Hai câu đầu trong lời bài ca Nam Bộ nói về vẻ đẹp tỉnh Trà Vinh cũng đã miêu tả chính xác những điểm nổi bật nhất về đặc điểm kinh tế của mảnh đất này. Đó là đồng lúa xanh, sông nước và… hết.
Cách TP Hồ Chí Minh 200 cây số, Trà Vinh nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu, có diện tích 2.342 km2, trong đó 80% diện tích là đất nông nghiệp, kinh tế vì vậy, chủ yếu tập trung vào nông nghiệp với hai ngành chính là lúa nước và thủy sản.
Kinh tế thuần nông khiến Trà Vinh luôn nằm trong danh sách những tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Năm 2016, thu ngân sách địa phương đạt 1.850 tỉ đồng trong khi chi ngân sách Nhà nước đạt 7.822 tỉ đồng. Toàn tỉnh còn tới hơn 30 nghìn hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 11%, trong đó đồng bào Khmer chiếm tới 60%. Những khó khăn về kinh tế của một tỉnh vùng sâu vùng xa, đương nhiên, cũng kéo theo những yếu kém của hệ thống cở sở hạ tầng ít được đầu tư.
Mặc dù vậy, những khó khăn đó không ngăn được bước chân một Việt kiều Canada trở về quê hương lập nghiệp. Có bằng tiến sĩ khoa học, sở hữu trên 200 bằng sáng chế và một nhà máy sản xuất thiết bị in ấn tại Canada, nhưng ông Mỹ quyết định bỏ lại tất cả để về Trà Vinh đầu tư.
- "Tại sao ông lại chọn Trà Vinh?"
"Tôi nghĩ đó là vì tình yêu quê hương. Tên của tôi xuất phát từ nơi sinh ra: làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cái tên như một định mệnh gắn chặt tôi với mảnh đất này", tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, nhà sáng lập tập đoàn Mỹ Lan, chia sẻ.
Chuyện về nước của ông Mỹ, phải bắt đầu từ năm 1999, khi ông Mỹ đưa con gái về Việt Nam thăm quê. Nghe lời gợi ý của con, đầu năm 2000, ông mua một mảnh đất tại Bãi Sao, Phú Quốc, mở thử một quán cà phê lấy tên là Mỹ Lan, mục tiêu bắt sóng kinh doanh du lịch sắp đổ vào Việt Nam.
Kinh doanh được một thời gian, ông Mỹ nhận ra kinh doanh cà phê, du lịch là đúng xu hướng thị trường nhưng lại không hợp với sở trường của mình và cũng chưa "xứng tầm" với ý nghĩa phải đóng góp cho quê hương.
Thế là tới năm 2004, ông quyết định về khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh đầu tư 10 triệu USD xây dựng một nhà máy công nghệ in - chuyên ngành giúp ông thành danh tại IBM, Kodak rồi sau này là công ty riêng tại Canada.
Mang tiếng là khu công nghiệp, nhưng mảnh đất rộng 20ha ông Mỹ thuê thực chất chỉ là đất ruộng. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn ở khiến việc xây dựng nhà máy ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Về Việt Nam lại không quen đi xe máy, hàng ngày ông Mỹ phải đạp xe 5km từ khu công nghiệp Đức Long lên thị xã Trà Vinh (nay là thành phố) để email cho vợ con thông báo tình hình.
Chính những hành động khó hiểu này mà có người gọi ông Mỹ với biệt danh "Việt kiều té giếng" bởi bao nhiêu nơi tốt hơn ông không làm, lại chọn chốn "khỉ ho cò gáy" này để đổ tiền vào. Ông nghe xong, chỉ cười nghĩ, "đúng là té giếng, nhưng mà lỡ té giếng… dầu thì sao?"
Sự kết hợp giữa tư duy của một nhà khoa học và doanh nhân cho ông Mỹ khả năng "nhìn đời bằng con mắt khác". Với ông, Trà Vinh không chỉ gói gọn trong cụm từ "một vùng quê nghèo".
