Cô gái Kiên Giang 26 tuổi từ vong chỉ sau 12 giờ phát hiện ung thư dạ dày, đâu là những biểu hiện sớm?
Chị L.M.P (26 tuổi, Kiên Giang) sau khi nhận kết quả ung thư dạ dày giai đoạn cuối vào buổi trưa, đến đêm người phụ nữ đã tử vong.
Mới đây, báo Vietnamnet đã đăng tải thông tin, chị L.M.P (26 tuổi, trú tại Kiên Giang) đã qua đời sau khi phát hiện ung thư dạ dày chưa đầy 1 ngày. Sự ra đi của cô gái trẻ khiến gia đình, bạn bè ngỡ ngàng.
Theo người thân, ngày 30/4, chị P. đau bụng nhiều nên tới một bệnh viện ở Phú Quốc để kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm ruột và cho đơn thuốc về nhà uống. Tình trạng đau bụng không giảm nên chị đặt vé máy bay về TP.HCM khám.
Khi đến một bệnh viện lớn, bác sĩ chỉ định cho P. siêu âm và kê đơn thuốc về nhà theo dõi. Cơn đau bụng vẫn kéo dài nên chị tiếp tục vào bệnh viện khám lại. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn được bác sĩ chẩn đoán như cũ và hẹn sau kỳ nghỉ lễ 6/5 quay lại.
Ngày 4/5, người thân đưa cô vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kiểm tra và được giới thiệu sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, bác sĩ chỉ định bệnh nhân cần được nội soi dạ dày. Trưa cùng ngày, bác sĩ thông báo với gia đình: "Chị P. bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối".
Sau khi làm các thủ tục khám bệnh, cô gái này rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy và xuất huyết tiêu hóa nặng. Tối cùng ngày, sức khỏe của P. diễn biến xấu, hôn mê sâu, không đo được huyết áp nên các bác sĩ khuyên gia đình đưa về nhà.
Khi xe đi tới Tiền Giang, người phụ nữ này đã trút hơi thở cuối cùng sau 12 giờ nhận kết quả chẩn đoán mắc ung thư. Sự ra đi đột ngột của chị khiến người nhà đau xót bởi "buổi sáng cuối cùng vào bệnh viện khám, P. vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường".
Tại sao ung thư dạ dày thường phát hiện muộn?
Ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu từ Globocan 2020, ung thư dạ dày đứng top 4 trong các mặt bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9.8%. Tỷ lệ tử vong của mặt bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11.9%. Đây là mặt bệnh thường xuyên nằm trong top những bệnh ung thư nguy hiểm nhất.
Nhiều bệnh nhân ung thư không rõ tại sao ngay khi có biểu hiện đau hoặc phát hiện ra khối u đã đi khám ngay nhưng bệnh vẫn ở giai đoạn muộn và tiên lượng sống thấp.
Trao đổi về vấn đề này với báo Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhấn mạnh chúng ta cần phải biết rằng ung thư là bệnh của tế bào. Cơ thể con người là do nhiều tế bào tạo thành. Tế bào ban đầu là một hợp tử từ tinh trùng người cha và trứng của mẹ hợp thành.
Tế bào lớn dần về kích thước đến một mức nào đó sẽ tự nhân đôi và tạo thành 2 tế bào mới. Hai tế bào này lại lớn dần và lại nhân đôi để tạo thành 4 tế bào. Quá trình cứ tiếp tục lặp lại như vậy và tế bào sinh sôi theo cấp số nhân để tạo lên một cơ thể hoàn chỉnh.
Khi trưởng thành có thể con người có khoảng 1 triệu tỉ tế bào. Lúc này các tế bào phát triển chậm lại và việc nhân đôi của các tế bào chỉ thay thế các tế bào chết hoặc làm liền vết thương. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1012 tế bào chết đi và được thay thế bằng số lượng tương đương.
Các tế bào nhân lên nhưng không tự do, tùy tiện. Có một hệ thống điều khiển, quản lý để các tế bào phát triển đúng và đủ. Hơn nữa, trong cơ thể còn có một hệ thống sửa chữa những sai lệch cho các tế bào và bộ gene bị tổn thương do các tác động vật lý, hóa học, sinh học từ bên ngoài và trong cơ thể tác động.
Khi phát hiện những sai lệch của gene, hệ thống sửa chữa sẽ cố gắng sửa cho gene trở lại bình thường hoặc tiêu diệt tế bào mang gene bệnh đó. Khi một, hai trong ba hoặc cả ba hệ thống nói trên bị trục trặc, cơ thể sẽ sinh ra một số bệnh, trong đó có ung thư.
Nếu hệ thống điều khiển hỏng, tế bào sẽ nhân lên vô hạn. Nếu hệ thống sửa chữa bị hỏng sẽ sinh ra những tế bào quái lạ, không có chức năng cần thiết và có thể gây hại cho cơ thể.
Nếu tế bào biến đổi ở mức độ nặng, cơ thể không thể sửa chữa được sẽ bỏ tế bào đó đi nhưng nếu không may hệ thống sửa chữa này bị yếu đi hoặc "lơ là mất cảnh giác", các tế bào ác tính sẽ nhân lên, bành trướng ra xung quanh, từ 1.000 tế bào lên 1.000.000 tế bào và tạo thành khối u, nhưng cũng rất nhỏ để có thể phát hiện bằng các phương tiện hiện nay.
Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư dạ dày?
Theo thông tin từ bệnh viện K, một số dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày cần lưu ý như sau:
- Đầy tức bụng : Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý.
- Sut cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi : Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài phân màu bất thường thì rất có thể cảnh báo bạn đã mắc ung thư dạ dày.
Việc phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày hiện nay thì phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm cho phép đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày, và nếu có tổn thương có thể sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.
Ngoài nội soi, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT. Bác sĩ chủ yếu dựa vào các hình ảnh để đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phận xung quanh. Hơn nữa qua đó có thể đánh giá tình hình của bệnh nếu ung thư bắt đầu di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể như: gan, hạch, ổ bụng, ổ phúc mạc…
Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng có thể sử dụng chọc sinh thiết để xác định ung thư dạ dày. Phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không.
Thạc sỹ, Bác sỹ Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, do đó người dân nên:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.
- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.
- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
Và quan trọng nhất là tầm soát ung thư dạ dày để bảo vệ sức khỏe của mình, nếu được phát hiện sớm căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát tốt, chất lượng điều trị hiệu quả rất cao.
Ngoài ra, Bác sỹ Hà Hải Nam cũng khuyến cáo, người dân nên đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường kể trên, đồng thời thiết lập thói quen khám định kỳ 6 tháng/lần để có thể phát hiện được bệnh giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.