Cơ hội lớn để nông sản Việt “vươn xa”

22/06/2024 13:51 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục khởi sắc hơn nhờ nhu cầu tiêu thụ của nhiều nước tăng mạnh.

Xuất khẩu nông sản sẽ bùng nổ vào các quý cuối năm

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng đứng hàng đầu thế giới về hạt điều, hạt tiêu; thứ hai thế giới về cà phê và lớn thứ ba về gạo. Thuỷ sản Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc khi vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để tham gia chuỗi cúng ứng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Nam đạt hơn 24 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục khởi sắc hơn nhờ nhu cầu tiêu thụ của nhiều nước tăng mạnh. Đặc biệt, nhóm hàng hóa nông sản của ĐBSCL dự báo sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Cơ hội lớn để nông sản Việt “vươn xa”- Ảnh 1.

Sầu riêng là sản phẩm đang có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và sớm vượt mốc 2,3 tỷ USD trong năm nay.

Sầu riêng là sản phẩm đang có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và sớm vượt mốc 2,3 tỷ USD trong năm nay. Lý do, thị trường tỷ dân Trung Quốc khá ưa chuộng và đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam.

Xuất khẩu gạo cũng đang khá khởi sắc, khi các doanh nghiệp ĐBSCL liên tiếp ký được nhiều đơn hàng mới từ các đối tác châu Âu, châu Phi và Đông Nam Á…

Hiện 1 tấn gạo thơm có giá xuất khẩu hơn 1.000 USD. Không chỉ bán giá bán cao kỷ lục mà hạt gạo Việt Nam còn định vị được thị trường. Đặc biệt, chủ động quyết định về đầu ra sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi khuyến khích các nhà máy đầu tư thêm nữa để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, bao bì nhãn mác, để hạt gạo mình đáp ứng được tất cả thị hiếu của các nước".

Do lượng hàng tồn kho giảm, nên các đối tác từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang tích cực nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Khai thác tốt cơ hội và dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu nông sản nước ta bùng nổ vào các quý cuối năm.

Vẫn còn nhiều thách thức

Năm 2023, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản mang về cho Việt Nam hơn 53 tỷ USD. Con số này là khiêm tốn so với kì vọng. Một trong những nguyên nhân khiến cho việc xuất khẩu còn khó khăn là bởi các doanh nghiệp của Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu của nước ngoài. Đây là điểm yếu cần được quan tâm, sớm tháo gỡ để hoạt động xuất khẩu chủ động, hiệu quả và bền vững hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật cho biết, lô gạo thơm đang nằm chờ để xuất khẩu, ông khá lo vì cước tàu quốc tế đang tăng kỷ lục. Hiện một container chứa khoảng 25 tấn gạo có cước tàu đi châu Âu tăng từ 500 lên tới 5.000 USD.

"Do vận tải quốc tế biến động nên giá tăng quá cao 5 - 7 lần. Cước tàu tăng làm ảnh hưởng tới tiến độ nhận hàng", ông Nguyễn Văn Nhựt cho hay.

Thiếu nguyên liệu, giá tăng cao… cũng đang là thách thức đối với xuất khẩu nông sản nước ta. Đặc biệt, ở lĩnh vực thủy sản, do khó khăn kéo dài nên nhiều bà con kiệt quệ tài chính dẫn tới không mặn mà thả nuôi.

Mỗi năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản mang về hơn 53 tỷ USD, con số này sẽ còn tăng cao hơn nếu Việt Nam định hướng được giá sàn xuất khẩu kèm theo chế tài. Để các doanh nghiệp thống nhất, quyết tâm bảo vệ giá bán tốt nhất khi đấu thầu quốc tế, vì lợi ích chung của ngành hàng.

Giải quyết bài toán logistics thúc đẩy xuất khẩu

Cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động và khó khăn, để xuất khẩu bền vững có hai nhóm vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là nguồn vốn để đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và tiết giảm tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tiến Điệp - Giám đốc HTX Sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp đang còn thiếu kho, bãi rất nhiều… Chúng tôi rất mong các bộ ngành quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi có nguồn lực đầu tư mở rộng đảm bảo hàng hóa chất lượng hơn".

"Thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc giao thương hàng hóa trên đó ngày càng thuận lợi và tiết kiệm. Tôi nghĩ tăng cường khai thác mạnh tiện ích lĩnh vực này sẽ giúp giảm phần nào chi phí logistics", ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật cho hay.

Theo Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM