Chuyện nghề sale: Hãy là người bán hàng có cảm xúc, nhưng đừng bán một cảm xúc nhất định cho mọi khách hàng

03/10/2017 15:32 PM | Kinh doanh

Điều quan trọng trong nghề bán hàng mà không nhiều người để ý, đó là ngoài việc bán sản phẩm ra, hãy bán cho khách hàng cảm xúc.

Bạn bán cho khách hàng cảm xúc thì chính cảm xúc đó sẽ quyết định giá bán sản phẩm của bạn. Trong câu chuyện về các nhân viên bán hàng thành công, họ thực tế cũng chỉ là một nhân viên bán hàng bình thường. Yếu tố nào khiến họ trở nên khác biệt so với phần còn lại? Đó là ngoài việc họ bán sản phẩm cho khách hàng thì họ còn bán cho khách hàng cả cảm xúc nữa, và nó khiến khách hàng mua sản phẩm của họ chứ không phải ai khác.

Hãy là người bán hàng phải có cảm xúc

Bạn có nhận ra là có rất nhiều nhân viên bán hàng hầu như không có cảm xúc khi bán hàng. Họ làm việc như một chiếc máy được lập trình sẵn. Với một kịch bản bán hàng nghèo nàn được hướng dẫn ban đầu, họ cứ như vậy lặp đi lặp lại. Có thể những người nhân viên đó vẫn bán được hàng. Nhưng họ lại khó có thể khai thác vị khách hàng đó và mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Người bán hàng thành công luôn nghĩ rằng họ có thể mang đến cho khách hàng nhiều giá trị hơn mà khách hàng mong đợi. Khách hàng vừa có được sản phẩm họ ưng ý vừa nhận thêm nhiều giá trị cảm xúc tích cực. Trong mỗi lần gặp khách hàng, họ luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn và điều đó khiến khách hàng cảm thấy phấn khích khi mua sản phẩm, dù giá trị có thể đắt hơn ở nơi khác.

Luôn tạo nên chất riêng của mình

Hãy học tập ưu điểm của các nhân viên bán hàng khác, trau dồi và tạo nên sự khác biệt từ đó. Nếu chịu khó quan sát đồng nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng đó chính là những người thầy trong lĩnh vực của bạn.

Quan sát nhân viên tài năng của công ty tư vấn khách hàng như thế nào, chốt đơn ra sao. Từ đó, rút ra kinh nghiệm và chỉnh sửa lại để phù hợp với mình. Khác biệt giúp bạn nổi bật hơn so với những người bán hàng cùng ngành khác, để khách hàng khi giới thiệu ai đó mua sản phẩm thì họ sẽ nhớ đến bạn đầu tiên.

Hãy cho mình một chút cảm xúc liều lĩnh

Khi bạn giỏi hơn, hãy tham gia những trò chơi lớn hơn. Bạn có sẵn sàng giới thiệu cho khách hàng một mẫu sản phẩm đắt tiền với khả năng từ chối cao. Không ít bạn cho rằng, bán được hàng là được rồi, tuy nhiên đối với nhân viên giỏi thì không. Họ thường chấp nhận mạo hiểm hơn, đương nhiên thành công của họ sẽ lớn hơn. Vậy nếu họ thất bại? Đơn giản họ sẽ tự rút ra bài học cho mình để lần tới họ có thể xử lý được tốt hơn. Vậy nên lời khuyên là hãy liều lĩnh hơn.

Không bán một cảm xúc nhất định cho mọi khách hàng

Mỗi khách hàng là một vũ trụ cảm xúc, và không có ai giống ai cả. Bạn cần phải trải nghiệm nghề nhiều, tiếp xúc với nhiều khách hàng để hiểu khách hàng hơn. Một kinh nghiệm đó là bạn nên có một cuốn sổ lưu thông tin khách hàng hoặc kinh nghiệm mà bạn học được, đó sẽ là ưu thế không thể bỏ qua.

Từ cuốn sổ này bạn có thể nhận ra được thói quen nhu cầu của khách hàng, giới tính đặc điểm cũng như sở thích của họ, từ đó khi mỗi khách hàng bước vào cửa hàng của bạn thì bạn dễ dàng lên phương án đón tiếp cũng như giới thiệu sản phẩm.

Trên đời này, thật chẳng có nghề nào là dễ dàng cả mà đặc biệt là nghề bán hàng, nếu bạn không thực sự chăm chỉ và cố gắng thì bạn sẽ rất khó để thành công. Edison đã từng nói, 1% là trí tuệ còn lại 99% là mồ hôi công sức. Nếu bạn không giỏi thì phải cần cù, nếu người khác làm việc 8h mỗi ngày thì lời khuyên là bạn phải làm 12-14h mỗi ngày. Khách hàng sống theo cảm xúc rất nhiều. Khi bạn làm chủ cảm xúc của mình thì bạn có thể bán cho khách hàng mọi thứ.

Lê Nhật Luân

Cùng chuyên mục
XEM