Có địa phương đến 90% người dân phải 'lót tay' khi làm sổ đỏ
Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ-PV) phải chi “lót tay” dao động từ 40-90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tình trạng “chung chi” để làm xong thủ tục này phổ biến ở địa phương như Cao Bằng, Đăk Lăk và Sóc Trăng.
Đó là thông tin được chỉ ra tại Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa được công bố ngày 10/5. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” trong PAPI 2021 lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.
Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên. Tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế của người dân tăng mạnh từ 2% lên 23%.
Bà Caltlln Wlesen, đại diện thường trú UNDP Việt Nam - đơn vị thực hiện PAPI cho biết, tỉ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021. Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỉ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải “chung chi” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ.
Yếu tố “Trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp.
“Những phát hiện từ Báo cáo PAPI 2021 thể hiện tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng, số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022. Đặc biệt, dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm”, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.”