Nếu loại trừ yếu tố yêu quê hương, thì ông Mỹ cho rằng, nếu xét về vị trí địa lý, Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, cách biển 65 km, là nơi quanh năm không chịu bão lũ.
"Về giao thông, đường bộ đúng là cản trở nhưng yếu tố này có thể khắc phục trong tương lai. Còn về đường biển, chỉ cần ra khỏi biển Ba Động là thấy Singapore, thấy cả thế giới ngoài đó rồi", ông Mỹ cho hay.
Không rõ góc nhìn của ông Mỹ có quá lạc quan không. Nhưng sự kiên trì giúp ông tới năm 2006 khánh thành nhà máy chuyên ngành công nghệ in, máy rửa bản in, quang điện tử. Nhà máy sản xuất công nghệ vật liệu bản in CTP (computer – to – plate) mà ông đã được cấp bằng sáng chế, đăng ký bản quyền tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thành lập nhà máy công nghệ cao tại vùng đất thuần nông, nhưng về mặt nhân lực, ông Mỹ cũng không lo lắng. Bởi theo ông, mở một nhà máy công nghệ cao ở Trà Vinh hay Tp.HCM hay Hà Nội thì tình trạng khan hiếm nhân tài vẫn diễn ra.
"Nếu chịu đầu tư, nhân tài sẽ đến". Năm 2007, ông Mỹ kết hợp với Đại học Trà Vinh thành lập khoa Hóa học ứng dụng, làm trưởng khoa rồi mời các sinh viên ngay từ năm đầu tiên thực tập tại Mỹ Lan để làm quen. Mỹ Lan cũng dựa vào đây để bù đắp khoảng trống về nhân lực.
Tất nhiên, không phải việc gì ông Mỹ nghĩ và làm cũng suôn sẻ. "Ngoại trừ nguồn vốn không gặp khó khăn ra, còn tiến hành đầu tư cái gì tôi cũng gặp từ khổ đến… rất khổ", ông Mỹ nhớ lại.
Nguyên nhân là bởi, thời ông Mỹ về nước, cái tiếng "Việt kiều" không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tốt đẹp. Nhiều người có thái độ cảnh giác với ông và nói rằng Việt kiều về nước chỉ lo vơ vét, lừa đảo rồi "chuồn" mất. Rồi lĩnh vực in ấn mà ông Mỹ lựa chọn cũng là lĩnh vực nhạy cảm, được Nhà nước kiểm soát đặc biệt. Cái tên ban đầu là Công ty hóa chất Mỹ Lan cũng khiến nhiều người dị nghị, lo ngại gây ô nhiễm môi trường, và nhiều chuyện khác nữa.
Để thay đổi tư duy của mọi người, ông Mỹ chỉ có cách kiên trì, nhẫn nại chứng minh cho họ thấy bằng thành quả.
Sau khi công ty Mỹ Lan đi vào hoạt động ổn định, ông Mỹ lập thêm 2 công ty Sản xuật vật tư ngành in Mỹ Lan chuyên nghiên cứu phát triển bản in và công ty cổ phần Mylan Quang điện tử.
1 thập kỷ phát triển, đến nay mỗi năm tập đoàn Mỹ Lan sản xuất ra khoảng 10 triệu m2 bản in, phần lớn là xuất đi các nước. Riêng với thị trường trong nước, bản in CTP của Mỹ Lan chiếm khoảng 60% thị phần.
Để chứng minh mình tuân thủ chặt chẽ các quy định với môi trường, ngoài việc công bố chất lượng nước thải, ông phủ xanh 70% diện tích nhà máy. Năm 2016, doanh thu của Mỹ Lan vào khoảng 17 triệu USD.
