Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm

20/10/2024 08:15 AM | Sống

"Lục Đinh Tiểu Các", một ngôi nhà chung đầy ấm áp dành cho những trẻ em đang phải tạm gác việc học vì chứng trầm cảm. Tại đây, các em được đồng hành, thấu hiểu và trang bị những "liệu pháp" để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Nỗi đau âm thầm của những con số

Theo Sohu đưa tin, ở Trung Quốc, mỗi dịp tựu trường, số ca đến khám tại khoa Tâm thần trẻ em lại tăng đột biến. Số liệu từ bệnh trẩm cảm quốc gia năm 2022 cho thấy, Trung Quốc có khoảng 95 triệu người mắc chứng trầm cảm, trong đó thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chiếm đến 30%. Nhiều em vì thế mà không thể tiếp tục đến trường. Theo ước tính, số lượng thanh thiếu niên phải nghỉ học dao động từ 1 triệu đến 2 triệu em. Họ là nhóm đối tượng thiếu thốn nguồn lực xã hội nhất, dù ở trường học, gia đình hay xã hội. Cha mẹ bối rối giữa gánh nặng mưu sinh và con cái, những đứa trẻ không được thấu hiểu, tất cả tạo nên một gia đình bế tắc.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 1.

"Lục Đinh Tiểu Các" là ngôi nhà chung cung cấp dịch vụ phục hồi tâm lý cho thanh thiếu niên phải tạm nghỉ học vì trầm cảm. Tại đây, hơn mười đứa trẻ cùng sinh hoạt, ăn ở với những "người đồng hành", cùng nhau quay MV, tổ chức giải đấu game, thi đấu cầu lông - nhặt nhạnh những "liệu pháp" để đối diện với thử thách và nỗi đau trong cuộc sống.

Bến đỗ bình yên của những tâm hồn đang lạc lối

Ngôi nhà chung mang tên "Lục Đinh Tiểu Các" không khác gì những căn nhà ở nông thôn Chiết Giang mà bạn có thể hình dung - một tòa nhà ba tầng, mặt tiền phẳng phiu, hài hòa, nằm bên con đường chỉ đủ một xe đi, quay lưng ra phía đường. Phải đi vòng qua sân mới thấy được cổng chính. Nơi đây là "chốn nương náu" của những đứa trẻ đang phải tạm gác việc học vì trầm cảm cùng những vấn đề tâm lý khác.

Thịnh Mộng Lộ là người sáng lập "Lục Đinh Tiểu Các". Tháng 10/2021, Mộng Lộ thành lập "Lục Đinh Tiểu Các", mong muốn tạo ra một môi trường chung, giúp những bạn trẻ phải tạm dừng việc học vì trầm cảm có thể từng bước hòa nhập xã hội. Nói một cách dễ hiểu, khoảng 10 đứa trẻ và 5 "người đồng hành" sẽ cùng sinh hoạt tại "Lục Đinh Tiểu Các" trong thời gian 3 tuần. Mỗi "người đồng hành" sẽ đồng hành cùng một hoặc hai bạn nhỏ, cùng nhau sinh hoạt, tham gia các hoạt động nhóm tâm lý, giúp các em phục hồi các chức năng xã hội. Sau đó, nếu muốn, các em có thể lựa chọn ở lại tiếp.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 2.

Trước khi thành lập "Lục Đinh Tiểu Các", Mộng Lộ là một phóng viên chuyên viết bài phóng sự xã hội chuyên sâu. Cô tốt nghiệp ngành Báo chí tại Đại học Vũ Hán, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Nhân học Xã hội tại Trường Kinh tế London. Công việc phóng viên cho cô cơ hội tiếp xúc sâu sắc với những người mắc chứng trầm cảm.

Theo thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, số lượng thanh thiếu niên đang phải đối mặt với chứng trầm cảm dao động từ 10 triệu đến 30 triệu người. Trong đó, không có số liệu thống kê chính thức thống nhất nào về số lượng trẻ em phải tạm dừng việc học vì lý do này. Dựa trên kinh nghiệm và ước tính của Mộng Lộ, con số này ít nhất là từ 1 triệu đến 2 triệu em.

Với hàng triệu đứa trẻ này, việc đến trường là một điều vô cùng khó khăn và đau khổ. "Có những đứa trẻ thậm chí còn không thể đến gần trường học. Các em có thể đã cảm thấy rất tồi tệ, các triệu chứng về thể chất trở nên nghiêm trọng khi gần đến trường", Mộng Lộ chia sẻ.

Dần dần, Mộng Lộ nhận ra có rất nhiều mô hình phục hồi dành cho thanh thiếu niên bị trầm cảm, chẳng hạn như các dự án ngắn hạn. Tuy nhiên, để đạt được sự thay đổi thực sự, cần phải có nhiều thời gian hơn. Lúc đó, cô tìm đọc một số tài liệu và phát hiện ra rằng, để người bệnh trầm cảm hồi phục hoàn toàn, ít nhất cần từ 3 đến 6 tháng, thậm chí là từ 1 năm đến 1 năm rưỡi.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 3.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 4.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 5.

Cuộc sống ở "Lục Đinh Tiểu Các".

Rất ít tổ chức dám thực hiện các chương trình phục hồi lâu dài. Vì không ai làm nên Mộng Lộ quyết định từ bỏ công việc phóng viên để tự mình thực hiện. "Lục Đinh Tiểu Các" là "góc thử nghiệm" đầu tiên của cô. Ban đầu, cô tuyển sinh theo chu kỳ một tháng/lần. Đến nay, "Lục Đinh Tiểu Các" đã bước sang năm thứ ba, chứng kiến khoảng 140 đứa trẻ đến rồi đi.

Những đứa trẻ đến "Lục Đinh Tiểu Các" chủ yếu trong độ tuổi từ 14 đến 20, gia đình hầu hết đều đã tìm đủ mọi phương pháp điều trị y tế, tư vấn tâm lý và đấu tranh với "trầm cảm" trong một khoảng thời gian. Nếu con cái vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng, trở lại trường học, họ sẽ cân nhắc đến "Lục Đinh Tiểu Các" để thử. Mặc dù "Lục Đinh Tiểu Các" nằm ở Hàng Châu, nhưng những đứa trẻ đến đây sinh sống đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

"Mặt nạ cảm xúc" và những tâm sự bị cất giấu

2 giờ chiều, lũ trẻ lần lượt xuống lầu từ phòng của mình để tham gia hoạt động tập thể. Phòng khách ở tầng một là không gian chung, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động của "Lục Đinh Tiểu Các". Sàn nhà được trải đầy những tấm nệm xốp để mọi người có thể ngồi.

Lũ trẻ ngồi quây thành vòng tròn. "Người đồng hành" lấy ra một số mặt nạ trống và bút màu, mời các em vẽ lên mặt trước của mặt nạ những cảm xúc mà người khác cảm nhận được từ mình, mặt sau là những cảm xúc thật sự bên trong. Đối với trẻ em, "Mặt nạ cảm xúc" như vậy có thể giúp các em nhận ra những cảm xúc mà trước đây mình chưa từng cảm nhận được.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 6.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 7.

Học Kiệm - một trong những "người đồng hành" - đang chia sẻ về "Mặt nạ cảm xúc" của mình

Một cậu bé đề nghị muốn dùng màu vẽ và đất nặn, sau đó một mình bê đồ ra bàn ăn và bắt đầu sáng tạo. Cậu bé dùng đất nặn nặn một chiếc mũi hề, sau đó dùng cọ vẽ tô đỏ phần đầu mũi, vẽ mắt, miệng và vết nứt trên trán theo hình tượng chú hề trong phim "Joker". Khi chia sẻ, cậu bé nói: "Cháu cảm thấy mình giống như một chú hề mỗi khi tâm trạng không tốt".

"Người đồng hành" hỏi cậu bé: "Vậy màu xanh lam và xanh lá cây bên cạnh mắt tượng trưng cho điều gì?". Cậu bé trả lời: "Tượng trưng cho hy vọng ạ".

Một cô bé khác vẽ mặt trước của mặt nạ thành "vỏ trứng", bên trong là "lòng đỏ". Bề mặt "vỏ trứng" có một số vết nứt. Cô bé nói rằng mình muốn thể hiện mong muốn "phá kén chui ra". Ở mặt trong, nơi có "lòng đỏ", một giọt nước mắt màu xanh lam nơi khóe mắt tượng trưng cho những lúc cô bé cảm thấy buồn.

Chúng trông không khác gì những đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì khác. Các em cũng thích vẽ mặt nạ thành nhân vật anime Tomie mà mình yêu thích, cũng thích văn hóa "xứ sở hoa anh đào" hay nhạc K-pop, cũng cười đùa vui vẻ khi chơi game cùng nhau, cũng thỉnh thoảng buột miệng những câu bông đùa dí dỏm.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 8.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 9.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 10.

Học Kiệm là một trong những "người đồng hành" đang ngồi giữa lũ trẻ. Anh tinh ý nhận ra: "Điều này cho thấy các em cảm thấy bất an trong môi trường hiện tại và cũng có cảm giác bất lực. Các em sẽ nghĩ "Kể cả khi chia sẻ, mọi người có thể giúp gì được cho mình chứ? Và trạng thái này có thể kéo dài khá lâu, thậm chí là nửa năm, một năm, các em mới dần dần khá hơn".

Lần đầu tiên tiếp xúc với những thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm, Mộng Lộ cũng cảm thấy các em không khác gì những đứa trẻ bình thường. Họ có thể chơi đùa cùng nhau và cũng có những muộn phiền tuổi mới lớn như bao người khác. Nhưng dần dần, khi đã tiếp xúc và tìm hiểu sâu hơn, có những đứa trẻ sẽ cho cô xem những vết sẹo do tự làm đau bản thân trước đây, kể cho cô nghe về những trải nghiệm đau khổ của mình. Vào những lúc như vậy, cô đặc biệt đau lòng và đồng cảm với các em.

Quan sát kỹ mới thấy, không phải ai cũng tô vẽ kín mặt nạ. Có những đứa trẻ vẽ rất ít ở mặt trước nhưng lại tô kín mặt sau. Cũng có em vẽ rất ít ở cả hai mặt.

Lần đầu tiên nhìn thấy lũ trẻ tương tác, cười đùa cùng "người đồng hành", rất khó để phân biệt ai là "người đồng hành", ai là trẻ. "Người đồng hành" phần lớn là những người trẻ tuổi, có chuyên môn về tâm lý học. Trước mặt lũ trẻ, họ luôn giữ năng lượng tích cực và hòa đồng với các em. Ngoài việc chơi đùa cùng nhau, ở những nơi không có ống kính, họ cần quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt của từng đứa trẻ, nhắc nhở các em uống thuốc đúng giờ và luôn chú ý đến cảm xúc của các em.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Tâm lý học Ứng dụng, Học Kiệm đến "Lục Đinh Tiểu Các" và trở thành một "người đồng hành". Trước đây, anh từng làm chuyên viên trị liệu tâm lý tại bệnh viện, tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên. Khi đó, ở bệnh viện, anh được tiếp xúc với đủ loại trẻ em, rất nhiều em có vấn đề liên quan đến gia đình. Các em sẽ nói thẳng ra rằng "Cháu cảm thấy bố mẹ không yêu thương cháu".

Mặc dù trên thực tế, chúng ta có thể thấy cha mẹ đã cống hiến, thậm chí là yêu thương con cái, nhưng chỉ cần con cái không cảm nhận được thì tức là không có. Khi nhu cầu của các em không được đáp ứng, các em sẽ cảm thấy đau khổ.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 11.

Mọi người đang tham gia buổi "đấu giá" để "mua" những đặc điểm tính cách mà họ mong muốn "đối tác" của mình sở hữu.

"Lục Đinh Tiểu Các" và sứ mệnh chữa lành những tổn thương vô hình

Với Học Kiệm, trong quá trình tư vấn cá nhân, rất khó để thay đổi môi trường gia đình của đứa trẻ. "Tư vấn cho một đứa trẻ, mỗi tuần một tiếng, dù có tư vấn nửa năm, một năm, tính một năm tôi tư vấn được mấy chục tiếng, nhưng về nhà, con phải ở đó hàng nghìn tiếng. Nếu cha mẹ, môi trường của con không thay đổi thì nỗi đau của con sẽ cứ lặp đi lặp lại".

Anh nhớ có một bạn nhỏ đến phòng tư vấn đã nói với anh rằng: "Ở đây, nói chuyện với chú, cháu thấy thoải mái. Nhưng khi về nhà, cháu phải đối mặt với bố mẹ, cháu phải làm sao?".

"Lục Đinh Tiểu Các" là nơi đầu tiên anh muốn đến để khám phá. Đây là tháng thứ năm anh ở đây. Mỗi "người đồng hành" đều là những cá thể rất khác biệt. Với lũ trẻ, những "anh chị" này rất đa dạng. Học Kiệm hàng ngày đều đi làm bằng xe máy. Trên đường đi, anh sẽ ghé mua trà sữa cho mọi người ở "Lục Đinh Tiểu Các", sau đó cùng chơi game với lũ trẻ. Có bạn nhỏ nói đùa rằng, ngày đầu tiên đến, nhìn thấy "Đạt Đạt" (cách gọi "người đồng hành") đeo kính râm, đeo khuyên tai, bạn ấy còn tưởng mình đi nhầm chỗ. Vẻ ngoài khác biệt của họ cũng là cách để nói với lũ trẻ rằng "Lục Đinh Tiểu Các" là nơi bao dung với sự "khác biệt".

Một trong những vai trò quan trọng của "người đồng hành" là làm mẫu khi trẻ còn do dự, rụt rè. Ví dụ, trong hoạt động "Mặt nạ cảm xúc", "người đồng hành" sẽ là người đầu tiên giơ tay chia sẻ về ý nghĩa mà mình muốn thể hiện qua chiếc mặt nạ. Nếu có người khác nói những lời lẽ xúc phạm đến đứa trẻ, có thể đứa trẻ đó vẫn chưa biết cách phản ứng hoặc né tránh. Lúc này, "người đồng hành" sẽ đóng vai trò chủ động lên tiếng: "Mình nghe thấy những lời bạn vừa nói rồi, chắc bạn ấy sẽ rất buồn. Bạn có thể đừng nói như vậy nữa được không?". Lần sau, đứa trẻ sẽ biết cách nói như thế nào.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 12.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 13.

Tư vấn tâm lý là một công việc rất hiệu quả, nhưng Học Kiệm vẫn muốn biết liệu có môi trường nào khác, phương pháp nào khác có thể giúp đỡ những đứa trẻ và gia đình của chúng hay không, ngoài môi trường bên ngoài như phòng tư vấn tâm lý cá nhân.

"Người đồng hành" - những "người luyện tập tâm lý" cho những trái tim vẫn còn loay hoay tìm lại nhịp đập

Mộng Lộ thường được hỏi về ý nghĩa của vai trò "người đồng hành". Ở Trung Quốc, đây là một vai trò tương đối mới. "Người đồng hành" là một vai trò hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp, tham khảo phương pháp làm việc của một số vai trò ở nước ngoài, chẳng hạn như Nhân viên hỗ trợ sức khỏe tâm thần, Nhân viên chăm sóc, Nhân viên xã hội... So với chuyên viên tư vấn hoặc bác sĩ tâm thần, "Nói một cách dễ hiểu, 'người đồng hành' giống như 'người luyện tập tâm lý' hơn".

Trong quá trình can thiệp với trẻ em bị trầm cảm, phương pháp phục hồi rất đa dạng. "Ví dụ, với sự hỗ trợ của thuốc, đứa trẻ coi như đã có gậy chống. Chuyên viên tư vấn có thể đã chỉ đường cho con, nhưng 'người đồng hành' mới là người thực sự đồng hành cùng con luyện tập trong cuộc sống hàng ngày, để những thay đổi đó thực sự trở thành một phần lớn lên của con".

Khi được hỏi về công việc này, Học Kiệm chia sẻ: "Với 'người đồng hành', công việc đồng hành là một công việc lao động cảm xúc cường độ cao, đòi hỏi phải luôn cảnh giác với trạng thái cảm xúc của đứa trẻ".

Mọi người đi làm lúc 9 giờ 30 sáng, sau khi họp giao ban xong sẽ bắt đầu công việc trong ngày. Buổi tối, sau khi họp tổng kết lúc 6 giờ chiều, mọi người có thể tan sở. Mỗi ngày đều có một "người đồng hành" ở lại "Lục Đinh Tiểu Các" trực. Trực đồng nghĩa với việc không thể rời khỏi môi trường làm việc. Vào những đêm trực, trong đầu Học Kiệm luôn nghĩ, liệu lũ trẻ có đột nhiên cảm thấy tồi tệ vào ban đêm không? Nếu các em tìm mình thì phải làm sao? Chỉ cần bên ngoài có động tĩnh gì là anh lập tức cảnh giác. Ngay cả khi không trực, anh cũng rất sợ điện thoại công việc đột nhiên đổ chuông vào ban đêm.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở mỗi đứa trẻ đều rất phức tạp và khác nhau, rất khó để khái quát bằng một số nhãn mác rập khuôn. Mộng Lộ đưa ra một số ví dụ, chẳng hạn như những đứa trẻ gặp vấn đề trong các mối quan hệ xã hội, từng bị bắt nạt học đường có thể sẽ ám ảnh toàn bộ môi trường học đường. Các em sẽ cảm thấy môi trường đó rất thiếu an toàn. Cũng có một số trường hợp rất điển hình là những em học giỏi, thông minh nhưng có xu hướng cầu toàn, dễ bị áp lực tâm lý, tự ti. "Áp lực cao như vậy có thể đến từ tính cách nội tâm của chính các em, cũng có thể đến từ môi trường, từ gia đình", Mộng Lộ chia sẻ.

Nhiều yếu tố phức tạp đan xen vào nhau, cuối cùng có thể chỉ cần một "ngòi nổ" là sẽ bùng phát. Mộng Lộ thường kể về trường hợp của một bạn nhỏ, ban đầu chỉ là làm mất chiếc USB lưu bài tập khi sắp đến giờ đến trường, một chuyện rất nhỏ nhặt, "Thế mà con bé bỗng nhiên suy sụp, cảm thấy mình làm việc nhỏ như vậy cũng không xong thì cuộc đời coi như chấm hết".

Với những đứa trẻ đang đối mặt với những vấn đề về cảm xúc, trường học một mặt có thể là nguồn cơn gây ra tổn thương cho các em, mặt khác, những đứa trẻ bị trầm cảm cũng thường khó nhận được sự đồng cảm từ bạn bè đồng trang lứa. Sự hiểu lầm này cũng có thể khiến các em không thể tiếp tục đến trường. Trong mắt Học Kiệm, trẻ em bị trầm cảm rất dễ bị "nhìn với ánh mắt kỳ thị" ở trường học. "Hãy thử tưởng tượng, ở trường, nhìn thấy bạn cùng lớp có vết sẹo do tự làm đau bản thân, hầu hết những đứa trẻ ở độ tuổi này sẽ không thể hiểu được nỗi đau của bạn đến từ đâu, chỉ thấy bạn ấy kỳ lạ", anh chia sẻ.

Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 14.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 15.
Cô gái bỏ nghề phóng viên đi làm trị liệu tâm lý: Đồng hành cùng 140 trẻ em ngừng đến lớp vì trầm cảm- Ảnh 16.

"Người đồng hành" cùng các em sẽ thường xuyên chụp ảnh cùng nhau khi đi du lịch.

"Phụ huynh thường có giai đoạn phản kháng và phủ nhận rất mạnh mẽ", Mộng Lộ nói.

Tại sao con không thể đến trường? Tại sao con vốn dĩ rất ngoan ngoãn, bỗng nhiên lại trở nên như vậy? Đây là những câu hỏi mà hầu hết các bậc cha mẹ khó có thể chấp nhận khi biết con mình bị bệnh. Nhưng chính sự không chấp nhận, không ủng hộ như vậy lại là nguồn cơn gây ra đau khổ rất lớn cho rất nhiều đứa trẻ.

Hầu hết những đứa trẻ đến với "Lục Đinh Tiểu Các" có thể đã nghỉ học được một thời gian dài. Gia đình các em cũng đã cùng con cái đấu tranh với trầm cảm trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, theo Mộng Lộ, tâm trạng chủ yếu của các bậc cha mẹ mà cô từng tiếp xúc vẫn là lo lắng và tội lỗi. Họ lo lắng không biết tình trạng hiện tại của con cái sẽ kéo dài bao lâu, liệu có còn hy vọng hồi phục hay không, có chút bất lực.

Cũng có rất nhiều bà mẹ, chỉ cần nhắc đến hành trình con cái mắc bệnh là nước mắt lại rơi. Họ tự trách bản thân đã không làm tốt nhiều việc khi con mới chớm bệnh hoặc trước khi con phát bệnh.

Ngày đầu tiên lũ trẻ đến "Lục Đinh Tiểu Các", Mộng Lộ và các "người đồng hành" sẽ nói với các em rằng, "Lục Đinh Tiểu Các" là nơi an toàn, bao dung. Nhưng điều này cần mọi người cùng nhau gìn giữ. Một trong những quy tắc cốt lõi ở "Lục Đinh Tiểu Các" là: Không phán xét, không làm tổn thương, tôn trọng lẫn nhau. "Trên cơ sở đó, chúng tôi có thể chấp nhận mọi tình huống, mọi hành vi. Chúng tôi không muốn dùng quá nhiều ràng buộc để ép buộc các con phải thay đổi hành vi", Mộng Lộ cho biết.

Ví dụ, các bậc cha mẹ thường rất đau đầu về việc con cái chơi điện thoại, chơi game. Nếu con cái "ngủ ngày cày đêm", mải mê chơi game, cha mẹ sẽ rất lo lắng về chính hành vi đó. Nhưng theo Mộng Lộ, điều quan trọng không phải là "cố gắng thay đổi hành vi đó" mà là "nhìn thấy những khó khăn cụ thể đằng sau hành vi đó của con".

Một ví dụ rất cực đoan, có một bạn nhỏ từng nói "Nếu không cho con chơi game thì con chỉ còn nước chết". Trước đây, Mộng Lộ từng đồng hành cùng một bạn nhỏ. Bạn nhỏ đó muốn "chơi game cho bõ tức" vì ở nhà bị kiểm soát rất nghiêm ngặt việc sử dụng điện thoại. Khi các bạn cùng lớp bắt đầu chơi những game phức tạp hơn thì bạn ấy vẫn đang chơi những game rất cơ bản, khiến bạn ấy không có tiếng nói chung với bạn bè đồng trang lứa, không thể kết bạn qua game.

Tại "Lục Đinh Tiểu Các", lũ trẻ đã tự tổ chức một giải đấu game. Mỗi bạn nhỏ tham gia thi đấu đều được bốc thăm trúng thưởng một hộp quà bí mật. "Nếu có bạn nào đó thực sự thích chơi game, thậm chí sau này muốn theo đuổi công việc liên quan thì cũng không sao cả", Mộng Lộ nói. Rất nhiều bạn nhỏ đã trở thành bạn bè thông qua game ở "Lục Đinh Tiểu Các".

Dậy lúc mấy giờ, khi nào thì xuống lầu, có tham gia hoạt động tập thể hay không đều là do các bạn nhỏ tự nguyện. Khí Ngải là một trong số đó. So với việc tham gia hoạt động, giao tiếp với mọi người, Khí Ngải thích tự mình làm những gì mình muốn hơn. Khí Ngải là bút danh mà bạn ấy sử dụng khi viết tiểu thuyết. Bạn ấy chưa nghỉ học, chỉ là đang trong kỳ nghỉ hè, sắp đến ngày phải quay lại trường.

Khí Ngải tâm sự rằng, lý do bạn ấy không muốn đến trường là vì "trường học giống như một nhà máy, cứ tuần tự hết công đoạn này đến công đoạn khác, ép buộc mình phải làm theo". Bạn ấy cảm thấy mình bị bao bọc quá mức ở trường. Nếu không ăn cơm đúng giờ sẽ có người nói "không ăn cơm là không được, nhất định phải ăn cơm", hơn nữa lại còn nói với giọng điệu ra lệnh khiến bạn ấy rất khó chịu.

"Cháu thích tự mình ràng buộc bản thân, nhưng lại không thích bị người khác ràng buộc. Ở "Lục Đinh Tiểu Các" thì khác, cơm nước đã có sẵn ở đó, cháu có thể đến ăn hoặc không, muốn tự lo liệu trong phòng cũng được" - Khí Ngải nói.

Trong suốt 5 tháng, đứa trẻ để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng Học Kiệm lại là một cậu bé có vẻ ngoài bình lặng. Cậu bé đến và đi mỗi ngày như bao người khác, không có gì quá nổi bật. Thế nhưng, khi chia tay, cậu bé bộc bạch một tâm sự khiến Học Kiệm không khỏi nghẹn lòng: "Em cảm thấy như mình lại phải quay về cuộc sống cũ, một cuộc sống mà em phải che giấu những vết thương. Em không thể để ai nhìn thấy những vết sẹo trên tay em nữa".

Học Kiệm nhận ra rằng, trong căn nhà nhỏ này, cậu bé đã tìm thấy sự an toàn và thấu hiểu. Nhưng khi trở về thực tế, cậu bé lại phải đối mặt với những áp lực và sự cô đơn.

Mộng Lộ thường xuyên được hỏi: "Các em nhỏ sẽ rời khỏi đây, liệu những ký ức đẹp đẽ ở căn nhà nhỏ có theo các bạn suốt cuộc đời?". Cô ấy tin rằng những đứa trẻ từng sống ở đây sẽ có khả năng kiểm soát cảm xúc và đối mặt với khó khăn tốt hơn.

Học Kiệm nói: "Ngôi nhà chung này không phải là một thế giới hoàn toàn tách biệt. Nó cũng là một xã hội thu nhỏ. Các em nhỏ đến đây vẫn phải đối mặt với những vấn đề thường ngày như khó ngủ, bị muỗi đốt, thích hoặc không thích ai đó, cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh người khác. Những vấn đề này rất gần gũi với cuộc sống thực tế, nó không hoàn toàn là một giấc mơ.

Khi rời khỏi nơi này và quay trở lại cuộc sống thực, các em sẽ không vì đã từng có một khoảng thời gian tuyệt vời mà không thể thích nghi. Những trải nghiệm tích cực, những nhận thức mới mà các em có được ở đây sẽ không bao giờ biến mất".

Theo Tú Linh

Cùng chuyên mục
XEM