Cố Chủ tịch Samsung: '1 thiên tài có thể nuôi sống 100.000 người'
Ông Lee Kun Hee là một thiên tài lãnh đạo và quản trị kinh doanh, người đã đưa tập đoàn trở thành một gã khổng lồ toàn cầu.
Ngày 25/10 vừa qua, Samsung đã thông báo Chủ tịch Lee Kun Hee vừa qua đời tại Seoul, hưởng thọ 78 tuổi. Ông Lee là một thiên tài lãnh đạo và quản trị kinh doanh, người đã đưa tập đoàn trở thành một gã khổng lồ toàn cầu.
Khi còn sống, ông đã có nhiều câu nói đáng chú ý về vấn đề kinh doanh. Dưới đây là một số câu nói nổi tiếng nhất của vị cố Chủ tịch:
"Một thiên tài có thể nuôi sống 100.000 người"
Ông Lee đưa ra nhận xét này trước giới truyền thông Hàn Quốc năm 2003. Ông không phải là người ủng hộ chủ nghĩa tinh hoa dù đánh giá cao những người có khả năng đạt được những phát minh và đổi mới công nghệ đột phá. Để tìm ra "thiên tài" trong đám đông, ông đã thiết lập vững chắc một hệ thống nhân sự dựa trên thành tích thay cho quản lý dựa trên thâm niên.
Ông từng nói: "Hàn Quốc là một xã hội lấy nam giới làm trung tâm hơn các quốc gia khác. Việc đó giống như một chiếc xe đạp thiếu mất một bánh xe. Nguồn nhân lực đang bị lãng phí". Ông Lee là một trong những nhà lãnh đạo hiếm hoi ở xứ sở kim chi thúc đẩy việc trao quyền cho nữ giới.
"Thay đổi tất cả trừ vợ con bạn"
Ông Lee tiếp quản tập đoàn Samsung với tư cách là Chủ tịch vào năm 1987. Thời điểm đó, ông luôn cảm thấy mất kiên nhẫn và thất vọng do sự kiểm soát chất lượng lỏng lẻo tại công ty.
Tập hợp các giám đốc cấp dưới tại Frankfurt, Đức năm 1993, ông Lee đã chỉ ra những giới hạn trong mô hình kinh doanh của Samsung và một trong số đó là theo đuổi số lượng chứ không phải chất lượng.
Ông nói: "Hãy thay đổi tất cả trừ vợ con bạn". Đây là lời thúc giục cải cách đem lại hiệu quả mạnh mẽ trong nội bộ tập đoàn và sau này trở thành câu nói truyền cảm hứng bậc nhất của ông Lee.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng, ông Lee cũng nói rằng sự kém chất lượng là "một căn bệnh ung thư di căn trên toàn bộ cơ thể và có thể dẫn đến tử vong trong từ 3-5 năm trừ khi nó được loại bỏ ngay từ giai đoạn đầu. Số lượng có thể được hy sinh vì lợi ích của chất lượng".
Nhờ không ngừng thúc đẩy nhân viên nhận ra tầm quan trọng của chất lượng, ông Lee đã đưa Samsung trở thành một đế chế lớn mạnh như ngày nay.
"Sáng tạo trong lĩnh vực phần mềm sẽ là chìa khóa của sự cạnh tranh trong thế kỷ 21"
Samsung đã vượt qua nhiều công ty Nhật Bản trên thị trường và vươn lên dẫn đầu với tư cách là nhà sản xuất thiết bị điện tử vào giữa những năm 1990. Ông Lee từng nói: "Trí tuệ là tài sản sẽ quyết định giá trị của các công ty trong thế kỷ 21. Một thời đại mới sẽ đến khi họ bán triết lý và văn hóa chứ không đơn thuần là sản phẩm".
Do đó, ông Lee đã chuyển ưu tiên kinh doanh của Samsung sang bằng sáng chế và thiết kế công nghệ. Đẩy mạnh đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và phát triển, sự thay đổi chiến lược này đã mở đường cho Samsung trở thành nhà sản xuất TV, điện thoại di động, điện thoại thông minh và các sản phẩm tiên tiến khác lớn nhất thế giới.
"Các doanh nghiệp và sản phẩm hàng đầu hiện nay sẽ biến mất trong vòng 10 năm"
Vị cố Chủ tịch đưa ra dự đoán này khi trở lại quản lý Samsung vào năm 2010 sau một thời gian ngắn vắng mặt vì bị kết án trốn thuế. Ông đã liên tục cảnh báo để chống lại sự tự phụ trong nội bộ Samsung khi hãng này vươn ra thế giới với tư cách là nhà sản xuất TV, chip nhớ và các thiết bị điện tử khác lớn nhất thế giới.
Thời điểm này, ông nói rằng y học sinh học, quang điện, pin xe điện, điốt phát quang và thiết bị y tế là những mảng kinh doanh cốt lõi thế hệ tiếp theo của Samsung. Tập đoàn đã phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm sinh học với công ty con Samsung Biologics đứng thứ 5 về giá trị vốn hóa thị trường tại Hàn Quốc.