Quan trọng hơn, sự xuất hiện của Mỹ Lan và nhà máy tại khu công nghiệp Long Đức 10 năm qua đã làm thay đổi diện mạo nơi đây, được gọi với một cái tên khá mĩ miều là "thung lũng quang điện tử".
"Ngày đầu tôi đến đây chưa có gì, nay nó đã trở thành một khu vực sầm uất, thay đổi cuộc sống cả một khu vực", ông Mỹ nhớ lại.
Thế nhưng, hành trình của vị tiến sĩ có cả trăm bằng sáng chế không dừng lại tại đây. Năm 2015, ông bất ngờ giao lại toàn bộ quyền quản lý công ty cho vợ. Ở tuổi 60, ngọn lửa khởi nghiệp lại bùng cháy trong ông. Mạnh mẽ.
Cách trung tâm thành phố Trà Vinh 3km, Cù Lao Long Trị nằm giữa dòng sông Cổ Chiên nơi ông Mỹ ở 3 tháng nay không có nước tưới cây. Nguyên nhân là bởi nước sông ở đây quá mặn.
Chứng kiến cảnh người dân thất bát vì hạn mặn, ông Mỹ thấy xót xa. Những trải nghiệm từ người bán kem trở thành một nhà khoa học, rồi một Tổng giám đốc giàu có đã cho ông nhiều bài học quý báu về ý nghĩa của cái nghèo và ham muốn thoát nghèo.
Quê hương của ông được thiên nhiên trời phú tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy đồng nhưng vẫn nghèo khổ. Nếu muốn thay đổi, phải thay đổi từ đây.
"Chỉ còn một cách duy nhất là phải ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp bà con nông dân giữ được an ninh, an toàn thực phẩm", ông Mỹ suy nghĩ.
Tư duy "đổi góc nhìn" của vị tiến sĩ khoa học một lần nữa được áp dụng. Ông cho rằng, đây chính là cơ hội để những doanh nghiệp công nghệ tham gia vào để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ, vốn đều đang gặp vấn đề.
Cá nhân ông Mỹ nhìn ra rất nhiều vấn đề đang tồn tại trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, trong lĩnh vực vật tư, bà con nông dân đều đang sử dụng quá liều lượng thuốc trừ sâu và phân bón. Trong lĩnh vực sản xuất, có tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, phí phạm lao động.
Trong lĩnh vực chế biến, 40% sản phẩm nông nghiệp, hàng tồn kho được xử lý không đúng quy trình. Trong lĩnh vực phân phối, hàng hóa được vận chuyển qua quá nhiều lớp trung gian dẫn tới tình trạng bị đội giá và thu nhập người nông dân bị cắt xén. Trong lĩnh vực tiêu thụ, nông sản qua quá nhiều kênh nhỏ lẽ dẫn tới việc không thể truy xuất được nguồn gốc.
Tham vọng của các dự án startup nông nghiệp của ông Mỹ đó là phải giải quyết được các bài toán trên. Nghĩ là làm, ông Mỹ quyết định tiến hành một lúc 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Cù Lao Long Trị. 3 dự án startup có tên Smart Fertilizer, Rynan Techonologies và Rynan Agrifoods.
Rynan là tên ghép từ chữ cái cuối cùng tên các thành viên trong gia đình ông gồm: Con trai Christopher, ông Thanh Mỹ, vợ ông bà Nhàn, con gái Christina và con trai Brian.
Hành trình làm đúng cái sai trong nông nghiệp của ông Mỹ bắt đầu. Trước hết, điều ông muốn làm là giải quyết hạn mặn đang diễn ra trên dòng sông Cổ Chiên. Rất bất ngờ, chỉ sau 1 ngày mang máy đi đo, ông và những thành viên Rynan đã nhanh chóng tìm ra "bí mật" của dòng sông này.
"Sông Cổ Chiên bị nhiễm mặn nhưng lại có vài giờ nước ngọt trong ngày như 5 giờ sáng, 1 giờ trưa, có khi một ngày có tới 3-4 tiếng có nước ngọt. Biết được điều này, tôi lập tức biểu ‘các cháu’ nghiên cứu phao quan trắc để báo cho nông dân biết khi nào nước sông ngọt để bà con có thể sử dụng được nước", ông Mỹ kể.
‘Các cháu’ là cụm từ ông Mỹ thường dùng để nói về nhân viên của mình, những người còn rất trẻ đang làm việc tại Rynan Technologies, những con người nhiệt huyết và sáng tạo. Những người mà theo ông, sẽ kế thừa công nghệ và tri thức để đưa Rynan phát triển mạnh mẽ hơn kể cả khi không có ông. "Trong số đó, có những cháu sẽ đóng vai trò cổ đông sáng lập", ông nói.
Để tiện cho bà con theo dõi, Rynan Technologies tạo ra một ứng dụng trên smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông.
Thông qua ứng dụng, các chỉ số như độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ PH sẽ được gửi lên hệ thống đám mây và trả kết quả về cho người dùng dứng dụng. Nhờ đó, nông dân có thể biết được khi nào độ mặn thấp hơn mức cho phép để bơm nước tưới tiêu.
Các sản phẩm khác liên quan đến điện toán đám mây trong dự án này là đồng hồ nước thông minh được ông Mỹ sáng chế và sản xuất ngay trong tầng hầm nhà mình.
Cứ thế, startup của ông Mỹ thành lập với mục tiêu giải quyết hàng loạt các bài toán cụ thể. Chẳng hạn, bài toán ông Mỹ cho rằng cần giải quyết nhất đó là bài toán về phân bón. Là người đứng ra lập chuyên ngành nước của đại học Trà Vinh, khi triển khai cho sinh viên đi lấy nước về phân tích, ông Mỹ phát hiện ra hầu hết nước đều bị ô nhiễm do phân bón.
"Phân đạm mang bón tan rất nhanh nên chỉ 40% được lúa hấp thụ, còn lại 60% đạm mất đi do bốc hơi, bị nước mưa trôi rửa. Phân lân, phân cali cũng vậy, mưa trôi xuống sông sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, bốc hơi lại sản sinh lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn giảm thiểu thiệt hại, phải có loại phân bón thông minh hơn", ông Mỹ cho biết.
Mất 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu tại nhiều quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel, Mỹ, Rynan mới tạo ra được loại phân bọc polymer và lớp vỏ nano 3 lớp bên ngoài giúp tan chậm và kiểm soát được lưu lượng hấp thụ.
Sau khi nghiên cứu thành công, ông Mỹ quyết định đầu tư 7 triệu USD để xây dựng nhà máy có công suất 20.000 tấn thành phẩm/năm ra thị trường. Dự kiến tháng 3 năm sau, nhà máy sẽ đi vào khánh thành và đạt doanh thu 12 triệu USD trong năm đầu tiên.
Chi phí đầu tư và nghiên cứu ban đầu rất cao trong khi thời điểm hoàn vẫn vẫn còn là dấu hỏi. Song ông Mỹ cũng không lo nghĩ nhiều.
"Khởi nghiệp hay startup theo nghĩa của người Mỹ, đó là có thể chấp nhận lỗ vài năm, nhưng đến điểm bùng phát thì sẽ tăng trưởng theo sỗ mũ. Để làm được điều này, ta phải có sản phẩm đột phá, nếu ta không làm thì không ai làm được.", ông Mỹ nói về 3 dự án mới của mình.
Dù sao, với cá nhân ông Mỹ, những quyết định của ông từ khi về nước đến nay, không mang nhiều động lực kinh tế. "Nếu vì tiền, tôi đã ở Canada vận hành công ty và cho thuê bằng sáng chế rồi", ông cười nói.
- "Ông sẽ còn muốn khởi nghiệp thêm bao lâu nữa?
Trí Thức Trẻ