Cố gắng khiến ông chủ tờ Forbes cười tại một bữa tiệc, tôi thấm thía bài học đắt giá: Gặp gỡ người giàu không thể khiến bạn đổi đời, điều quan trọng nhất là khiến bản thân trở nên hữu dụng

16/10/2020 16:30 PM | Sống

Những khoảnh khắc gặp gỡ với các nhân vật nổi tiếng, thành công không trao cho bạn bất kỳ thứ gì đáng giá, hay năng lượng tích cực nào nếu như chính bản thân bạn "trống rỗng".

Lần đầu tiên khi tôi nghe được tin rằng Steve Forbes - Tổng biên tập kiêm chủ bút tạp chí Forbes, sẽ đến tham dự buổi tiệc công ty, tôi đã rất hào hứng. Ai mà biết được là còn bao nhiêu nhà tỷ phú khác mà tôi sẽ được gặp chứ? Có thể, tôi sẽ còn có cơ hội lên bìa của Tạp chí Time nữa!

Sau khi tôi gặp ông ấy, tôi cảm thấy được công nhận. Tôi vừa trò chuyện với Steve Forbes! Mọi thứ như đang tiến triển tốt hơn vậy!

Tuy nhiên, vài tháng sau bữa tiệc, tôi nhận ra sự thật đằng sau của mọi chuyện:

Không quan trọng rằng tôi được gặp Steve Forbes hay không.

Không quan trọng là tôi đã được nói chuyện với ông ấy vài phút.

Không quan trọng là tôi đã làm cho ông ấy cười bằng một trò đùa.

Ông ấy sẽ không nhớ gì về tôi cả. Cuộc sống của tôi cũng không có gì thay đổi. Tuy nhiên, miễn là tôi còn tiếp tục nói với mọi người rằng "Tôi đã từng gặp Steve Forbes!" - thì tôi sẽ chỉ càng cảm thấy sự thật đau lòng (và hơi không được thoải mái) rằng tôi đánh giá cao cách người khác cảm nhận như thế nào về bản thân tôi hơn là những gì mà tôi thực sự nghĩ về bản thân mình.

Điều mà tôi thực sự nghĩ về bản thân tôi, là tôi không quan tâm liệu tôi có gặp Steve Forbes hay không. Thậm chí, gặp ông ấy không giúp tôi tiến gần hơn đến mục tiêu của mình cũng như những khoảnh khắc đó cũng không trao cho tôi bất kỳ thứ gì đáng giá, hay năng lượng tích cực nào.

 Cố gắng khiến ông chủ tờ Forbes cười tại một bữa tiệc, tôi thấm thía bài học đắt giá: Gặp gỡ người giàu không thể khiến bạn đổi đời, điều quan trọng nhất là khiến bản thân trở nên hữu dụng  - Ảnh 1.

Tỷ phú Steve Forbes - Tổng biên tập kiêm chủ bút tạp chí Forbes.

Khi bạn ưu tiên quan điểm của người khác nghĩ sao về bạn hơn những gì bạn thực sự nghĩ về bản thân mình, bạn sẽ chỉ cảm thấy căng thẳng, thất vọng và trống rỗng.

Nếu bạn cố gắng chạy trốn khỏi ánh đèn sân khấu, những người khác sẽ bắt đầu đuổi bắt bạn. Sự khiêm tốn của bạn sẽ mang đến sự dễ chịu và điều tích cực cho mọi người.

Một khi bạn ưu tiên quan điểm của người khác về cuộc sống của bạn hơn quan điểm của chính bạn, bạn sẽ bị lạc lối. Bạn sẽ như chìm vào sự thất bại không lối thoát trong trò chơi "King of the hill" khi đang cố gắng tìm cho mình cách để trở thành tâm điểm chú ý bất cứ lúc nào cần thiết.

Nhưng cuối cùng, bạn chỉ thấy có mỗi bản thân mình và công việc bạn phải làm sau đó.

… Bạn có thích dành thời gian cho bản thân không?

Hay bạn chỉ đang tìm kiếm một thứ gì đó khiến bạn xao nhãng, mất tập trung?

Trong cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times "No One Wants to Read Your Sh*t", tác giả Stephen Pressfield đã viết: "Không ai trong chúng tôi muốn nghe câu chuyện mà bạn tự cho mình là trung tâm, với lòng tự tôn và những đòi hỏi được chú ý của bạn. Tại sao tôi lại phải nghe nó chứ? Những điều đó thật là chán. Không có gì trong câu chuyện của bạn có thể mang lại lợi ích cho chúng tôi".

Theo một cách tương tự, các nghệ sĩ cũng như các nhà tư duy sáng tạo chỉ có thể kết nối với quần chúng thông qua việc mang lại giá trị nào đó cho họ. Chính vì vậy, bạn chỉ có thể thực sự kết nối với những người khác khi bạn không còn suy nghĩ mọi thứ đều xoay xung quanh bạn.

Khi bạn làm điều ngược lại với những người khác - chạy trốn khỏi sự chú ý, trốn tránh ánh đèn sân khấu - mọi người sẽ bắt đầu đuổi bắt bạn. Trong một thế giới mà tất cả mọi người đều cố gắng duy trì những kết nối và hứng thú với người xung quanh, thì trong đó, một số ít người bình tĩnh tránh xa sự chú ý và tập trung vào công việc của mình thì họ mới thực sự là những người được chú ý nhiều nhất.

Đừng nghĩ rằng nếu bạn có thể đánh cắp cuốn sổ ghi địa chỉ danh bạ của Steven Spielberg thì có nghĩa là bạn có thể tạo nên bom tấn mùa hè. Seth Godin cho biết ông ấy hay hỏi mọi người rằng: "Nếu bạn lấy trộm cuốn sổ ghi địa chỉ danh bạ của Steven Spielberg, liệu nó có giúp bạn làm được một bộ phim không?"

Quan điểm của ông ấy cho rằng, ngay cả khi bạn sở hữu số hàng trăm, hàng ngàn, điện thoại của những người nổi tiếng, việc gọi điện cho họ cũng chẳng giúp ích được gì cho bạn. Sẽ không tồn tại sự tin cậy hoặc kết nối trong đó.

Rất nhiều người đang tập trung vào việc cố gắng tìm một số điện thoại nào đó, thực hiện một cuộc gọi, rồi gặp một người với hy vọng họ sẽ giúp mình xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, hiện thực lại không như bạn mong muốn.

Tôi đã gặp một vài người nổi tiếng trong đời và tôi sẽ nói với bạn một điều: Việc gặp gỡ người thành công, nổi tiếng chẳng khiến đời tôi thay đổi điều gì.

 Cố gắng khiến ông chủ tờ Forbes cười tại một bữa tiệc, tôi thấm thía bài học đắt giá: Gặp gỡ người giàu không thể khiến bạn đổi đời, điều quan trọng nhất là khiến bản thân trở nên hữu dụng  - Ảnh 2.

Tôi đã trò chuyện với Arnold Schwarzenegger trong dịp ông ấy đến thăm quê hương tôi trong trận cháy rừng. Khi ấy, ông ấy còn là Thống đốc của Tiểu bang California. Tại Comic-Con, tôi nói với Ken Jeong rằng tôi là một fan hâm mộ của ông ấy. Tôi đã khiến Steve Forbes bật cười trong một bữa tiệc cocktail. Nhưng sự thật rằng cuộc sống của tôi không thay đổi gì cả.

Việc gặp gỡ những người nổi tiếng, hy vọng họ sẽ thay đổi cuộc đời bạn là vô nghĩa bởi họ sẽ không thể làm được những điều như vậy. Điều quan trọng hơn cả bạn nên chú ý là việc trở thành một người có thể mang lại những điều hữu ích cho người khác, người có các kỹ năng và kiến ​​thức nền tảng để thực sự có thể giúp đỡ ai đó ngoài xã hội. Việc bạn có thể tận dụng những kinh nghiệm của bản thân và giúp đỡ ai đó quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều.

Một người đàn ông trung niên đang ăn tối một mình tại nhà hàng yêu thích của ông ấy. Đột nhiên, ông ấy bị nghẹt thở, ngã ra khỏi ghế và trở nên khó thở hơn.

Những khách quen khác chạy đến, hoảng sợ và la hét. Người phục vụ điên cuồng đánh mắt với mọi người xung quanh để tìm kiếm sự trợ giúp. Người phục vụ hét lên: "Có ai ở đây có thể giúp người đàn ông này không?".

Một thanh niên trẻ bước ra và nói một cách hiền hòa: "Được rồi, tôi nghĩ tôi có thể giúp".

"Tạ ơn Chúa!" - Người phục vụ thở phào nhẹ nhõm. "Được rồi. Chúng ta nên làm gì? Hô hấp nhân tạo? Heimlich Maneuver? Hay điều gì đó khác chăng??".

Người thanh niên nhìn có vẻ khó chịu. "Chà… Tôi khá giỏi Excel và tôi biết cách sử dụng Microsoft Word".

Đám đông xì xào, bối rối. Người phục vụ chớp mắt, tỏ vẻ không hiểu ý.

"Gì cơ?" - Người phục vụ trả lời trong sự hoài nghi. "Không, chúng ta phải làm gì để giúp người đàn ông này? Ông ấy bị nghẹt thở, không thở được!".

Người thanh niên bồn chồn lo lắng nói: "Chà… Tôi là một người học hỏi khá nhanh và luôn làm việc chăm chỉ. Tôi có bằng đại học về truyền thông và bằng phụ về marketing ".

"Cái gì cơ? Ai quan tâm về việc đó chứ?" - Người phục vụ trả lời một cách giận dữ. "Anh có thể giúp người đàn ông này hay không ??".

Lúc này, người thanh niên ấy trở nên thất vọng và bối rối nói: "Anh thấy đấy. Tôi là một chàng trai tử tế và tốt bụng. Tôi có thể xuất hiện ngay lúc này và tôi làm theo chỉ dẫn được đưa ra. Anh còn muốn gì hơn ở tôi được chứ?".

Vừa lúc đó, xe cấp cứu đến. Các nhân viên y tế lao đến và ngay lập tức chữa trị cho người đàn ông đáng thương mắc nghẹn. Ông ấy tỉnh dậy và cảm ơn các nhân viên y tế đã cứu sống của ông.

Người thanh niên kia thì trả tiền ăn rồi về nhà trong sự tức giận và bực bội.

Thế giới chạy theo quy luật đào thải một cách tàn bạo. Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề, bạn sẽ nhận được phần thưởng. Nhưng nếu không, bạn sẽ chẳng có gì hết.

Một trong những sự thật khó chấp nhận nhất mà tôi học được sau khi học đại học là các công ty không quan tâm đến tôi; họ không thực sự quan tâm là tôi đã đi học ở đâu, bằng cấp gì, điểm trung bình, hay các hoạt động ngoại khóa của tôi.

Điều các công ty thực sự quan tâm chỉ là bạn có thể giải quyết vấn đề của họ không. Bạn có thể giải quyết nó nhanh hơn hoặc tốt hơn hoặc ít chi phí hơn so với người khác không?

Gặp Steve Forbes trong bữa tiệc cocktail thật sự là trải nghiệm rất quý báu. Đó là một câu chuyện nhỏ dễ thương. Nhưng cuối cùng, gặp ông ấy cũng không thay đổi gì quan trọng trong cuộc đời tôi cả. Điều đã thay đổi cuộc sống của tôi là học được cách trở nên hữu dụng với thế giới, xây dựng kỹ năng và các mối quan hệ thực sự giúp tôi đạt được cuộc sống lý tưởng của mình.

Đó không phải là việc gây ấn tượng với người khác quan trọng như thế nào, mà đó là trở thành người khiến bản thân thực sự tự hào.

*Theo Anthony Moore - cây bút kỳ cựu của CNBC, Business Insider, Fast Company...

Hoàng Lan

Cùng chuyên mục
XEM