Chuyện về những y, bác sĩ 'thần kinh thép' tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng
Chữa bệnh cho người tỉnh đã khó, điều trị cho bệnh nhân tâm thần càng nhọc nhằn gấp bội. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết nỗi vất vả, hiểm nguy và cả sự hy sinh thầm lặng mà các y bác sĩ đang ngày đêm đối mặt với những phận đời sống trong 'cõi riêng' ít ai hiểu được.
“Tôi đã nhiều lần bị bệnh nhân giật tóc, cào xé hay tấn công bất ngờ”
Một buổi chiều cuối tháng 2, những cơn mưa trái mùa khiến cho bầu trời trở nên ảm đạm hơn. Theo chân nữ điều dưỡng Trương Thị Cẩm Oanh (SN 1984, quê Quảng Nam), chúng tôi có dịp đến thăm các bệnh nhân và y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Thấy "khách lạ" đến thăm, nhiều người vẫy tay chào, miệng gọi tên Hồng, Liên, Tình… nào đó một cách vô thức. Có bệnh nhân đầu tóc bù xù, đi đi, lại lại trong hành lang với ánh mắt vô hồn; một số thì chạy đến cười khanh khách xin thuốc lá, bánh kẹo, còn người lại sợ phủ chăn kín đầu giả vờ đang ngủ say.
Thỉnh thoảng, từ một góc lại vang lên tiếng cười điên dại, hay tiếng la hét của một số bệnh nhân nặng đang được cố định trên giường, khiến cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi không khỏi bàng hoàng.
Ngạc nhiên khi thấy một cô gái trẻ với thần thái sáng sủa, đang ngồi nhấp nhổm trên ghế đá, hát nghêu ngao, tôi chợt buột miệng: "Vào đây rồi mà vẫn yêu đời quá nhỉ!". Nữ điều dưỡng Oanh liền giải thích: "Đó là Cẩm T, bị hưng cảm, là một dạng rối loạn của cảm xúc. Em ấy có thể nói chuyện và hát chục bài mỗi ngày và lúc nào cũng hưng phấn như thế".
Nói rồi, Oanh tiếp tục dẫn tôi "tham quan" khu điều trị nội trú nữ, vừa đi chị vừa chia sẻ thêm, bệnh nhân T (SN 1998) vốn là cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. T tốt nghiệp bằng Giỏi, rất giỏi tiếng Anh và từng có việc làm ổn định... Ngoài những lúc phát bệnh thì em ấy trông không có vẻ gì là "điên" cả và thỉnh thoảng còn giúp đỡ, chăm sóc cho các bệnh nhân nặng khác.
Hơn 14 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, chị Oanh vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng của ngày đầu bước chân vào đây. Khi ấy, chị vừa tốt nghiệp ngành điều dưỡng, trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Tận mắt chứng kiến các bệnh nhân đang trong trạng thái kích động, chị không khỏi hoảng sợ. Thế nhưng, cảm giác ấy qua đi rất nhanh, chị đã mau chóng làm quen với công việc của mình.
Theo chị Oanh, ngoài bẩm sinh, đa số bệnh nhân sau khi trải qua những sang chấn nặng do áp lực cuộc sống, cú sốc tình cảm, công việc, học hành hay bị tai nạn chấn thương,… khiến họ lạc vào "thế giới của người điên". Trong cơn "lúc tỉnh, lúc mê, họ dễ xúc động, nóng nảy và rất manh động. Do đó, việc y bác sĩ ở đây bị bệnh nhân đánh, chửi bới đã là điều bình thường như cơm bữa.
"Tôi đã nhiều lần bị bệnh nhân giật tóc, cào xé hay tấn công bất ngờ. Nhưng giờ thì có kinh nghiệm rồi, đi lại trong này, mắt và tai phải hoạt động tối đa. Chỉ cần nghe tiếng chân thình thịch, gấp gáp là phải vội né ngay kẻo trúng đòn. Khi lên cơn, bệnh nhân rất hung dữ, nhưng khi dứt cơn là họ lại hiền như cục đất", chị Oanh bộc bạch.
Những lúc tỉnh táo, các bệnh nhân tâm thần thường chăm sóc cho nhau.
Cũng theo chị Oanh, làm việc tại đây, điều khiến chị lo lắng nhất là theo dõi bệnh nhân bị trầm cảm. Bởi, những người mắc bệnh này rất ít nói chuyện và thường có ý nghĩ tiêu cực.
"Các điều dưỡng và bác sĩ ở đây đã từng nhiều lần cứu sống bệnh nhân tự tử. Bản thân tôi lúc đó mới ra trường, cũng bị ám ảnh rất nhiều khi nửa đêm thấy một bệnh nhân dùng quần áo cột lên cửa sổ để tự tử, may mà kịp thời phát hiện được…", chị Oanh tâm sự.
Bị bệnh nhân đánh gãy tay, tấn công bằng kim tiêm
Tại bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, "nguy hiểm" nhất chính là khoa Cai nghiện chất. Nơi đây hiện đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân nam bị hoang tưởng ảo giác, mất kiểm soát hành vi do nghiện rượu bia, ma túy.
Nhiều năm gắn bó với "người điên", số lần điều dưỡng Lê Thị Tha (SN 1967) bị bệnh nhân tấn công không thể đếm xuể, nhẹ thì bị xé quần áo, nặng thì bị chấn thương đầu, gãy tay…
Nhớ lại những lần ám ảnh và đáng sợ nhất, cô Tha kể, ngày đó, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng mới thực hiện Quyết định 901 của UBND Thành phố. Nửa đêm giá rét, khoa tiếp nhận một trường hợp phê ma túy, gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Các bác sĩ nhanh chóng phối hợp với công an, sử dụng thuốc cắt cơn để thanh niên này tự hồi tỉnh.
