 và 2018 doanh thu lần lượt giảm 31% và 46% so với hai năm liền trước đó.
Về hiệu quả kinh doanh, giai đoạn hoàng kim của HVG là từ 2007 - 2011 với lợi nhuận lập đỉnh năm 2011 đạt 485 tỷ đồng. Sang đến năm 2016, mặc dù doanh thu cao nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm 79 tỷ đồng.
Những năm sau đó, lợi nhuận HVG tiếp tục âm, đỉnh điểm là năm 2019 lợi nhuận âm tới 1.347 tỷ đồng.
Tổng lỗ lũy kế đến cuối 2019 theo BCTC được kiểm toán là 1.489 tỷ đồng. Cũng trong BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2019, kiểm toán đã đưa ý kiến nhấn mạnh về khoản lỗ sau thuế của công ty mẹ trong năm tài chính kết thúc ngày 30/09/2019 là 1.075 tỷ đồng. Ngoài ra cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của công ty mẹ là 1.489 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.170 tỷ đồng. Những điều này cùng một số vấn đề khác (được nêu trong thuyết minh) cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn .
Thua lỗ, không công bố thông tin, tháng 8/2020 cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Cũng trong tháng 8, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UpCOM. Tuy vậy việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến việc bị đình chỉ giao dịch lần này.