Chuyện lạ ở những gia tộc giàu có nhất Đông Nam Á: Thế hệ trẻ không muốn kế nghiệp, mà tự đi lập nhóm khởi nghiệp
Có một nhóm nhà lãnh đạo trẻ tuổi tiếp theo đang giúp định hình nên tương lai của những gia tộc kinh doanh giàu có nhất Đông Nam Á.
Tờ CNBC đã trò chuyện với một số thanh niên trẻ như vậy và nhận thấy trong khi một vài người đang tập trung vào việc mang sự đổi mới cho chính hoạt động kinh doanh của gia đình thì một số khác lại chuyển hướng sang phát triển những doanh nghiệp của riêng mình.
Nararya Ciputra Sastrawinata là cháu trai của trùm bất động sản Indonesia Ciputra và trên cương vị Giám đốc Ciputra Group - anh đã phụ trách các dự án bất động sản của gia đình tại Jakarta trong suốt 8 năm.
Dẫu vậy vì được hưởng dòng máu kinh doanh của người ông, Nararya đã tự thành lập nên một quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình mang tên Indogen Capital cùng một số người bạn.
Anh nói rằng: "Tôi nghĩ mình cần phải chín chắn, có tinh thần doanh nhân và đổi mới hơn. Càng phát triển được nhiều sản phẩm bạn mới có thể mang lại nhiều cải tiến cho doanh nghiệp hơn”.
“Đó chính là lý do tôi quyết định khởi nghiệp cùng nhóm bạn, tạo lập quỹ đầu tư mạo hiểm bên ngoài việc tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình”.
Lionel Leong cũng chia sẻ câu chuyện giống như vậy. Cha anh là Leong Hoy Kum – một tỷ phú bất động sản người Malaysia. Là thế hệ thứ 2 của gia tộc, Leong hiện đang điều hành Mah Sing Group.
Bên cạnh đó, anh vẫn là đồng sáng lập RHL Ventures cùng Rachel Lau và Raja Hamzah Abidin – những người cũng là con cháu của những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Malaysia. Mục tiêu của họ là thu hút vốn bên ngoài và xây dựng công ty thành tổ chức đầu tư độc lập dẫn đầu Đông Nam Á.
Được sự ủng hộ của gia đình, Leong hiện vừa tham gia điều hành tập đoàn vừa làm việc tại quỹ đầu tư của riêng mình.
“Với startup việc sử dụng đồng vốn hiệu quả là vô cùng quan trọng. Vì thế nếu song song điều hành cả hai, tôi có thể áp dụng những nhân tố đó vào hoạt động của tập đoàn, dù chỉ 1 phần cũng có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền”, Leong nói.
Richie Eu là Tổng giám đốc phát triển chiến lược cho Eu Yan Sang International và anh đạo diện cho thế hệ thứ 5 của gia tộc.
Dù đang phấn khích với công việc kinh doanh bên ngoài nhưng Eu vẫn nghĩ rằng anh có thể “tạo ra những khác biệt đáng kể” cho đế chế kinh doanh 138 năm tuổi của gia tộc. Anh gia nhập công ty sau 4,5 năm làm việc tại một quỹ đầu tư tư nhân.
“Tôi đang tìm kiếm thế hệ thứ 6 và đó là động lực thôi thúc tôi. Có một điều tôi học hỏi được từ ông và bố của mình đó là luôn luôn phải đứng trên cương vị là người dẫn đầu. Tôi luôn bị ám ảnh với việc tìm kiếm nhân tài cho công ty bởi tôi muốn nó tồn tại được thật sự lâu”.
Một người trong số này đã có cách tiếp cận khác khác biệt là Yen Kuok – người con trẻ nhất trong gia tộc Kuok. Cha cô là Robert Kuok – người sở hữu đế chế kinh doanh khổng lồ gồm Shangri-La Hotels cũng như Wilmar International. Forbes hiện xếp hạng ông là người giàu nhất Malaysia với khối tài sản 12 tỷ USD.
“Là thế nối nghiệp của gia tộc” nhưng Yen quyết định sau khi học đại học tại Mỹ, cô không quay trở về tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.
“Rất nhiều anh chị em ruột lớn tuổi hơn tôi làm việc trong công ty. Tôi thật sự biết ơn và cảm thấy có chút may mắn vì là người trẻ nhất, tôi được tự do và lựa chọn niềm yêu thích của riêng mình. Nếu là anh cả, tôi sẽ cảm thấy áp lực hơn rất nhiều”.
Yen hiện là Nhà sáng lập và CEO của Guiltless – một website thương mại điện tử ra mắt vào tháng 5/2016. Dù ban đầu Yen vừa làm việc tại công ty của gia đình vừa điều hành Guiltless, Yen quyết định sẽ chỉ tập trung vào doanh nghiệp của mình thời điểm hiện tại.
"Giống như tục ngữ Trung Quốc từng nói, bạn không thể cố chèo 2 con thuyền chỉ bằng 1 đôi chân. Điều này rất đúng với điều hành doanh nghiệp. Với tôi, mong muốn lớn nhất là đưa Guiltless thành công trong tương lai bằng tất cả nỗ lực của mình".