Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU

05/09/2023 13:30 PM | Sống

Ngay cả khi đã có một số thành tựu khiến nhiều người ngưỡng mộ ở độ tuổi còn trẻ, Anh Phương vẫn luôn khiêm tốn tự nhận bản thân chỉ là một người có năng lực bình thường, còn cần phấn đấu nhiều hơn nữa để có thể sánh bằng bạn bè, đồng nghiệp ở trong và ngoài nước.

Nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” trên Facebook nổi lên như một hiện tượng mạng được đông đảo mọi người đón nhận và dành sự quan tâm. Đây là nơi mà bất kể ai có thể vào kiến tạo thành tích bản thân theo hướng tích cực, vui vẻ. Tuy nhóm đã dừng hoạt động nhưng nhiều bài viết vẫn nhận được thu hút lớn từ cư dân mạng. 

Trong số những bài viết nổi bật, không thể không kể tới câu chuyện của Vũ Anh Phương, 27 tuổi, hiện đang làm việc tại Mỹ. Bài viết đã nhận được hơn 75.000 lượt like (yêu thích), hơn 2000 lượt share (chia sẻ) và hàng chục nghìn lượt comment (bình luận). Nhiều người còn gọi cô bằng biệt danh hết sức ngầu “Thợ săn học bổng”, “Cô gái vàng trong làng săn học bổng” bởi thành tích quá ngợp.

Theo Anh Phương chia sẻ, cô không ngờ lần quay trở lại dùng mạng xã hội này lại giúp bản thân được nhiều người biết đến như vậy. Trước đó, cô có quãng thời gian ở ẩn 3 năm để tập trung học tập, làm việc. Mỗi ngày Anh Phương vào mạng xã hội vài phút để nhắn tin cho người thân, chỉ đến khi “tốt nghiệp với học lực xuất sắc, việc làm ở Mỹ ổn định, tôi mới quay trở lại dùng mạng xã hội”. 

Anh Phương sở hữu bảng thành tích học tập cực “khủng”. Thế nhưng cô nàng vẫn khiêm tốn kể rằng: “Tôi từng học dốt gần nhất lớp chuyên Sinh trường Ams, 6.5 điểm tiếng Anh cuối kỳ trên lớp”. Cô tự nhận mình khá lười, chán học và gần như không có động lực học tập. 

Vậy đâu là lý do khiến Anh Phương có màn “lột xác” ngoạn mục, nhận học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ tại ngôi trường top 8 thế giới ngành Nông nghiệp, nhận hơn 10 học bổng toàn phần khác để được đi “du lịch” Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan ngắm cảnh mà không tốn một xu. Hãy cùng theo dõi câu chuyện của cô gái Hà Nội tài năng và xinh đẹp này nhé!

Vũ Anh Phương (SN 1996), Hà Nội

Làm việc tại công ty về Công nghệ Sinh học có chi nhánh tại bang Indiana, Mỹ.

Cựu học sinh THPT Hà Nội – Amsterdam.

Nhận Học bổng toàn phần Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2017.

Nhận Học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ của Đại học Purdue (Mỹ) trị giá 6,7 tỷ đồng/4 năm năm 2019.

Nhận Học bổng Đại học Missouri (Mỹ) trị giá 345 triệu đồng cho 5 tháng làm nghiên cứu khoa học năm 2018.

Học bổng toàn phần SEED của Chính phủ Canada.

Học bổng từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Từ nữ sinh không có động lực học trở thành “Thợ săn học bổng” khét tiếng

- Chị tự nhận là học sinh “học gần dốt nhất lớp chuyên Sinh trường Ams, 6.5 điểm tiếng Anh cuối kỳ trên lớp”. Vậy vào thời điểm đó, chị có rơi vào nỗi mặc cảm, tự ti hay nghĩ sẽ buông xuôi việc học?

Trong lớp, tôi luôn nằm trong số vài bạn có điểm số làng nhàng, không thành tích nổi bật, không đi thi học sinh giỏi. Thậm chí điểm tiếng Anh thi cuối kỳ tôi còn nhận được điểm 6.5. Điều này khiến tôi cảm thấy mặc cảm, tự ti với các bạn. Nhưng đó chỉ là cảm giác của tôi chứ các bạn trường Ams rất thân thiện, tốt bụng, không hề đối xử gì khác với tôi.

Thời điểm cách đây 9 – 10 năm, trên MXH lan truyền rất nhiều những câu chuyện, đại loại là: Bill Gate bỏ học vẫn trở thành tỷ phú, Steve Job bỏ học để khởi nghiệp và thành công, ông vua cà phê Trung Nguyên không có bằng đại học hay chàng trai/cô gái nọ không học giỏi vẫn đạt thu nhập vài chục triệu mỗi tháng. 

Truyền thông đưa tin rất nhiều, tôi nghe và cảm thấy đi học không để làm gì, nhiều người chẳng bằng cấp mà vẫn giàu sang đấy thôi. Suốt quãng thời gian dài, tôi đi học chỉ để bố mẹ vui lòng, chứ chưa thấy được tầm quan trọng của việc học. 

Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU - Ảnh 2.

Mãi đến khi lên đại học, tôi mới thấy các bạn học chung lớp cấp 3 giờ nhiều bạn theo con đường y khoa, có tương lai xán lạn. Và đến 1/3 các bạn lớp tôi đi du học. Thấy các bạn hào hứng chia sẻ video, hình ảnh ở nước ngoài, tôi thấy thật ngưỡng mộ và cũng thật tiếc nuối. Và tới lúc này, tôi mới hiểu rằng vì không nỗ lực học tập, tôi đã bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. 

Giờ nhìn lại hành trình đã qua, tôi thấy cuộc sống của mình đã thay đổi rất nhiều. Cách đây gần chục năm, có mơ tôi cũng không dám nghĩ tới tôi có cuộc sống như ngày hôm nay.

Khi hiểu được tầm quan trọng của việc học, lúc ấy tôi mới nghiêm túc, nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ năm thứ 2 tại Học viện Nông nghiệp, tôi nhận được nhiều học bổng ngắn hạn trao đổi sinh viên. Trong 3 năm, tôi nhận 10 học bổng, tới 6 nước gồm Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ. Chi phí học tập, sinh hoạt, vé máy bay,… đều được tài trợ 100%.

Lần đầu tiên ra nước ngoài là vào năm 2, tôi tới Thái Lan. Đặt chân tới một quốc gia khác, tôi đã choáng ngợp bởi sự khác biệt về văn hoá. Tôi nhớ mình có cầm trên tay một túi đồ ăn cũ, tới cửa hàng và nhân viên đã chủ động đưa tay ngỏ ý xin túi rác để vứt hộ. Một cử chỉ nhỏ nhưng thể hiện văn hoá ứng xử văn minh, lịch thiệp. Hình ảnh về cô nhân viên ấy cứ in đậm trong tâm trí tôi. Sau này, mỗi lần sang một quốc gia, tôi lại học được thêm nhiều điều thú vị về văn hóa. 

- Đâu là “cú hích” để chị quyết tâm tới xứ sở cờ hoa học bậc Tiến sĩ? Vì sao chị không ra nước ngoài học đại học, mà lựa chọn ở Việt Nam, đợi tới khi tốt nghiệp? 

Tôi không ra nước ngoài học đại học ở bậc cử nhân do gia đình không có điều kiện chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ. Tôi cũng muốn khi học phải toàn tâm toàn ý học chứ không muốn vừa đi học vừa đi làm. Đồng thời, tiếng Anh của tôi tại thời điểm ấy vẫn cần phải cải thiện nhiều. Các thầy cô ở trường đại học của tôi cũng rất tuyệt vời, tôi học chương trình tiên tiến nên vẫn được sử dụng sách của UC David của Mỹ.

Trước khi sang Mỹ lần đầu tiên năm 21 tuổi tôi cũng đã được đi đến nhiều nước khác nhau: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan (đều bằng học bổng trao đổi sinh viên tài trợ toàn phần). Nhưng chỉ đến khi tôi được Bộ Ngoại giao Mỹ chọn đi chương trình YSEALI, tôi mới thay đổi thay đổi nhận thức hoàn toàn, và đây chính là "cú hích" khiến tôi quyết tâm phải sang Mỹ học.

Khi tôi được đến thăm Hawai’i, California và Washington DC, tôi đã nhận ra nhiều điều đặc biệt ở Mỹ so với các đất nước khác.  Mỗi một vùng tôi đến lại có một “văn hóa” và phong cảnh thiên nhiên, cách giao tiếp khác nhau. Người dân Mỹ cởi mở, tự tin, phóng khoáng và thân thiện, tôi cảm thấy phù hợp với tính cách của bản thân. Ngoài ra, các bạn sinh viên Mỹ thường giỏi toàn diện, nghĩa là không chỉ tập trung vào học giỏi chuyên môn, mà còn có vốn hiểu biết rộng về thể thao, âm nhạc, chính trị,... khiến tôi được truyền cảm hứng và cũng muốn trở thành một con người toàn diện hơn. 

Lúc đầu tôi chỉ có nguyện vọng theo học bậc Thạc sĩ, tuy nhiên sau đó tôi đã gặp được mảnh ghép của cuộc đời vào năm cuối đại học ở Việt Nam. Chính vì thế, tôi buộc phải thay đổi ý định. Anh ấy là người Mỹ, nên tôi quyết định học lên Tiến sĩ để có thể ở Mỹ lâu hơn cùng anh. 

- Ngoài lý do sang Mỹ vì muốn ở bên người yêu, chị còn có lý do nào khác trước quyết định chọn đất nước cờ hoa này không? 

Học lên cao, tôi xác định tiếp tục phát triển với ngành Khoa học thực vật, đây là một trong những ngành học phát triển nhất ở Mỹ. Nếu tôi sang Mỹ, tôi được chọn lựa môi trường học tập tốt nhất, có nhiều cơ hội việc làm. 

Ngoài ra, đất nước Mỹ vô cùng rộng lớn, có nhiều điều để khám phá. Mỗi bang lại mang một nét văn hóa khác nhau khiến tôi hứng thú. Chẳng hạn khi đến đảo Hawaii, bạn sẽ thấy thiên nhiên xinh đẹp, mọi người thân thiện, nhiều người gốc Á sinh sống. Tới San Francisco (California), mọi người ăn mặc giản dị, có nhiều start-up, mô hình khởi nghiệp. Hay di chuyển tới Washington D.C – thủ phủ của Mỹ, người dân ở đây vô cùng thanh lịch, cử chỉ nhẹ nhàng, nho nhã. 

Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU - Ảnh 3.

- Những quyết định của chị đều liên quan tới người yêu và cũng là chồng hiện tại của chị. Chắc hẳn chị luôn đặt gia đình, người thân là ưu tiên số 1? 

Đối với tôi, tình yêu - gia đình - sự nghiệp được xếp ngang nhau, cái nào cũng quan trọng. Thậm chí, nhiều lúc gia đình còn quan trọng hơn sự nghiệp. Trước đây, tôi nghĩ mình còn trẻ, phải cống hiến cho sự nghiệp trước, sau mới lo tới gia đình. Nhưng ở tuổi 27, tôi có sự chuyển đổi trong suy nghĩ. Tôi nhận ra gia đình là quan trọng nhất bởi mình cố gắng làm việc, kiếm tiền cũng vì mục đích cuối cùng là được ở gần gia đình, quan tâm chăm sóc những người thân yêu, đó là bố mẹ, anh chị em, là vợ/chồng. Thế nên nếu phải xa chồng, xa người yêu thì việc học tập, kiếm tiền đâu còn ý nghĩa. 

Chồng cũng chung quan điểm với tôi. Và tôi muốn sau khi 2 vợ chồng có con, khi bé được 2 tuổi, chúng tôi sẽ đưa con về Việt Nam để con được học văn hoá, ngôn ngữ Việt. Vợ chồng tôi có dự định “gap-year” 1 năm về Việt Nam. Bố mẹ tôi thấy đó là quyết định táo bạo, khuyên tôi nên ổn định cuộc sống trước. Nhưng tôi thấy con học văn hoá, học tiếng mẹ đẻ tốt nhất là khi còn nhỏ. Chứ đợi khi kinh tế vững vàng, có thể là 10 năm sau thì con đã lớn, chẳng còn gốc gác Việt Nam. Và lúc đó, có thể tôi ở vị trí cao hơn trong công ty, sẽ rất khó sắp xếp công việc để về nước. 

Còn giờ tôi vẫn trẻ, có thể tạm gác, thậm chí hy sinh thời gian, công việc để ở bên gia đình. Tôi cũng muốn chồng học văn hoá Việt Nam. Đó mới là giá trị cốt lõi, chứ tiền bạc, công việc lúc nào cũng kiếm được, còn thời gian bên gia đình mới là vô giá. 

Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU - Ảnh 4.

Rơi vào trầm cảm vì thấy bản thân kém cỏi giữa đất Mỹ, phải gặp bác sĩ tâm lý điều trị

- Thời gian mới sang Mỹ, chị đã gặp những khó khăn gì? Từng 2 lần tới Mỹ trước đó, chắc hẳn chị không rơi vào trạng thái sốc như nhiều du học sinh?

Khi “khăn gói” lên đường, tôi tự tin vào bản thân, cảm thấy mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi thứ: Kinh nghiệm, tài chính, ngôn ngữ, tinh thần. Nhưng trong năm đầu tiên, tôi thấy mọi thứ trở về con số 0 tròn trĩnh, tôi chuẩn bị bao nhiêu cũng là chưa đủ. 

Về mặt tài chính, tôi không gặp khó khăn bởi chi phí học tập, chi phí sinh hoạt đều được quỹ học bổng chi trả. Tương tự về ngôn ngữ, tôi cũng không gặp rào cản. Bởi khi sang Mỹ, tôi đã có chứng chỉ ngoại ngữ. Hơn nữa, chồng tôi, gia đình chồng và bạn bè đều trao đổi bằng tiếng Anh nên khả năng giao tiếp của tôi được nâng cao nhanh chóng. 

Nhưng thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải đó là việc thay đổi môi trường học tập và việc xung quanh có quá nhiều người xuất sắc. Khi học lên bậc Tiến sĩ, đa số mọi người có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm đi làm ở công ty hoặc họ đã học bậc Thạc sĩ. Còn tôi thì chỉ mới tốt nghiệp đại học, còn rất non nớt, yếu kém. Ở Việt Nam, tôi là sinh viên ưu tú, thành tích nổi bật nhưng sang Mỹ, thời gian đầu tôi chẳng có gì nổi bật.

Thêm nữa, môi trường học tập bởi ở Việt Nam và Mỹ có sự khác biệt quá lớn. Ở Việt Nam, các môn học thường có bài mẫu, hay công thức có thể áp dụng. Nhưng ở Mỹ thì không như vậy, ngay cả bài luận cũng yêu cầu mới 100%, không được tham khảo trên mạng. Vì thế, tôi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu. 

Vì việc học tập áp lực nên tôi bị 2 năm rơi vào trầm cảm lâm sàng, phải gặp bác sĩ điều trị tâm lý hàng tuần. Triệu chứng cụ thể của bệnh là khóc hàng ngày, không có động lực chăm sóc bản thân, có thể không ăn uống suốt nhiều ngày. Suy nghĩ tiêu cực từng ám ảnh trong đầu tôi rất nhiều, như cảm thấy mình là kẻ thất bại, để bố mẹ, người thân, bạn bè thất vọng. Hay tôi dễ cáu gắt, không muốn làm gì, ngay cả ra khỏi giường để đi tắm cũng không muốn,… 

Nhưng sau đó, tôi phải tự động viên bản thân, chia sẻ nhiều hơn với chồng, kết hợp với điều trị tâm lý để đẩy lùi căn bệnh. 

Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU - Ảnh 5.

- Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vậy đến khi tìm việc làm, chị có gặp thách thức gì không?

Chương trình bậc Tiến sĩ 5 năm nhưng tôi dừng lại ở năm 3 và lấy bằng Thạc sĩ. Tôi tốt nghiệp sớm hơn dự định ban đầu, bước chân vào thị trường lao động sớm. Cũng có lúc tôi suy nghĩ, sau này có nên học tiếp không nhưng điều đó còn phụ thuộc vào gia đình, tính chất công việc,… 

Lý do tôi lựa chọn phương án này bởi trong quá trình làm khoá luận, tôi nhận được lời mời phỏng vấn làm việc từ nhiều công ty. Lúc đó, thị trường lao động của Mỹ đang thiếu nhân lực, từ sau khi kết thúc COVID-19. Và đến đầu năm 2022, nền kinh tế Mỹ mới mở cửa lại. 

Công ty hiện tại tôi làm việc khá gần nhà, chỉ mất 10 phút lái xe. Vì thế, công việc sẽ không khiến cuộc sống gia đình bị xáo trộn. Chồng tôi vẫn yên tâm học Tiến sĩ, anh không phải lo lắng xa vợ, chuyển nhà hay phải đưa vợ đi làm xa mỗi ngày,… Ở Mỹ có nhiều bang khác nhau, các công ty rải rác khắp nơi. Nhưng tôi sẽ chọn công ty gần nhà để thuận tiện cho 2 vợ chồng. Trước khi quyết định điều gì, tôi cũng đặt gia đình lên hàng đầu. 

Nhìn lại hành trình đã qua, 21 tuổi tôi sang Mỹ 5 tuần, 22 tuổi sang Mỹ 5 tháng, 23 tuổi sang Mỹ 5 năm. 