Vài ngày sau, khi bệnh nhân bình tỉnh trở lại, người nhà được cho vào thăm; tuy nhiên trong số đó có bạn bè nghiện hút đã lén mang ma tuý vào. Khuya hôm đó, trong ca trực, cô Tha giật mình phát hiện bệnh nhân này đang ngồi chích ma tuý. Nữ điều dưỡng lập tức chạy vào can ngăn thì bị đối tượng dùng kim tiêm tấn công. Sau lần đó, cô Tha phải điều trị phơi nhiễm HIV suốt 20 ngày.
Nghề vất vả là thế và nhiều lúc còn bị bệnh nhân xem như "kẻ thù", nhưng khi được hỏi, hầu hết nhân viên y tế tại đây đều cho rằng "làm mãi cũng thành quen" và cảm thấy yêu thương, muốn gắn bó với công việc nhiều hơn.
"Mấy chục năm trong nghề, chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân và từng nhiều lần bị chính họ hành hung, tuy nhiên tôi không giận mà lại thấy thương, đồng cảm với sự bất hạnh của bệnh nhân và nỗi buồn tủi của thân nhân. Các anh, chị, em tại bệnh viện cũng luôn nhắc nhở nhau, chăm sóc bệnh nhân như chính những người thân của mình", điều dưỡng Tha chia sẻ.
Còn với Bác sĩ Lại Thị Thùy Nga thì trong suốt 34 năm gắn bó với nơi đây, những kỷ niệm về nghề nhiều vô kể, bản thân cô cũng chẳng thể nhớ hết. Tuy nhiên, có một sự việc khiến cô còn ám ảnh mãi đến bây giờ là một nam bệnh nhân trong lúc lên cơn đã tự hủy hoại bộ phận sinh dục của mình.
Cũng theo Bác sĩ Nga, những năm gần đây, người bị tâm thần do ma túy nhập viện ngày càng gia tăng. Đáng báo động là số lượng bệnh nhân "ngáo đá" đang trẻ hóa; nhiều thanh niên với lối sống buông thả, lún sâu vào chất gây nghiện để rồi bị ngộ độc ma túy, loạn thần và phải nhập viện trong tình trạng kích động dữ dội.
Nghe được lời cảm ơn của bệnh nhân là hạnh phúc
Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, tôi phần nào hiểu được tình cảm của những "người tỉnh" dành cho "người điên" nơi đây. Tất cả mọi sinh hoạt của bệnh nhân từ ăn uống, tắm giặt đến cắt tóc, bấm móng tay, chân và cả chuyện "đến tháng"… đều được các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ.
Cá biệt, nhiều bệnh nhân khi lên cơn, ngoài việc hò hét, đập phá thì còn phóng uế bữa bãi lên chăn chiếu, phòng ốc. Ngay sau đó cán bộ, nhân viên bệnh viện lại phải chia nhau lau dọn.
Mặc dù hung dữ khi lên cơn nhưng bệnh nhân tâm thần vẫn có những khoảng lặng khiến các y, bác sĩ ai nấy đều mủi lòng. Bởi, họ vẫn cảm nhận được cuộc sống trôi qua từ một lăng kính khác. Và trong cõi mê ấy, lúc chợt tỉnh, khát vọng lớn nhất với họ là về lại với cuộc sống bình thường.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Cửu Thanh, có một thực tế đáng buồn là người tâm thần thường phải chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng nên họ khát khao được trò chuyện, dù quen hay lạ. Do đó, tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, các bác sĩ, y tá thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ từng đặc điểm bệnh, hoàn cảnh của họ. Nhờ đó tạo được sự gần gũi, để bệnh nhân tin tưởng, trút cơn uất ức và giải tỏa sự bí bức trong lòng. Những cuộc chuyện trò thân mật, những lời hỏi thăm vừa là nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị, vừa là cách để giúp họ dần kết nối lại với xã hội.
"Thực ra, bệnh nhân tâm thần không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ, với những tiến bộ của y học hiện nay thì đã có các phương pháp chữa trị hiệu quả. Tuy nhiên, vòng tay đón nhận, sẻ chia của người thân và cả xã hội mới chính là phương thuốc thần diệu giúp họ sớm trở lại và hòa nhập với cuộc sống bình thường,…", Bác sĩ Thanh trăn trở.
Được biết, ngoài các biện pháp trị liệu, phục hồi chức năng để gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt; các y bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng còn thường xuyên giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, khi thì ít tiền mặt, khi thì đồ ăn thức uống hay những bộ quần áo cũ...
Các bệnh nhân phục hồi tốt sẽ được chuyển đến khoa phục hồi chức năng. Tại đây, họ sẽ được "thư giản" bằng những việc như học may vá, đan len...
Làm cái nghề đòi hỏi phải có "thần kinh thép" nên những thầy thuốc nơi đây đều có những câu chuyện buồn, vui khác nhau, mang theo nhiều trăn trở nhưng cũng có những niềm hạnh phúc rất đỗi giản đơn. Đó là khi được nghe hai tiếng "cảm ơn" của bệnh nhân và nhìn họ trở về với cuộc sống đời thường.
"Nghe lời cảm ơn của người bệnh tâm thần không dễ dàng gì. Chỉ khi khỏi bệnh, trước khi ra viện họ mới... đủ tỉnh táo để nói hai tiếng đó. Niềm hạnh phúc lúc ấy thật khó để diễn tả hết được!", bác sĩ Thanh trải lòng.