Có căn cứ thẩm tra nếu cán bộ giàu lên bất thường?
Nhiều địa phương đang tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Phóng viên báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) liên quan việc công khai và kê khai tài sản, đặc biệt là cơ chế xác minh nếu cán bộ bị phát hiện giàu lên bất thường hiện nay.
Đánh giá của ông về công tác kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ công chức và những người trong diện phải kê khai tài sản hiện nay, thưa ông?
Vấn đề về kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập chúng ta đã thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 từ năm 2019. Thời gian qua do dịch COVID-19 nên có những khó khăn nhưng hiện nay các địa phương đang triển khai. Thanh tra Chính phủ đã có hướng dẫn rồi các cơ quan Đảng cũng có văn bản quy định để việc kiểm soát tài sản, thu nhập đi vào nề nếp.
Nếu tất cả khoản thu nhập được theo dõi, kiểm soát bởi cơ quan thuế, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những người trong diện phải kê khai sẽ dễ dàng hơn.
Thực tế hiện nay chúng ta đang triển khai các văn bản đó và khá đồng đều ở nhiều nơi. Qua quá trình triển khai, các địa phương và bộ, ngành cũng có nhiều thông tin trao đổi để thực hiện đúng quy định, tinh thần của luật pháp. Tuy nhiên, vẫn có nội dung được phản ánh gặp khó khăn, có thể do cách hiểu khác nhau vì các quy định của luật cũng chưa rõ ràng. Qua thực tiễn cũng có những điểm còn vướng mắc.
Ảnh minh họa |
Cho nên, hiện nay cùng với các địa phương, bộ, ngành triển khai, công tác tuyên truyền phổ biến hướng dẫn rất là quan trọng. Khắp nơi tổ chức các hội nghị vừa là phổ biến, hướng dẫn, trao đổi nhưng bản thân các cơ quan nhà nước như Thanh tra Chính phủ cũng vừa chủ động, sẵn sàng tiếp nhận các thông tin trả lời đồng thời qua đó tổng hợp các nội dung vướng mắc có tính chất phổ biến, cần thiết phải có hướng dẫn thêm để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Mặc dù vậy, công việc này có lẽ cần nhiều thời gian.
Những tỉnh, thành phố nào triển khai tốt và chưa tốt việc kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện phải thực hiện, thưa ông?
Hiện nay chúng ta mới triển khai, đều bắt đầu cả. Có nơi làm nhiều, làm ít vì do năng lực, do thời gian mỗi nơi khác nhau. Nhưng về cơ bản tôi đánh giá các nơi đều nghiêm túc trong việc triển khai. Ví dụ, vừa rồi Thanh tra Chính phủ có đề nghị phải có kế hoạch xác minh hằng năm. Mặc dù thời gian rất ngắn nhưng các nơi đều triển khai nghiêm túc. Ngày 20/7 vừa rồi các tỉnh thành đều đã có kế hoạch phê duyệt gửi Thanh tra Chính phủ. Còn vướng mắc, khó khăn thủ tục, nhiều nơi đã phản ánh kịp thời và Thanh tra Chính phủ cũng trả lời để triển khai tốt.
Nhiều cán bộ công chức, viên chức giàu lên bất thường, ông đánh giá thế nào về thu nhập của những cán bộ này?
Cán bộ công chức, viên chức hoặc người có chức quyền có thể có thêm khoản thu nhập từ tham gia làm công việc thêm hoặc từ các khoản đầu tư khác như chứng khoán... Chính vì thế, đối với vấn đề thu nhập ở Việt Nam,chúng ta đánh giá phải rất cụ thể.
Qua kiểm soát, theo dõi, có những trường hợp rõ ràng chúng ta thấy các hoạt động không có gì nhưng tài sản giàu lên bất thường thì cũng là một nội dung để cùng với sự phản ánh, tố cáo của người dân, là cơ sở để tiến hành thẩm tra, xác minh đánh giá. Tuy nhiên không phải ngay một lúc chúng ta có thể đánh giá người A, người B có những tài sản bất minh được, bởi vì nền quản trị của chúng ta chưa tốt và cơ hội làm giàu ở Việt Nam rất nhiều.
Trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là phải theo dõi sự biến động này. Mặc dù vậy, chúng ta phải làm từng bước. Cần phải tăng cường hệ thống quản trị, đặc biệt là thuế. Nếu tất cả khoản thu nhập được theo dõi, kiểm soát bởi cơ quan thuế, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những người trong diện phải kê khai sẽ dễ dàng hơn.