- Công việc cụ thể hiện tại của chị là gì? Chị có thể chia sẻ đôi chút về tính chất, môi trường, cũng như thu nhập được không?

Hiện tại, tôi là Associate Scientist, có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của một công ty về Công nghệ sinh học. Tôi làm việc ở trụ sở thuộc bang Indiana, công việc chính là nghiên cứu phát triển sản phẩm cây trồng chỉnh sửa gen. Hiểu đơn giản là sử dụng các chất nitơ, đạm trong đất hiệu quả để tăng sản lượng, giúp cây trồng có năng suất cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi cấy mô, phát triển các cách tối ưu hoá quá trình xây dựng sản phẩm. Hiện thu nhập của tôi tương đối tốt, lên đến 2 tỷ đồng/năm.

Mỗi ngày tôi làm việc 8 tiếng, công việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp, gắn kết mối quan hệ với đồng nghiệp. Trong 8 tiếng, chúng tôi phải nghiêm túc, tập trung cao độ, thái độ tốt, không xem điện thoại. Về mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, hiện tại tôi duy trì tốt. Ở bên này có một điểm khác biệt so với đồng nghiệp ở Việt Nam là chúng tôi cần giữ khoảng cách nhất định, thái độ chừng mực hơn. 

Tôi từng vướng vào rắc rối nhỏ do sự khác biệt về văn hoá. Ở Việt Nam, khi nói chuyện, chúng ta thường có thói quen khoác tay hay đập vào vai nhau. Hành động này thể hiện sự thân mật, gần gũi. Nhưng bên Mỹ, đó là điều tối kỵ. 

Khi thấy một đồng nghiệp nữ trạc tuổi tôi mặc chiếc áo rất đẹp, tôi đã vỗ vai bạn ấy và ngợi khen. Ngay lập tức, sắc mặt bạn tối sầm lại và tôi vội vàng xin lỗi. Nhưng 1 tháng sau, bạn ấy vẫn báo cáo hành vi của tôi lên cấp trên, cho rằng tôi quấy rối tình dục bởi chạm vào cơ thể mà không hỏi trước. Sau lần đó, tôi rút ra bài học rằng không nên tỏ ra quá thân thiết, suồng sã. 

Ngoài ra, tôi cũng hiểu thêm một số quy tắc ngầm nơi công sở như: Không kể chuyện riêng tư cá nhân, không nhận xét ngoại hình, tuổi tác, không chia sẻ về thu nhập, tiền lương, mối quan hệ khác,… Thậm chí, có nhân viên từng bị đuổi việc khi quay video môi trường làm việc rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội. 

- Có được công việc tốt, thu nhập cao, chị từng chia sẻ “cách đây gần chục năm, có nằm mơ chị cũng không nghĩ tới”. Vậy với chị, ngoài chồng thì ai là người có sức ảnh hưởng lớn, hỗ trợ chị từng bước chạm tới thành công? 

Đó là mẹ của tôi, mẹ tôi là cựu giảng viên Học viện Ngân hàng. Mẹ hỗ trợ về mặt định hướng, cuộc đời, sự nghiệp rất nhiều cho đến khi tôi sang Mỹ du học. Mẹ luôn kiên trì động viên, khích lệ tôi mỗi ngày bởi tôi khá lười học, không có động lực học tập. Mẹ đã nhẫn nại nhắc nhở tôi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Nếu không có mẹ thì không có tôi của ngày hôm nay.

Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU - Ảnh 6.

Mẹ tôi là mẫu phụ nữ rất nghiêm khắc. Tôi nhớ hồi còn học cấp 2, các bạn làm bài kiểm tra Toán chỉ được 7- 8 điểm, bố mẹ các bạn đã ngợi khen. Trong khi đó, tôi được 9 điểm mà về còn bị mẹ trách móc. Mẹ trách tôi tại sao câu hỏi dễ như vậy lại để bị trừ điểm. 

Mẹ tôi cầu toàn trong mọi lĩnh vực và thỉnh thoảng, tôi cũng thấy mệt mỏi vì điều đó. Nhưng giờ khi đã trưởng thành, tôi thấy nhờ có mẹ luôn hướng đến sự hoàn hảo mới thúc đẩy tôi tiến lên được. Điều gì cũng có 2 mặt của nó. Quá cầu toàn khiến đôi lúc tôi áp lực nhưng đấy cũng là động lực để tôi chỉn chu, nỗ lực hơn.

