Cô giáo Mường có lớp học xuyên biên giới, lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Sau khi được vinh danh ở vị trí top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, cô Hà Ánh Phượng đã tiếp tục được xướng tên nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 11/11, cô Hà Ánh Phượng (THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ) - giáo viên Việt Nam đầu tiên đã được vinh danh ở top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu (Global Teacher Prize) do Varkey Foudation bình chọn.
Nhận được kết quả này ngay trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Phượng đã coi đây là niềm hạnh phúc bất ngờ bởi: “Điều này không chỉ có ý nghĩa với bản thân tôi mà còn có ý nghĩa với rất nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là những người thầy ở vùng khó. Giờ đây, từ vườn chuối, chúng tôi đã có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới”.
Ngày 12/11, tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ lần thứ VI, cô Hà Ánh Phương đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, cô giáo Hà Ánh Phượng đã trình bày bản tham luận trong công tác giảng dạy trước Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu, cán bộ tỉnh Phú Thọ.
"Kết quả chúng tôi đạt được là học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kĩ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng hiện đại để tiếp cận tri thức.
Điều khiến tôi thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do tôi hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kĩ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… là những điều mà tôi nhìn thấy rõ ở các em”, cô Phượng nói.
Tháng 3/2020, cô giáo Hà Ánh Phượng là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục,
Cô Phượng người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Trường Đại học Hà Nội. Năm 2016, Hà Ánh Phượng được tuyển đặc cách vào Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - một ngôi trường miền núi có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô giáo 9X đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.
“Nhìn lại 5 năm qua chúng tôi đã cùng nhau trải qua một quá trình vô cùng đáng nhớ… Đó là mô hình “lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối lớp học của tôi và lớp học của các nước trên giới qua các giờ học tiếng Anh. Ở đó các em không chỉ có cơ hội được luyện nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu, để rồi cô trò chúng tôi đã du lịch không Visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới", cô Phượng vui mừng khi nhìn lại hành trình đã đi của mình như thế.
Và đúng như cô Phượng nói chẳng cần visa, cả cô và trò đã cùng nhau “đi du lịch” tới hơn 40 quốc gia. Những học sinh miền núi vốn rụt rè giờ đây đã có thể tự tin giao tiếp với những người bạn ngoại quốc và điều đặc biệt hơn là tự tin với chính bản thân mình trong cuộc sống. Góp công xây dựng nên điều đó là nhờ cô giáo trẻ năng động đổi mới phương pháp, không chấp nhận ngồi im chỉ để giới hạn tầm nhìn ở "vườn chuối" quê mình.