Chuyện người Hà Nội giải cứu hàng chục tấn nông sản: "Hàng bán được, bà con Hải Dương mừng lắm"
Số tiền chị Thuỷ và bạn bè bán được tại điểm tập kết nông sản số 38 Giải Phóng sẽ được chuyển về chia theo số lượng người dân ở Hải Dương gửi bán.
Nông sản bán được, bà con Hải Dương vui lắm!
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch nhưng bị dồn ứ, không thể bán hay xuất khẩu ra nước ngoài được khiến người nông dân rơi vào cảnh khó khăn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.
Trước tình hình này, một số người đã đứng ra kêu gọi mọi người mua ủng hộ, gom các đơn và chuyển đến Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi, chị Ngô Thanh Thuỷ (ở 38 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, lý do chị gom nông sản từ Hải Dương mang về Hà Nội tiêu thụ là do nhìn thấy nông sản người dân ế hỏng, vất đi quá nhiều.
Đoàn thiện nguyện giúp người dân thu hoạch nông sản
Chứng nhận nông sản của người dân Hải Dương
"Khi ở Kinh Môn (Hải Dương), tôi đã tự bỏ tiền túi ra mua, giải cứu nông sản cho nông dân ở đây. Sau đó dùng số nông sản này tặng cho bệnh viện dã chiến. Từ đó, hợp tác xã ở Kinh Môn thấy ở Chí Linh nhiều nông sản không bán được quá đã giới thiệu liên hệ cho tôi.
Khi chúng tôi liên hệ, các bạn ở đầu cầu thiện nguyện Chí Linh đã đi đến từng hộ nhà dân hỗ trợ thu hoạch và thu mua rau củ. Tập hợp nông sản xong, lực lượng chức năng sẽ kiểm dịch, sát khuẩn rồi chúng tôi chở nông sản về đầu cầu thiện nguyện Hà Nội. Tại đây, chúng tôi đấu xe và bốc nông sản từ xe ở Hải Dương sang rồi chở về Giải Phóng, tiêu thụ cho bà con", chị Thuỷ nói.
Theo chị Thuỷ, từ hôm qua đến sáng nay, chị đã giúp người dân tiêu thụ được 30 tấn rau củ. "Trong sáng nay có 3 tấn cà rốt và 7 tấn cà chua, chúng tôi bán hết trong vòng hơn 3 tiếng. Trưa và chiều nay sẽ tiếp tục có nông sản đưa về và chúng tôi sẽ bán cho đến khi nào bà con ở dưới vùng dịch nói 'chúng tôi đã tạm ổn' mới dừng lại".
Rất đông người dân có mặt từ sáng sớm ngày 21/2 để mua nông sản
Nông sản được người dân bắt đầu mua nhiều từ 5h sáng, đến 8h 7 tấn cà chua đã được bán hết
"Tất cả nông sản ở đây bà con Hải Dương tin tưởng chúng tôi, giao cho chúng tôi bán. Sau khi bán được, hợp tác xã và các đầu cầu thiện nguyện chia tiền trả theo số lượng nông sản người dân gửi. Phải nói, khi thấy chúng tôi bán được hàng, người dân Hà Nội mua ủng hộ, bà con dưới đó mừng lắm", chị Thuỷ xúc động.
Mua nông sản không phải vì giá rẻ
Anh Nguyễn Văn Đức (38 tuổi, ở Đống Đa) 2 lần chạy xe lên mua ủng hộ nhưng nông sản đã hết. "Đây là lần thứ 2 tôi quay trở lại, tưởng rằng, sẽ có hàng đến tiếp, nhưng không ngờ hết sạch rồi".
Không chỉ anh Đức, nhiều người dân khác cũng đã chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thu mua hộ bà con nhưng nông sản được người dân mua quá nhanh.
Nhiều người đến mua phải quay về vì hết nông sản
Ông Lê Thuyến mua ủng hộ 20kg cà chua
Vừa chở sọt cà chua ra khỏi điểm tập kết, ông Lê Thuyến cho biết: "Tôi mua 20kg cà chua về để ăn cũng như chia cho hàng xóm. Đây cũng là tấm lòng tôi dành cho người nông dân ở Hải Dương bởi khi xem thông tin trên báo, đau xót lắm".
"Hôm qua tôi có ra đây mua ủng hộ nhưng hết rồi, nay đi tập thể dục sớm nên tôi mua luôn. Thú thật, số cà chua này giá rẻ thật nhưng không vì nó rẻ mà tôi mua, hy vọng, sẽ có nhiều hơn người dân đến mua ủng hộ cho bà con Hải Dương", ông Thuyến nói thêm.
Chị Lưu Thanh Hà (quận Đống Đa) chia sẻ: "Nhà tôi mở cửa hàng bán bún riêu, khi thấy trên Facebook đăng tải thông tin giải cứu nông sản vùng dịch nên cũng ra mua. Tôi thấy giá bán ở đây quá rẻ so với mua ngoài chợ, lại bảo đảm vì chắc chắn là nông sản sạch chứ không phải hàng từ Trung Quốc. Đây là việc làm rất ý nghĩa, giúp cho bà con vùng dịch vớt vát lại chút vốn".
Được biết, nhiều người dân do đến mua đã hết hàng nên đợi đến trưa để mua các loại nông sản khác như: su hào, bắp cải... chuẩn bị được mang về.