Thành công đến từ việc “xây” lộ trình rõ ràng và nỗ lực học hỏi người khác

- Nhìn lại hành trình đã qua, theo chị đâu là yếu tố giúp chị đạt được những thành tựu nhất định? Đó phải chăng là sự thông minh và tính kiên trì?

Tôi không nghĩ là bởi thông minh vì tôi thấy bản thân là người bình thường, không xuất sắc. Trước đây, với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, tôi phải mất rất nhiều thời gian để học mới theo kịp các bạn. Tôi nghĩ bản thân đạt được một số thành tựu là do có định hướng sớm cùng chiến lược cụ thể. Tôi học khá tốt môn Sinh học nên cứ học lên cao tiếp, tôi hiểu bản thân, hiểu đâu là thứ mình muốn.

Bí quyết thứ hai của tôi là luôn luôn học hỏi người khác. Có rất nhiều bạn học giỏi, thông minh nên sinh tâm lý tự cao, hoặc có thể do ngần ngại nên chẳng bao giờ hỏi ai trước những vấn đề đang phân vân. Còn tôi sẽ chủ động học hỏi, bất kể khi nào nói chuyện với ai, làm việc gì cũng quan sát mọi người xung quanh. Tôi luôn nghĩ họ sẽ có điều gì đó để tôi học hỏi được, vì thế tôi trò chuyện với người khác bằng sự ngưỡng mộ. Nhờ đó, tôi tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm rất nhanh.

Cô gái Việt được ví là ‘thợ săn học bổng’, thu nhập hàng tỷ đồng/năm bật mí bí quyết thành công ở 2 ĐIỀU - Ảnh 7.

- Hiện chị có đang làm thêm công việc khác không? Công việc đó đem lại cho chị giá trị tích cực thế nào? 

Từ năm 2 đại học, tôi đã được trao học bổng ngắn hạn, sang Thái Lan học tập. Đến năm 3 đại học – khi 21 tuổi, tôi nhận học bổng toàn phần Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là một chương trình học tập danh giá, ít người Việt Nam đạt được. Ngay sau khi biết thông tin tôi nhận học bổng, nhiều bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước nhắn tin hỏi bí quyết, cách thức “apply” và tôi đã livestream để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.

Trong 1-2 năm đầu tiên, tôi hỗ trợ các bạn xin học bổng mà không hề thu phí. Cho đến khi tôi đỗ chương trình Tiến sĩ ở Mỹ thì điều này giống như “cú hích” khiến đông đảo mọi người biết tới, nhiều báo đài đưa tin. Ngày nào tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi về “săn” học bổng. Cũng từ đó, tôi chính thức coi đây là nghề tay trái. 

Lần đầu tiên thử hướng dẫn, tôi lấy các bạn 200 nghìn đồng/tiếng. Đến bây giờ tôi lấy mức phí 2 triệu/giờ tư vấn mà vẫn rất đông bạn đăng ký, có khi phải chờ 1-2 tuần mới xếp được lịch làm việc với tôi. Từ lúc bắt đầu công việc đến giờ, tôi đã hỗ trợ được hơn 250 sinh viên Việt Nam đỗ học bổng toàn phần ở nước ngoài. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ học sinh, sinh viên bản xứ Mỹ xin học bổng và xin việc làm. Công việc đem lại cho tôi nhiều niềm vui và tôi thấy được giá trị lớn lao khi giúp đỡ được các bạn trẻ. 

- Sau khi bài viết “flexing” của chị lan tỏa, cảm xúc của chị như thế nào?

Đăng bài sau thời gian gần 3 năm không dùng MXH, không ngờ nhận được sự quan tâm như vậy, tôi rất hạnh phúc. Nhiều bạn bè, người thân nhắn tin hỏi thăm, ngợi khen, tâm sự với tôi. Một điều hơi tiếc là tôi mong muốn sau khi đăng bài sẽ có nhiều người vào kiến tạo, để tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi với những người làm cùng lĩnh vực nhưng tôi chưa gặp được. 

Và một điều đặc biệt, các cháu của tôi ở Việt Nam liên hệ, khen tôi “đỉnh và ngầu”. Các cháu chưa bao giờ biết được hành trình cố gắng của tôi. Nên khi tôi “flex”, các cháu rất ngạc nhiên, tự hào về cô và còn được bạn học ghen tỵ vì có người cô ưu tú. Vì thế, tôi thấy qua bài viết “flex”, tình cảm cô cháu trở nên gắn kết hơn, tôi có dịp để gần gũi, chia sẻ, truyền thêm động lực cho các cháu. 

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM