Có nên phát tiền quy mô lớn hơn và làm gì tiền hỗ trợ đến tay người dân nhanh nhất?
"Việc phát tiền mặt có rất nhiều hạn chế, không rõ ràng, minh bạch và làm chậm quá trình giải ngân" - ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá.
Đừng quá lo tiền hỗ trợ "sai địa chỉ"
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, các chuyên gia đều đồng thuận rằng, việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết. Không chỉ tăng quy mô gói hỗ trợ, mà việc làm thế nào để hỗ trợ đúng, nhanh và hiệu quả là điều rất nhiều các chuyên gia kinh tế, nhà tư vấn chính sách quan tâm.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, triển khai gói hỗ trợ với quy mô 26.000 tỷ đồng, với đối tượng mở rộng hơn, mức chi trả cao hơn, 1,5 triệu – 3,7 triệu, và quy trình được đơn giản hóa xuống còn 7 – 10 ngày thay vì 1 tháng như trước đây. Điều này thể hiện là những người thiết kế chính sách đã lắng nghe nhiều ý kiến từ người dân, địa phương.
Song, dù gói hỗ trợ mới được nhận định có rất nhiều điểm sáng về thiết kế chính sách và thực thi, các chuyên gia vẫn cho rằng cần phải chi "mạnh tay" hơn cho doanh nghiệp và người dân trong làn sóng dịch mới này.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, quy mô gói hỗ trợ hiện nay là chưa đủ. Ông cho rằng, kết quả thu ngân sách của Việt Nam năm vừa rồi vẫn tăng, không chỉ tăng so với năm ngoái và còn vượt dự toán. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đã đạt trên 58% cả năm, tăng 14% so với năm ngoái. Với ngân sách như vậy có thể tính tới tăng hỗ trợ, cũng nên tăng các gói chi nhiều hơn.
Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, thống kê năm 2020 cho thấy, tổng chi phí nhà trọ và thực phẩm tối thiểu cho 1 gia đình 4 người gồm 2 người lớn và 2 trẻ em phải cần ít nhất 3 triệu đồng ở khu vực 1 (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) và khu vực 2 (Đồng Nai, Bình Dương…). Với quy mô gói hỗ trợ hiện tại, người lao động vẫn sẽ phải vay mượn bạn bè, hàng xóm, người thân… Còn lao động di cư, thì chỉ có thể trông chờ vào doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không hỗ trợ, họ thậm chí có thể phải vay tín dụng đen…
Ở thời điểm này, nhiều ý kiến chuyên gia đồng thuận rằng, không nên quá lo ngại việc đồng tiền hỗ trợ có thể chi ra sai địa chỉ, người này không được hay người kia không đáng. Cái quan trọng là tiền đến tay được dân, doanh nghiệp.
Thậm chí, có ý kiến nhận định rằng, Việt Nam nên triển khai việc phát tiền hỗ trợ toàn dân để chống chọi qua các đợt giãn cách xã hội. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đề xuất gói cứu trợ trị giá 3,4 triệu đồng/người. Gói này tương đương 5% GDP năm 2021, áp dụng cho cả nước trong bối cảnh phải áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch. Hay như
Làm sao để "phát tiền" hiệu quả?
Theo ông Huỳnh Thế Du, việc hỗ trợ có thể được thực hiện thông qua hệ thống quản lý thông tin về nhân khẩu của người dân để đảm bảo không nhận trùng hoặc bị thiếu. Quan trọng là phải làm kịp thời để người dân lo cái ăn, khi đó họ không còn lý do để ra ngoài mưu sinh và cơ quan chức năng cũng dễ dàng siết chặt các biện pháp chế tài vi phạm giãn cách.
Ông Nguyễn Xuân Thành thì cho rằng, ngành LĐ-TB&XH cũng như các cấp cơ sở cần hướng tới việc sử dụng hệ thống ngân hàng để chi trả, như tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
"Đừng cho rằng người già hay người ở nông thôn không biết sử dụng ví điện tử hay mua hàng online. Kể cả người già cũng có thể biết, và đúng ra là phải biết mua hàng online, vì không đặt online thì đói. Tiền trợ cấp, nếu như được chuyển thẳng vào tài khoản thì họ sẽ phải học cách dùng luôn" - ông Thành nói.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định: "Nhiều người nghèo chưa có tài khoản ngân hàng nên phương án chuyển khoản sẽ chỉ khả thi với một bộ phận. Song, nhiều người trong số họ có điện thoại và điện thoại thông minh. Các phương tiện này giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, app và đặc biệt là ứng dụng chuyển tiền qua điện thoại di động - mobile banking hoặc mobile money".
Để việc phân phối tiền hỗ trợ hiệu quả hơn, theo ông Nguyễn Xuân Thành, các bên đều phải phối hợp tham gia, chứ không chỉ riêng ngành LĐ-TB&XH. Dịch Covid 19 thúc đẩy người dân lại chuyển đổi rất nhanh. Nếu kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực fintech, mobile money hay ngân hàng số thì việc giải ngân sẽ rất nhanh chóng. Thậm chí, cách này còn giúp xác minh được số liệu chi trả như thế nào, người dân chi tiêu vào việc gì.
"Việc phát tiền mặt có rất nhiều hạn chế, không rõ ràng, minh bạch và làm chậm quá trình giải ngân. Người dân càng nhanh nhận được tiền họ càng nhanh biết cách sử dụng" - chuyên gia này cho biết thêm.