CNBC: Thế giới sẽ mất 40 tỷ USD vì đại dịch Corona
Theo thông báo từ Tổ chức y tế thế giới (WHO), dịch Corona sẽ là đại dịch đầu tiên trong kỷ nguyên mới tạo nên cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế mà còn có thể tác động đến địa chính trị.
Báo cáo của WHO cho thấy dù chưa đo lường hết được hậu quả cũng như ảnh hưởng của đại dịch Corona nhưng rõ ràng chúng đang gây tác động cực xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới và là một trong những mắt xích chủ chốt của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tính đến ngày 3/2/2020, hơn 17.000 người trên toàn cầu đã nhiễm Corona với 362 người thiệt mạng. Đây là đại dịch đầu tiên lây trực tiếp từ người sang người bị báo động đỏ tại Mỹ. Chính quyền Washington cũng đã phải đưa ra cảnh báo không nên đến bất kỳ địa điểm nào tại Trung Quốc trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một động thái gần như chưa từng có trong lịch sử y tế Mỹ.
Giờ đây, đại dịch Corona khiến mọi người chẳng quan tâm mấy đến việc Anh đã chính thức rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Câu chuyện luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chẳng hấp dẫn giới truyền thông bằng số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc.
Dù chưa có một báo cáo đo lường chính xác nào nhưng các nhà đầu tư và chuyên gia đều đồng ý kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu chắc chắn sẽ có một khởi đầu tệ năm 2020. Trong khi sức nóng chiến tranh thương mại mới tạm dịu thì khủng hoảng dịch bệnh đã khiến một nửa cỗ máy kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng do tạm ngừng hoạt động nhằm phòng chống dịch.
Tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã mất hơn 600 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2019.
Đối với Trung Quốc, đại dịch Corona chả khác nào một thông tin tiêu cực nữa cho nền kinh tế đã vốn giảm tốc. Trong khi các doanh nghiệp đua nhau rời bỏ quốc gia này nhằm tránh chiến tranh thương mại thì virus Corona chỉ khiến tiến trình đó diễn ra nhanh hơn.
Đối với các nhà đầu tư, những hy vọng le lói khi Mỹ-Trung đạt thỏa thuận sơ bộ vòng 1 về thương mại đã bị dập tắt bởi khủng hoảng dịch bệnh. Các thị trường hàng hóa như dầu hay đồng đầu giảm điểm tới 2 con số, trong khi một loạt thị trường chứng khoán mới nổi thấp điểm do lo sợ đại dịch Corona.
Theo nhiều dự đoán, nếu tình hình tiếp tục tồi tệ trong vài tháng tới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ mất khoảng 2 điểm phần trăm tăng trưởng xuống chỉ còn 4% hoặc thậm chí thấp hơn nữa. Tăng trưởng quý I/2020 của nước này có thể chỉ đạt 2% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vài chục năm qua và thấp hơn nhiều so với mức 6% của quý IV/2019.
Trong khi đó, các dự đoán cho thấy thế giới có thể mất 40 tỷ USD và 0,1% GDP vì dịch Corona. Nguyên nhân chính vẫn là do Trung Quốc khi nền kinh tế này đóng góp tới 16% GDP toàn cầu và 1/3 tăng trưởng của thế giới vốn đến từ Trung Quốc.
Chịu ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là ngành du lịch khi Trung Quốc có tới 163 triệu du khách năm 2018 và chiếm 1/3 doanh số bán lẻ du lịch toàn cầu. Ví dụ như Thái Lan đã phải giảm mức GDP dự báo năm 2020 xuống do ngành du lịch có khả năng mất tới 1,6 tỷ USD vì ít du khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất đối với Trung Quốc có lẽ không phải kinh tế mà là hình ảnh của chính phủ. Nền kinh tế có thể dần phục hồi bất kể thời gian dài ngắn nhưng phản ứng chậm và không hiệu quả từ chính phủ có thể tạo nên sự mất uy tín dài hạn trong xã hội.
#ICT_anti_nCoV