Cơ hội nào cho người lao động ở trạng thái bình thường mới? Các chuyên gia nhân sự sẽ cho bạn câu trả lời!
“Hành vi của người lao động thay đổi để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Trước đây, có thể người lao động làm cố định một công việc và nghĩ là mình sẽ làm hết sức. Nhưng bây giờ chưa đủ, mình phải vượt qua khuôn khổ của sự cố định và sẵn sàng đón nhận bất kỳ công việc gì mà tổ chức mong đợi và chủ động xin cấp trên những cơ hội cho mình…”.
Đó là chia sẻ của bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet tại sự kiện Whose Chance Talk thuộc chương trình "Cơ hội cho ai – Whose chance" với chủ đề "Cơ hội nào cho Người lao động trong trạng thái bình thường mới?" diễn ra ngày 13/11. Đây là chương trình truyền hình thực tế về việc làm phát sóng lúc 12h trên VTV 3 thứ 7 hàng tuần.
Dịch Covid-19 gây ra những thách thức nào cho doanh nghiệp và người lao động?
Chia sẻ tại sự kiện, Sếp Lưu Nga, CEO Elise cho biết, Covid-19 đối với doanh nghiệp và người lao động như là "cơn sóng thần". Tại Việt Nam, 120 cửa hàng bán lẻ trên cả nước của Elise 100% phải đóng cửa.
"Chúng tôi không bán được hàng nhưng vẫn phải chi trả các chi phí vận hành. Doanh nghiệp mạnh thường phải có dự phòng cho những tình huống như vậy. Cho nên ở giai đoạn 1, chúng tôi vẫn bình tĩnh để xử lý mọi việc. Đến giai đoạn 2, vì đã có kinh nghiệm từ giai đoạn 1, bản thân tôi cũng trở về từ Mỹ, đội ngũ cán bộ - công nhân viên cũng vững niềm tin vào doanh nghiệp. Nên một điều đáng tự hào là giai đoạn này, Elise không phải đóng cửa bất cứ một cửa hàng nào, cũng không chịu lỗ. Các nhân viên trở về trạng thái bình thường, 100% người lao động được hưởng mức lương bình thường. Và chúng tôi vẫn đang tuyển dụng nhiều vị trí chuyên môn để về cộng tác", bà Lưu Nga cho hay.
Sếp Lưu Nga, CEO Elise
Ở lĩnh vực BĐS, Sếp Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group chia sẻ, ở góc độ doanh nghiệp, ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Riêng với doanh nghiệp BĐS như Thắng Lợi thì mức ảnh hưởng xếp vào dạng nhẹ. Bởi, doanh nghiệp có những chiến lược thay đổi kịp thời.
Về góc độ của người lao động, vị Sếp này cho hay, trong thách thức vẫn tồn tại những cơ hội và người lao động nên tập cách thích ứng. Ngoài thay đổi để thích ứng thì người lao động phải cập nhật, học tập những kỹ năng mới.
"Chúng tôi hiện rất khát nhân sự. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là dịch thì ai cũng khó khăn, nhưng chúng ta có quyền chọn cách để đối mặt với nó. Thái độ và tư duy tích cực trong dịch và sau dịch quyết định cơ hội của chúng ta. Trong đợt dịch vừa rồi, doanh nghiệp chúng tôi đã 3 lần thay đổi mục tiêu. Thế nhưng, điều tự hào là dù dịch doanh nghiệp không cắt giảm bất kỳ một nhân sự nào. Chúng tôi đã biến cơ hội thành vận hội", Sếp Quyền chia sẻ.
Quan điểm về thách thức từ dịch với doanh nghiệp và người lao động, Sếp Nguyễn Tuấn Lương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) cho rằng, sự len lỏi của công nghệ trở thành thách thức đối với các doanh nghiệp, các tổ chức từ lớn đến nhỏ, đến cả cá nhân. Với điều kiện không được tiếp xúc ở giai đoạn đại dịch, thì chỉ có công nghệ mới có thể thay thế được. Nó là quá trình chuyển đổi số và quá trình này sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho những nhóm người có chuyên môn sâu. Nhưng nó có tạo ra việc làm cho nhóm người lao động chân tay, như cắt tóc, gội đầu hay không, thì đây cũng là câu hỏi mà doanh nghiệp đang tìm kiếm câu trả lời.
"Tôi nghĩ các cá nhân cần chuẩn bị cho mình các kỹ năng mà trước đây chúng ta nghĩ rằng không cần trang bị, để bán dịch vụ của mình. Đối với tôi, chuyển đổi số có 3 từ "Không": Không tiếp xúc, không dùng đến tiền mặt và không dùng đến con người. Covid-19 có ảnh hưởng đến doanh nghiệp của tôi, nhưng song song đó, nó cũng mang lại cơ hội bước ngoặt, khi thói quen của người dùng thay đổi. Khi giãn cách, không thể mua hàng trực tiếp, thì người dùng mua hàng online và điều đó tạo ra việc làm cho một khối lượng lớn những người làm logistic.
Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế, trong đó có những ngành không thể phục hồi và có những ngành phải mất từ 3 đến 5 năm để phục hồi. Trong khi người lao động ngày nào cũng phải có việc làm, ngày nào cũng phải nhận được tiền. Tôi nghĩ khi mà cơ hội đang ít đi, thì chúng ta phải sẵn sàng làm việc từ bây giờ, chúng ta không thể ngồi chờ", Sếp Lương nhấn mạnh.
Sếp Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group
Chia sẻ về công nghệ robot, AI phát triển có gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông trong bối cảnh hiện nay, Sếp Lưu Nga cho rằng, đối với mặt hàng thời trang, AI giúp quản trị rất nhiều thứ, nhưng vẫn cần con người. Nên lao động phổ thông không sợ mất việc mà ngược lại họ còn phải vui mừng vì với sự trợ giúp của công nghệ, các sản phẩm chất lượng hơn sẽ được tạo ra, năng suất tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hơn. "Nhờ Covid-19, doanh nghiệp của tôi mới ứng dụng thương mại điện tử vào mô hình kinh doanh, giúp doanh thu gia tăng. Trong 3 tháng gần đây, doanh số online của Elise tăng gấp 7 lần. Covid-19 không phải là một thách thức đối với ngành bán lẻ, ngược lại nó là cơ hội rất lớn", Sếp Nga khẳng định.
Còn đại diện Thắng lợi cho rằng, không nên lo AI sẽ khiến mất đi việc làm. Mà chúng ta phải học cách để quản trị AI. AI là kết tinh của nhân loại và chúng ta phải học cách để biến nó trở thành một công cụ để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Người lao động phải làm gì để thích ứng với trạng thái "bình thường mới"
Khi được hỏi, ở trạng thái bình thường mới thì tiêu chí chọn người của các doanh nghiệp có thay đổi gì không?, bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet cho rằng, hành vi của người lao động thay đổi để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Trước đây, có thể người lao động làm cố định một công việc và nghĩ là mình sẽ làm hết sức. Nhưng bây giờ chưa đủ, mình phải vượt qua khuôn khổ của sự cố định và sẵn sàng đón nhận bất kỳ công việc gì mà tổ chức mong đợi và chủ động xin cấp trên những cơ hội cho mình. Hành vi thay đổi thái độ, biến điều không thể thành có thể.
Bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet
Trước đây, khi chưa dịch, khi tuyển dụng thường tuyển đúng vị trí chuyên môn cho ngành. Còn hiện tại, các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển kỹ năng, năng lực xoay sở, vượt khó, năng lực thích ứng. Trong đợt dịch vừa rồi, có sự dịch chuyển nhân sự từ những ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch – khách sạn sang các ngành bảo hiểm, bất động sản có nhu cầu tuyển dụng.
"Tôi nghĩ người lao động phải có suy nghĩ cởi mở, không chỉ bó buộc trong ngành chuyên môn của mình, mà hãy nhìn những cơ hội chung quanh mình ở đa ngành. Xu hướng tuyển dụng hiện tại của doanh nghiệp là không thích tuyển nhân viên trong lối mòn của ngành, mà thích bổ sung 20% của ngành khác sang, để đa dạng hóa hơn", vị CEO này chia sẻ.
Còn Sếp Lê Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (BNA) cho hay, doanh nghiệp của tôi thiết kế hệ thống "lương 3P", xây dựng khung năng lực và chúng tôi tuyển người dựa vào năng lực, chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm. Nếu người lao động có cả kinh nghiệm và năng lực thì tốt, nếu không, chúng tôi ưu tiên năng lực.
Quan điểm về điều này, Sếp Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc phát triển Doanh nghiệp Tập đoàn Tiki chia sẻ, khi đại dịch xuất hiện thì mọi người đều nghĩ Thương mại điện tử là ngành hưởng lợi nhiều nhất. Điều đó có phần đúng. Tuy nhiên khi mức "cầu" trong nền kinh tế bị suy giảm, thì ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Bản thân nhà bán lẻ như Tiki đã hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn vừa rồi bằng nhiều cách. Nhu cầu mua sắm thì vẫn có, nhưng mặt hàng thì phải thay đổi. Ví dụ trước dịch khách hàng mua những điện thoại đắt tiền, thì trong dịch hoặc sau dịch, thu nhập bị ảnh hưởng, thì phải làm sao mang lại khách hàng những sản phẩm giá thấp hơn.
Các vị Sếp tại "Cơ hội cho ai" chia sẻ về tiêu chí tuyển người trong bối cảnh dịch bệnh
"Đối với những trường hợp không may bị mất việc trong giai đoạn này, thì các doanh nghiệp có thể giúp bằng cách tạo ra một 'talent network'. Họ đã làm doanh nghiệp một thời gian, chúng ta biết điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì. Chúng ta có thể tạo điều kiện, hỗ trợ họ bằng cách viết thư giới thiệu trong mạng lưới của mình. Hoặc các doanh nghiệp có thể ngồi với nhau, có thể doanh nghiệp này thừa chỗ này, doanh nghiệp kia thiếu chỗ nọ, chúng ta giúp cho nhau để điều hòa nhu cầu lao động không chỉ ở quy mô nội bộ công ty, mà là các nhóm doanh nghiệp với nhau", Sếp Khánh bày tỏ quan điểm.