Chuyện lạ trên thị trường ôtô cuối năm

10/01/2021 10:53 AM | Kinh doanh

Thông thường tháng trước Tết nguyên đán là thời gian sôi động nhất của thị trường ôtô. Tuy nhiên, năm nay ngược lại, sức mua đang giảm hẳn

Khảo sát các đại lý ôtô tại TP HCM những ngày đầu năm mới cho thấy lượng khách đến tham quan, mua sắm đã giảm hẳn so với những tháng trước đó. Nguyên nhân khiến thị trường này giảm sút được các nhân viên bán hàng giải thích là do chính sách giảm 50% phí trước bạ đã hết hiệu lực.

Lượng khách giảm đến 50%

Thời điểm này, nhiều đại lý ôtô trở nên khá trống trải, chỉ trưng bày vài ba xe. Khách đến tham quan mua sắm cũng giảm mạnh. Theo nhận định từ các đại lý, lượng khách đến tham quan giảm đến 50% so với tháng trước. Trong đó, khá ít khách có nhu cầu mua. Nguyên nhân là trong tháng cuối năm vừa qua, khách hàng đặt mua xe tăng đáng kể do là tháng cuối cùng được hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước. Do đó, nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước được khách hàng đặt mua tăng khá mạnh, nhà máy không kịp giao hàng. Đại lý phải giúp khách hàng "chạy" thủ tục bằng cách làm bộ hồ sơ xe trước, nộp cho các cơ quan chức năng trong tháng 12-2020 để được hưởng chính sách giảm 50% phí trước bạ. Sau đó, xe từ nhà máy sẽ được chuyển về đại lý giao cho khách.

Ông Ngô Thanh Kỳ, phụ trách kinh doanh tại showroom ôtô ở quận 6, TP HCM, nhìn nhận: "Dù nhiều đại lý thiếu xe trưng bày trong thời điểm này nhưng khách hàng đã giảm rất mạnh vì trước đó, những người có nhu cầu cũng đã mua xe rồi. Vì vậy, các đại lý cũng không vội nhập xe về".

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam, cũng thừa nhận sức mua tăng cao trong những tháng vừa qua là nhờ vào chính sách giảm 50% phí trước bạ. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp cũng làm cho khách chi tiền mua ôtô nhiều hơn.

 Chuyện lạ trên thị trường ôtô cuối năm  - Ảnh 1.

Thị trường ôtô vắng vẻ trong những ngày trước Tết nguyên đán

Giải thích về tình trạng khan hiếm một số mẫu xe trên thị trường, ông Dũng cho rằng là do ảnh hưởng Covid-19 nên nhiều nhà máy trên thế giới bị đình trệ, linh kiện, phụ tùng nhập về gặp khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, từ tháng 3-2021, nguồn cung cấp trên thế giới sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) phân tích: Tình trạng thiếu xe chỉ rơi vào một số mẫu "hot", trong khi nhiều mẫu khác lại ế ẩm. Sức mua đang giảm khá mạnh, hiện chỉ còn những khách hàng "ngại" mua xe trong thời điểm cuối năm 2020 (vì sợ xe mất giá khi có nhu cầu bán lại) và chờ sang năm mới mua xe đời 2021. Nếu bán lại, xe mua đời 2021 sẽ có giá hơn xe năm 2020.

Đại diện Mercedes Benz Việt Nam cho biết hãng đang thiếu xe cho dòng GLC do nguồn linh kiện đặt thêm nhập từ Đức không đáp ứng kịp thời. Do đó, phải qua tháng này mới có xe cung cấp trở lại. Hiện nhiều mẫu xe của hãng này cũng đã tăng giá đáng kể như C300 tăng 10 triệu đồng, C300 AMG tăng 30 triệu đồng, GLC tăng từ 50-100 triệu đồng. Hãng này giải thích là từ ngày 1-1 hằng năm, Mercedes thường tăng giá bán do tỉ giá, lạm phát và kế hoạch kinh doanh chứ không phải do sức mua tăng.

Cắt nhiều ưu đãi

Hiện một số mẫu xe của các hãng trở nên khan hiếm. Khách mua phải đặt hàng trước và chờ hoặc chấp nhận chi thêm tiền để mua thêm phụ kiện. Các đại lý Toyota cũng đã cắt hầu hết ưu đãi cho khách mua xe thời điểm này. Người mua không còn được giảm giá vài chục triệu đồng/xe như trước đây, gói phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng cũng không còn. Khách mua xe Toyota Cross lúc này phải đặt hàng trước và đợi đến tháng 4 tới mới có xe.

Tương tự, Hyundai cũng không còn nhiều chính sách ưu đãi như trước đây. Mẫu xe "hot" của hãng này là Accent hiện không đủ hàng để bán, khách mua phải đặt cọc trước và được đại lý "hứa" sẽ giao xe trong tháng 1 cũng như không được ưu đãi gì. Bảng giá mới của Kia Cerato có mức điều chỉnh tăng khoảng 10 triệu đồng so tháng trước (tháng 11-2020 mẫu xe này cũng đã tăng 5 triệu đồng/chiếc). Khách mua xe Ford Everest vào thời điểm này cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ vì nguồn xe không còn nhiều như trước. Tương tự, xe bán tải Ford Ranger, chẳng những không có ưu đãi mà còn "bắt" người mua phải trang bị thêm gói phụ kiện hơn 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, một số mẫu của các hãng hiện vẫn tiếp tục triển khai nhiều ưu đãi vì nguồn xe còn khá nhiều. Chẳng hạn, khách mua xe Hyundai Santafe được giảm giá 50-60 triệu đồng, Elantra giảm khoảng 12 triệu đồng. Suzuki giảm giá cho hầu hết mẫu xe như Ertiga giảm 42 triệu đồng, Ciaz giảm 35 triệu đồng, XL7 và Swift giảm 25 triệu đồng. Ngoài việc giảm giá bằng tiền mặt, khách hàng còn được tặng quà hoặc phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng. Khách mua Peugeot 3008 được giảm ngay 120 triệu đồng, tặng thêm voucher 5 triệu đồng khi mua xe máy Peugeot Diango.

Các đại lý Nissan có chương trình giảm giá cho mẫu xe bán tải Navara, chính sách bảo hành lên đến 5 năm. Honda HR-V cũng đang giảm giá 60 triệu đồng tiền mặt, tặng thêm phụ kiện trị giá 10 triệu đồng. Mitsubishi Oulander cũng đang giảm giá từ 55-65 triệu đồng, chưa kể tặng phụ kiện trị giá cả chục triệu đồng.

Tuy không còn chính sách giảm 50% phí trước bạ từ nhà nước nhưng nhiều hãng xe vẫn đang thực hiện ưu đãi này. Chẳng hạn, hãng Volkswagen không chỉ giảm giá tiền mặt mà còn có chính sách miễn phí 100% phí trước bạ, tặng thêm phụ kiện, bảo hiểm. Honda tiếp tục ưu đãi miễn 50% phí trước bạ cho khách mua xe CR-V và tặng thêm cho khách một năm bảo hiểm thân xe. Khách mua các dòng xe C-Class, E-Class và S-Class của Mercedes từ nay đến hết ngày 28-2-2021 sẽ được hãng này tặng 50% phí trước bạ.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), dù gặp khó khăn do Covid-19 nhưng những tháng cuối năm 2020, sức tiêu thụ ôtô đã tăng mạnh hơn cả cùng kỳ năm trước đó. Theo đó, từ tháng 9-2020 sức mua ôtô đã bắt đầu tăng khá cao, đạt 27.252 xe, tăng 32% so với tháng trước, nếu so với cùng kỳ năm trước chỉ giảm nhẹ 2%. Sang tháng 10-2020, bán ra 33.254 xe, tăng 22% so với tháng trước (tức tăng hơn 6.000 xe) và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong tháng 11-2020, bán ra 36.359 chiếc, tăng 9% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM