Cô gái Huế 'dành cả thanh xuân' để khôi phục hộp bánh tiến Vua sắp thất truyền
Mong muốn gìn giữ những sản phẩm mang đậm nét truyền thống của người Việt và xứ Huế, chị Huyền đã bắt tay vào khôi phục loại bánh tiến Vua thuở xưa đang dần bị thất truyền - bánh Pháp Lam.
Chị Phạm Thị Diệu Huyền (SN 1985 sinh sống tại phường Thuận Thành, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, cơ duyên giúp chị đến với bánh Pháp Lam để khởi nghiệp là từ hộp bánh người bạn thân tặng.
"Sau một khoảng thời gian trò chuyện và tìm hiểu về loại bánh này, tôi đã rất bất ngờ và tiếc nuối vì có một loại bánh cổ truyền độc đáo như thế của Huế lại sắp bị thất truyền!", bà chủ Mộc Truly Hue’s kể.
Thế là chị bắt tay vào việc học xếp hộp bánh Pháp Lam từ chính chiếc hộp được tặng đó. Hiểu được nguyên lý xếp bánh, cấu tạo của vỏ bánh, chị nuôi ý định sẽ đưa ra thị trường sản phẩm này.
Hộp bánh "tiến Vua" độc nhất vô nhị đang dần bị thất truyền
Hộp bánh màu Pháp Lam xuất thân từ ẩm thực Cung đình Huế. Và Pháp Lam là loại hình nghệ thuật hưng thịnh dưới thời triều đại nhà Nguyễn.
Điểm nổi bật của loại hộp bánh này là lớp giấy bọc ngoài vỏ được sử dụng giấy ngũ sắc của làng Thanh Tiên, lấy cảm hứng từ 5 màu cơ bản của nghệ thuật Pháp Lam thời bấy giờ (Cam – tím – vàng – lục – xanh). 5 màu trong ẩm thực Huế còn phản ánh một bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc, từ quan niệm ngũ hành tương sinh, sự giao thoa với Chăm Pa, đến nghệ thuật Pháp Lam trứ danh một thời.
Chị Diệu Huyền tiết lộ, lớp giấy sắc màu bọc bên ngoài đòi hỏi sự tỉ mỉ của nghệ thuật trong từng nếp gấp, sắp xếp tầng lớp và cấu trúc xen kẽ với nhau như nghệ thuật origami để tạo nên một khuôn bánh đầy màu sắc.
"Là một người con xứ Huế, đang nỗ lực khôi phục lại nghệ thuật Pháp Lam. Không chỉ là hộp bánh pháp lam đơn thuần mà nó là tấm lòng, là niềm tin và những hi vọng của Mộc muốn trao gửi tới quý khách hàng. Với mong muốn nghệ thuật cung đình Huế nói riêng và tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc nói chung không bị mai một và thất truyền theo sự biến thiên của dòng chảy thời gian", bà chủ Mộc Truly Hue’s nói.
Hoa văn hộp đựng lấy cảm hứng từ nghệ thuật Pháp Lam của triều đình nhà Nguyễn. Chị Huyền muốn khách hàng có thể trầm trồ, tò mò ngay khi nhìn thấy bên ngoài chiếc hộp nên đã sử dụng các họa tiết cũ của ông cha, đồng thời cách điệu và tạo thêm yếu tố mới dựa trên quy luật ngũ sắc, từ đó đồng nhất trong - ngoài hộp.
Thời gian có được hoàn chỉnh 1 hộp bánh phải mất 2 tuần, tính từ khi bắt đầu tìm hiểu, theo học và xếp hộp thành công.
Để xếp giấy gói như vậy phải tốn 20 - 25 phút cho công cắt và gấp, xếp một hộp nhỏ và một hộp lớn 9 cái tầm hơn 3 tiếng. Cùng với đó thời gian để vẽ tay một hộp vỏ tầm 2,5 giờ nên để theo được cái nghề này đòi hỏi người theo học phải có sự tỉ mẩn và tâm huyết không hề nhỏ ở trong đó.
"Quy trình tạo ra một hộp bánh màu pháp lam đúng chuẩn, thì từ khâu chọn giấy đến đo cắt xếp đều phải cẩn thận, tỉ mỉ. Giấy làng Thanh Tiên rất mềm, mỏng nên người thợ cần khéo léo để tránh làm hỏng nếp giấy mà vẫn giữ được độ đứng cho hộp, đồng thời phải nắm được quy luật phối màu và đan giấy, miếng giấy phải được cắt đều tay, vuông vức. Khi bắt giấy, người nghệ nhân phải hoàn toàn tập trung và khéo léo đan từng mảnh giấy ấy lồng vào nhau, đôi khi chỉ cần sai một chút thôi là phải làm lại từ đầu", chị Diệu Huyền kể.
Mong muốn bảo tồn và phát triển hộp bánh Pháp Lam cung đình Huế
Do bánh không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng rất ngắn. Đây cũng là khó khăn đối với chị Huyền.
Để khắc phục, chị đã tính đến phương án thay thế bằng những món bánh cổ truyền khác của Huế, chỉ sử dụng vỏ hộp màu pháp lam.
Bánh Phục Linh, bánh in, bánh hạt sen – những loại bánh thân quen hàng ngày sẽ là sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực Cung Đình Huế với văn hoá dân gian. Chị bày tỏ, bằng cách này, thêm nhiều khách đã biết về bánh truyền thống Huế - dễ ăn, dễ kiếm, giá thành phù hợp mà lại kết hợp được với các lò sản xuất tại địa phương để phát triển lâu dài.
"Hiện Mộc đã tiếp cận với thị trường khách lẻ và nhận được phản hồi rất tốt, thời gian tới mình sẽ đẩy mạnh cho kế hoạch quảng cáo sản phẩm và các kênh phân phối để ổn định đường dài", chị Huyền nói.
Tiết lộ về những định hướng trong tương lai, chị Huyền cho biết sẽ đưa các sản phẩm của Mộc nói chung và bánh Pháp Lam xuất khẩu chính ngạch.
"Việc đưa những sản phẩm truyền Việt Nam ra nước ngoài luôn là mong ước của tôi và tôi đang gấp rút để thực hiện, hoàn thành hồ sơ giấy tờ để sản phẩm có thể tiếp cận được với thị trường ngoài nước. Tuy nhiên với một sản phẩm truyền thống thế này thì trước mắt tôi vẫn sẽ tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng ngay tại quê hương mình, trải đến các khu vực có tiềm năng (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và định vị được thương hiệu trên thị trường", chị Huyền chia sẻ.