Cố gắng trả hết nợ đôi khi chính là nguyên nhân gây khiến bạn mất càng nhiều tiền hơn: Khoản vay càng lớn, càng không nên tất toán trước hạn?

23/06/2024 08:59 AM | Sống

Trong một vài trường hợp, trả nợ đúng hạn sẽ tốt và có lợi cho bạn hơn là trả nợ trước hạn.

Với những người đang mắc nợ thế chấp, việc trả hết khoản nợ ấy để toàn quyền “giành” lại tài sản của mình là một điều lý tưởng. Nếu bạn chưa biết: Nợ thế chấp là khoản nợ mà để vay được, bạn phải “giao” cho ngân hàng một loại tài sản gọi là tài sản đảm bảo, có thể là sổ đỏ, ô tô hay sổ tiết kiệm.

Suy cho cùng, ai lại không muốn thoát khỏi gánh nặng nợ nần càng sớm càng tốt cơ chứ? Thế nên ngay khi có tiền, việc đầu tiên mà những người đang mắc nợ thế chấp nghĩ đến chính là chạy tới ngân hàng, tất toán khoản vay. Khi ấy, câu hỏi mà họ được nghe từ nhân viên ngân hàng sẽ luôn là: “Bạn có chắc chắn muốn tất toán trước hạn khoản vay này không?”

Tại sao nhân viên ngân hàng lại hỏi như vậy? Phải chăng việc thanh toán sớm khoản vay thế chấp không phải là một quyết định đúng đắn và có lợi cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay?

“2 ưu - 1 nhược” của việc thanh toán sớm khoản vay thế chấp

Thứ nhất, thế chấp là một khoản nợ kéo dài hơn mười hoặc hai mươi năm và tiền lãi phải trả thường nhiều hơn tiền gốc. Có thể trả hết khoản vay này trước hạn - điều này đồng nghĩa với việc tổng số tiền lãi bạn phải trả sẽ ít đi. Đây cũng có thể coi là một khoản “tiết kiệm” đáng kể.

Thứ hai, việc trả trước khoản vay thế chấp cũng đồng nghĩa với việc bạn giảm bớt được một gánh nặng tâm lý. Bạn rũ bỏ được áp lực về việc phải trả nợ hàng tháng và không còn lo lắng về lãi suất thả nổi sẽ tăng cao. Chất lượng tinh thần của bạn được cải thiện và từ đó, chất lượng cuộc sống cũng khá hơn nhiều, so với khi khoản nợ còn “treo trên đầu”.

Ảnh minh họa

Đó là hai ưu điểm lớn nhất mà ai cũng biết về việc tất toán khoản vay thế chấp trước hạn. Tuy nhiên chuyện này không hoàn toàn là một "bữa trưa miễn phí". Nó cũng có một số nhược điểm tiềm ẩn mà không nhiều người nhận ra.

Nếu bạn “vét sạch tiền trong két sắt” để mang đi trả nợ ngân hàng, điều này đồng nghĩa với việc bạn và gia đình hoàn toàn không có đồng nào trong quỹ dự phòng. Vậy lúc ốm đau hoặc thu nhập giảm, tệ hơn nữa là mất hoàn toàn nguồn thu do thất nghiệp, bạn sẽ xoay sở ra sao?

Bên cạnh đó, việc mang hết tiền đi trả nợ cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ qua những cơ hội đầu tư để “tiền đẻ ra tiền”. Lãi suất vay thế chấp nhìn chung đều thấp hơn tỷ suất sinh lời của các kênh đầu tư, chẳng hạn như thị trường chứng khoán và chứng chỉ quỹ.

Làm sao để biết mình có nên tất toán trước hạn khoản vay thế chấp hay không?

Nếu thu nhập của bạn đang ổn định, chi phí sinh hoạt và ngân sách chi tiêu giữa các tháng không có sự chênh lệch quá lớn, đồng thời, bạn cũng đã có một khoản tiền dự phòng đủ để trang trải và duy trì cuộc sống trong 6-12 tháng, quyết định tất toán khoản vay lúc này có thể xem là hợp lý. Vì chi phí sống nói chung đã được kiểm soát (nên mới không có sự chênh lệch quá lớn giữa các tháng) và nếu không may gặp biến cố tài chính, bạn cũng đã có khoản dự phòng để trang trải.

Mặt khác, nếu thu nhập của bạn không ổn định, tiền tiêu tháng này có thể thấp nhưng tới tháng sau lại tăng gấp 3, và cũng chẳng có khoản dự phòng nào, quyết định tất toán khoản vay trước hạn lại trở nên rất phi lý. Trong hoàn cảnh này, việc cần ưu tiên không phải là trả hết nợ mà chính là kiểm soát chi tiêu, đồng thời xây dựng quỹ dự phòng.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng việc tất toán khoản vay trước hạn luôn đi cùng với một khoản phí phạt. Tùy vào chính sách của từng ngân hàng mà mức phí phạt trả trước hạn sẽ khác nhau, thường là 3-5% dư nợ tại thời điểm bạn tất toán khoản vay.

Nền tảng - mục tiêu tài chính và khẩu vị rủi ro của mỗi người là khác nhau, vì vậy việc đưa ra quyết định có nên tất toán khoản vay trước hạn hay không cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, như thu nhập, chi phí sống, quỹ tiết kiệm, quỹ khẩn cấp, lãi suất thế chấp, các cơ hội đầu tư khác,...

Theo Toutiao

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM