Cô gái 4 lần đi viện vì thứ đáng sợ trong bình đựng nước: Cảnh báo thói quen sai lầm rước hoạ vào thân
Nhiều người có suy nghĩ bình nước chỉ dùng để đựng nước lọc nên không cần vệ sinh mà không biết bên trong là ổ vi khuẩn nguy hiểm.
Mới đây, cô gái tên Kae (19 tuổi, sống ở Gruzia) chia sẻ trên TikTok rằng cô phải nhập viện cấp cứu nhiều lần trong vài tháng qua và nguyên nhân chính là chiếc bình đựng nước.
Trong đoạn clip thu hút hơn 3,2 triệu lượt xem được đăng tải, Kae giải thích rằng cô bị ốm lần đầu vào tháng 8, bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản. Sau khi được dùng thuốc kháng sinh, cô khỏe lại sau ba tuần.
Vài tuần sau, Kae lại bị bệnh, lần này là nhiễm trùng xoang. Lần thứ ba, cô phải cấp cứu ở một cơ sở y tế tại địa phương vì viêm họng và được kê đơn thuốc kháng sinh. Lần thứ 4 nhập viện, cô gái trẻ bị cảm lạnh và đau rát họng, bác sỹ tiếp tục cho dùng kháng sinh.
Sau nhiều lần bị ốm liên tiếp, Kae quyết định làm sạch bình đựng nước của mình. Vì không chắc chắn mình vệ sinh đúng cách, cô tìm kiếm trên Google và được nhiều người hướng dẫn tháo miếng silicon có thể tách rời khỏi nắp. Kae nhận ra rằng trước đây, cô không bao giờ tháo miếng silicon ra để làm sạch nó và đây chính là nguyên nhân khiến cô bị ốm nhiều tháng qua.
"Miếng silicon trên nắp bình chứa đầy cặn bẩn. Tôi bị ngộ độc nấm mốc từ bình đựng nước của mình. Đây là bài học cảnh tỉnh dành cho bất kỳ ai đang sở hữu các loại bình đựng nước kiểu này", Kae nói, cho biết cô đã vứt bỏ miếng silicon nhiễm nấm mốc đó đi và đặt một chiếc thay thế trên Amazon.
Nhiều người xem chia sẻ kinh nghiệm của bản thân rằng họ cũng từng phát hiện nấm mốc ở bình đựng nước. Không ít trường hợp cho biết, hóa ra nấm mốc trong bình nước cũng từng khiến họ bị bệnh mà không hề hay biết.
"Thật không ngờ đây chính là nguyên nhân khiến tôi liên tục bị bệnh trong thời gian qua. Bình nước của tôi cũng chứa đầy nấm mốc, vi khuẩn do không biết cách vệ sinh"; "Cảm ơn bạn, nhờ video này mà tôi đã biết được nguyên nhân"; "Con gái tôi cũng có vài bình nước thế này, tối nay tôi sẽ làm sạch nó như bạn hướng dẫn"... là những bình luận trên mạng xã hội.
Sử dụng bình đựng nước đúng cách để không rước bệnh
Mặc dù bình đựng nước không có hướng dẫn sử dụng chi tiết như các thiết bị điện tử, nhưng trên nhãn sản phẩm dán trên bình đựng nước hoặc trên vỏ hộp đựng cũng có in các chỉ dẫn sử dụng bình, trước khi dùng nên đọc kỹ các chỉ dẫn này.
Với các bình đựng nước mới mua về, nên chùi rửa bình trước khi sử dụng. Việc làm sạch này vừa để loại bỏ các chất bẩn có thể bám trong bình vừa để khử mùi bình mới, tránh cho đồ uống bị bám mùi khi bảo quản.
Tuỳ vào từng sản phẩm mà bình có thể đựng được nước nóng hay nước lạnh, cho nên cần lưu trữ các loại đồ uống có mức nhiệt tương ứng, không vượt quá mức cho phép, gây biến dạng, hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng.
Không ném, quăng, cầm nắm, di chuyển bình quá mạnh tay để tránh làm bình bị nứt, vỡ.
Ngoài ra, với các loại đồ uống nặng mùi như sữa, nước ép hoa quả hoặc đồ ăn lỏng như súp, cháo...không nên lưu trữ trong bình quá lâu, sau khi dùng hết nên làm sạch kỹ để tránh bình ám mùi.
Riêng với bình giữ nhiệt, hầu hết lớp giữ nhiệt đều có chất liệu là inox. Lớp inox này sẽ giúp tăng khả năng giữ ấm đồ ăn, lại an toàn với người dùng. Tuy nhiên lớp inox này có thể phản ứng với axit. Do đó không nên dùng bình giữ nhiệt hay bất cứ vật dụng có chất liệu inox để đựng các loại nước có tính axit như: Nước hoa quả, nước ngâm mơ, nước táo mèo, nước dâu ngâm, nước sấu ngâm… hay các món ăn như dưa muối, cà muối, các món canh chua. Bởi các loại nước, món ăn này sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox, dẫn tới các phản ứng hóa học, từ đó có thể tạo ra một số chất gây ung thư, hoặc nhẹ hơn thì gây đau bụng, ngộ độc.
Điều quan trọng là hãy chọn lựa bình chất lượng cao. Bởi thông thường, nhà sản xuất sẽ nhồi bông amiăng giữa các lớp inox để hỗ trợ lớp inox này cách nhiệt tốt hơn. Trong trường hợp chất liệu bình kém, amiăng có thể phát tán ra ngoài, chui vào phế quản gây ra ung thư phổi và các bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe con người.
Theo Dailymail