Có nên bỏ thị trường chứng khoán cơ sở để sang giao dịch phái sinh? Kinh tế trưởng SSI khuyên "tuỳ cơ địa từng người, ít nhất tim và thận của bạn phải khoẻ"

20/05/2022 09:22 AM | Kinh doanh

Các chuyên gia và nhà đầu tư chuyên nghiệp cho rằng nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia giao dịch phái sinh bởi đây là cuộc chơi chỉ dành cho các tổ chức lớn.

Trong vài tháng trở lại đây, VnIndex sau khi lập đỉnh hơn 1.500 điểm đã rơi trở về mức đáy 1170 điểm. Về thanh khoản thị trường giao dịch ở mức khá thấp so với lúc cao điểm, khi chỉ còn loanh quanh mức 14.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên. Trước bối cảnh thị trường cơ sở ảm đạm, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường phái sinh với hy vọng gỡ gạc. Thậm chí có nhà đầu tư đảo vị thế 5-10 lần một phiên. 

Thị trường phái sinh đã trở nên sôi động từ cuối tháng 4 cho tới hiện tại. Số liệu thống kê cho thấy khối lượng khớp lệnh mỗi phiên giao động từ 45.000-50.000 tỷ đồng, gấp 3 thị trường cơ sở. 

Có nên bỏ thị trường cơ sở để sang thị trường phái sinh?”, host Ngọc Trinh đặt câu hỏi cho các khách mời tham gia talkshow Bí mật đồng tiền phát sóng trên VTV Digital với chủ đề Pain, Gain. 

Về quan điểm theo tôi muốn đầu tư được thị trường phái sinh thì cũng phải tùy cơ địa thôi. Ít nhất là tim và thận phải khoẻ. Thận khoẻ nghĩa là chúng ta không thể đi đâu được đâu bởi vì là 5 phút là thị trường bay rồi cho nên tốt nhất là các bạn sẽ phải ngồi im trên ghế trong suốt thời gian cho nên thận của các bạn phải rất là khoẻ”, ông Phạm Lưu Hưng- Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán SSI hài hước đưa ra quan điểm.

Có nên bỏ thị trường chứng khoán cơ sở để sang giao dịch phái sinh? Kinh tế trưởng SSI khuyên tuỳ cơ địa từng người, ít nhất tim và thận của bạn phải khoẻ - Ảnh 1.

Nguồn: VTV.

Trong khi đó với kinh nghiệm 22 năm tham gia thị trường, ông Trần Tiến Dũng cho rằng nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia giao dịch phái sinh, bởi đây là cuộc chơi chỉ dành cho các tổ chức lớn. Ông Dũng cũng cho rằng giao dịch phái sinh rất khó, nhà đầu tư cá nhân không bao giờ có lợi thế gì và dù rất giỏi phân tích kỹ thuật cũng còn không làm được. 

Tương tự với quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng và Trần Tiến Dũng, chia sẻ trong talkshow Khớp lệnh ngày 17/5, ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt cho rằng nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia phái sinh. 

Về bản chất, hoạt động giao dịch phái sinh cho phép giao dịch trong ngày, cùng số tiền 100 triệu bạn có thể mua bán nhiều vòng trong ngày. Theo ông Du, điều này làm cho giá trị giao dịch đội lên rất nhiều, không phản ánh thực cung cầu trên thị trường.

Về giao dịch thị trường phái sinh ai có nhiều kinh nghiệm đều hiểu mức độ nguy hiểm của thị trường phái sinh. Thị trường quốc tế sinh ra phái sinh để hedging (phòng ngừa rủi ro) giống như chúng ta mua bảo hiểm nếu không may bị tai nạn sẽ được đền bù một phần. Ví dụ bạn đang sở hữu danh mục cổ phiếu lớn nhưng sợ những cú 'thiên nga đen' thì sẽ short một số hợp đồng phái sinh, xem như nếu thị trường xuống mạnh thì sẽ thắng hợp đồng phái sinh mà mất một ít hợp đồng cơ sở. 

Còn khách hàng cá nhân ở Việt Nam, tôi thấy mọi người đang coi đấy là một kênh đánh bạc, thực sự là như thế. Mọi người không có tài khoản chứng khoán cơ sở nhưng vẫn sang phái sinh để giao dịch. Cá nhân tôi thấy cũng bình thường nếu xem là công cụ giao dịch chuyên nghiệp, một số người tham gia day trading là bình thường nhưng số đông tham gia thì cực kỳ nguy hiểm. Và 1-2 tháng nữa mọi người sẽ thấy mất mát trên thị trường phái sinh còn khủng khiếp hơn thị trường cơ sở rất nhiều”, chuyên gia đến từ Tân Việt cho biết.

Bản thân ông Du cũng từng tham gia giao dịch phái sinh năm 2018 khi thị trường cơ sở đi xuống. Chuyên gia này có nhiều kinh nghiệm trên thị trường, có nhiều năm đi dạy phân tích kỹ thuật cho học viên. Ông Du cho biết thời gian đầu thấy kiếm rất dễ nhưng sau 1-2 tháng gánh thua lỗ rất lớn và sau đấy đã phải từ bỏ phái sinh để quay lại cơ sở. 

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Nguyễn Trung Du cho rằng thị trường phái sinh bản chất là giao dịch trong ngày và bạn sẽ thường mua bán liên tục. Tâm lý con người khi phải ra quyết định liên tục thì rất dễ mắc sai lầm.

Chúng ta thấy là thị trường cơ sở một tuần chúng ta ra 1-2 quyết định thì nó đã có khả năng sai lầm rồi. Như thị trường phái sinh ngày xưa mình ngày làm 10-20 vòng, ít thì 5 vòng mình thấy việc ra quyết định quá nhanh, quá gấp gáp như thế chắc chắn rất dễ mất sai lầm. Chưa kể là các nhà đầu tư mọi người chưa hiểu đồ thị, chưa hiểu về nến, chưa hiểu về cung cầu rất nguy hiểm.”, chuyên gia này nhắc lại thêm lần nữa.

Ngoài ra thị trường phái sinh bản chất là zero sum game (tạm dịch: cuộc chơi có tổng bằng 0). Trong khi đó thị trường chứng khoán cơ sở là nơi hàng năm doanh nghiệp sản xuất ra của cải vật chất tạo công ăn, việc làm, lợi nhuận, cổ tức cho cổ đông, đóng thuế cho nhà nước. Tức là có thêm dòng tiền mặt bơm được bơm vào thị trường. Trong khi thị trường như Bitcoin, vàng, phái sinh chủ yếu mọi người mua bán ăn chênh lệch của nhau không có thêm dòng tiền mới và bị bào mòn bởi thuế, phí giao dịch.

Cuộc chơi như thế số đông sẽ thất bại. Thị trường cơ sở là dễ nhất rồi, chẳng qua mọi người phải kiên nhẫn thôi. Tiền số, phái sinh khó tồn tại lâu”,ông Du chốt lại.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM