Cổ đông sốt ruột muốn ngân hàng sớm niêm yết lên sàn

26/04/2019 22:02 PM | Kinh doanh

Tại đại hội cổ đông 2019, các cổ đông ngân hàng một lần nữa bày tỏ sự quan tâm và “thúc” lãnh đạo các ngân hàng sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Như ở đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa diễn ra ngày 25-4, các cổ đông đặt câu hỏi về việc bao giờ ngân hàng lên sàn để nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu?

Ông Đào Mạnh Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ABBANK, cho biết ngay sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, ngân hàng sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và nộp hồ sơ niêm yết cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ABBANK sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2018 cho cổ đông bằng cổ phiếu thưởng với tỉ lệ là 7,4%. Việc ABBANK thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục tiêu hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn điều lệ thuộc lộ trình 2019 - 2020, giúp ngân hàng có nền tảng tài chính ổn định để tiếp tục phát triển bền vững và lớn mạnh hơn.

"Việc chia cổ phiếu bằng cổ tức không ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Ngoài việc nhận lãi cổ tức, cá nhân nào cũng mong muốn doanh nghiệp mà mình đầu tư hoạt động hiệu quả, ổn định. Việc chia cổ tức góp phần giúp ABBANK có nguồn lực tài chính ổn định, trong tương lai sẽ mang lại giá trị lớn hơn cho cổ đông chứ không chỉ là lợi ích trước mắt" – ông Đào Mạnh Kháng nói.

Trước đó, tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), cổ đông cũng thông qua kế hoạch niêm yết trên HOSE vào quý III/2019. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 1.053 tỉ đồng, gấp 6,4 lần năm trước. Cổ đông ngân hàng này cũng thống nhất dùng toàn bộ lợi nhuận này cho việc tái đầu tư thúc đẩy sự tăng tốc của ngân hàng trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

 Cổ đông sốt ruột muốn ngân hàng sớm niêm yết lên sàn  - Ảnh 1.

LienVietPostBank sẽ chuyển từ sàn Upcom sang niêm yết tại HOSE. Ảnh: Linh Anh

Trong khi đó, ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu LPB từ hệ thống giao dịch Upcom sang niêm yết tại HOSE. Năm nay, cổ đông LienVietPostBank cũng thống nhất phương án phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2018 từ lợi nhuận sau thuế và cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ năm 2019 của ngân hàng lên gần 9.770 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo ngân hàng, 10 năm qua, LienVietPostBank đã chia cổ tức cho cổ đông gần 105% (trong đó trên 90% bằng tiền mặt), dự kiến chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2018 là 10%.

Tại mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều ngân hàng khác cũng đã thông qua phương án sẽ lên sàn chứng khoán trong năm nay. Bởi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, hạn chót đến năm 2020, tất cả ngân hàng thương mại buộc phải niêm yết lên sàn chứng khoán. Do đó, các cổ đông cũng liên tục "thúc" ngân hàng lên sàn ở các kỳ đại hội. Việc ngân hàng lên sàn sẽ tạo thêm cơ hội, tăng thêm quyền lựa chọn cho nhà đầu tư và cổ đông, việc mua bán cổ phiếu cũng thuận lợi hơn. Việc này còn buộc các phải minh bạch hơn trong quản trị và thực thi những quy định để bảo đảm an toàn hệ thống…

Năm 2018, có khoảng 10 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhưng đến cuối năm, chỉ có 3 ngân hàng đưa cổ phiếu lên HOSE thành công là HDBank, TPBank và Techcombank.

Thêm ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu

Tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), các cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án và kế hoạch của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ lên 17.570 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 5.534 tỉ đồng từ việc phân phối cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trong đó, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 21% với tỷ lệ chia cổ tức 10% cho năm 2017 và 11% cho năm 2018.

Theo lãnh đạo SHB, việc tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu chậm nhất đến 2020 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, nâng cao tiềm lực tài chính mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin; thuê các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tư vấn và phản biện để chuẩn bị cho hành trình chuyển đổi số…

Theo Thái Phương

Cùng chuyên mục
XEM