Chuyện lạ ở Ấn Độ: Lắm thầy, nhiều lớp nhưng chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống
Ấn Độ nổi tiếng với môi trường giáo dục công nghệ, là cái nôi cho nhiều kỹ sư công nghệ giỏi trên thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nền giáo dục gần 1,4 triệu dân này cũng không hề nhỏ.
Tại một trường tiểu học ở bang Rajasthan-Ấn Độ, 50 học sinh trong 1 lớp học đang ngồi chơi chờ đến giờ nghỉ trưa trong lớp. Ngôi trường này có 3 giáo viên nhưng 1 người nghỉ ốm còn 1 giáo viên chính thì bỏ về vì có việc bận. Hệ quả là các học sinh ngồi trong lớp phải tự đánh vần những trang sách đầy khó khăn.
Trái ngược với khung cảnh trên, Giảng viên Rekha Gurjar của tổ chức từ thiện Pratham đã dạy những đứa trẻ rất chu đáo trong lớp học tầng trên.
Nghe thật nực cười nhưng một giáo viên từ thiện lại dạy học chăm chỉ và quan tâm đến học sinh hơn những giáo viên chính thức tại trường học Ấn Độ.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là số học sinh đi học ở Ấn Độ tăng đều qua các năm. Hiện quốc gia này có 260 triệu trẻ em đi học, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Số lượng tuyển sinh tăng đều trong suốt 20 năm qua do Đạo luật về quyền giáo dục buộc các em nhỏ phải đến trường cho đến năm 14 tuổi.
Dẫu vậy, hiệu quả học tập của trẻ em dưới 14 tuổi tại Ấn Độ là rất thấp. Số liệu của Pratham cho thấy một nửa số học sinh Ấn Độ dưới 10 tuổi không thể đọc được những bài văn xuôi đơn giản. Tồi tệ hơn, chỉ chưa đến 1/4 số học sinh biết cách tính nhân chia đơn giản.
Hiện chưa có một nghiên cứu cẩn thận nào giữa chất lượng giáo dục của Ấn Độ ảnh hưởng đến kinh tế ra sao, nhưng rõ ràng chất lượng học sinh sẽ quyết định mức lương cũng như tác động đến tăng trưởng kinh tế đất nước.
Hiện Ấn Độ vẫn từ chối tham gia vào Chương trình đánh giá chất lượng học sinh quốc tế (PISA) nhưng những học sinh 15 tuổi tại bang Himachal Pradesh và Tamil Nadu đã làm bài kiểm tra này trong năm 2009.
Kết quả bài kiểm tra cho thấy học sinh tại 2 bang này có trình độ chậm 5 năm so với các học sinh tại Thượng Hải hay những vùng có trình độ cao khác ở Đông Á. Chính phủ Ấn Độ cho rằng chính sự nghèo đói của bộ phận lớn người dân khiến các học sinh lười học, nhưng đây không phải tất cả nguyên nhân cho tình trạng trên.
Nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng giáo viên của Ấn Độ không thực sự tốt khi thường xuyên vắng mặt trên lớp. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/4 số giáo viên Ấn Độ thường xuyên không lên lớp vì các lý do đau ốm, bận việc riêng…
Xem xét về mức lương của các giáo viên, rõ ràng nghề làm thầy cô giáo không hề tệ khi họ được trả cao gấp 10 lần so với mức lương bình quân tại địa phương. Thậm chí nhiều trường hợp, ban tuyển dụng của trường nhận hối lộ cho các vị trí giáo viên trong trường bởi đây được coi là một nghề ổn định với nhiều người. Chế độ nghỉ phép của giáo viên cũng khá rộng rãi và ít khi được nhà trường quản lý chặt.
Nguyên nhân chính cho sự việc này là giáo viên cùng công đoàn của họ đóng vai trò rất lớn cho các chính trị gia. Họ là một lượng cử tri đông đảo cho các ứng cử viên và vì vậy, công đoàn giáo viên có quyền lực khá lớn để đảm bảo quyền lợi rộng rãi cho tầng lớp này.
Mặc dù vậy, nếu các giáo viên tại Ấn Độ coi nghề dạy học là một trách nhiệm hơn là sự nghiệp ổn định và có mặt đầy đủ thì cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu. Lý do là chất lượng của 17.000 giáo viên tại Ấn Độ không cao khi chỉ được đào tạo chuyên môn kém, chỉ một số giáo viên trong trường là được đào tạo trình độ cho quản lý lớp học, số còn lại hầu như chỉ theo học các khóa đào tạo ngắn hạn.
Trớ trêu thay, Đạo luật giáo dục bắt mỗi ngôi làng phải có một trường tiểu học trong vòng 1 km, nhưng việc đi học chỉ tốn công khi chất lượng giảng dạy kém. Hệ quả là khoảng 1/3 số trường tiểu học của Ấn Độ có chưa đến 50 học sinh và hơn 5.000 ngôi trường thậm chí chẳng có học sinh nào. Phần lớn mọi người đưa con em lên thành phố học tập, nơi có chất lượng giáo dục tốt hơn.
Số liệu chính thức cho thấy Ấn Độ chỉ đông học sinh hơn 35% so với Trung Quốc nhưng số trường học tại đây lại nhiều gấp 4 lần so với láng giềng Châu Á.
Lên lớp tự động
Theo Đạo luật giáo dục, các học sinh tiểu học ở Ấn Độ tự động lên lớp qua mỗi năm mà chẳng cần biết họ có học được gì hay không. Bởi vậy, các giáo viên chẳng mấy hứng thú quan tâm xem học sinh của họ có học bài hay không bởi đằng nào chúng cũng lên lớp.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy trình độ học sinh 12 tuổi trong môn toán của các khu vực nghèo tại New Delhi chậm hơn 2,5 lớp so với bình quân khu vực và con số này là 4,5 lớp cho học sinh 15 tuổi.
Bên cạnh những yếu tố trên, việc Ấn Độ đầu tư quá ít vào giáo dục là một nguyên nhân. Hàng năm nước này chỉ chi 2,7% GDP cho giáo dục, thấp hơn những nước đang phát triển như Brazil, khoảng 2/3 số lớp học tại đây thậm chí thiếu những cơ sở hạ tầng cơ bản như điện năng.
Số liệu của trường đại học London (UCL) cho thấy phần lớn những khoản ngân sách của chính phủ cho giáo dục không được chi hiệu quả khi đầu tư cho trường học tăng 80% trong khoảng 2011-2015 nhưng chất lượng điểm số lại đi xuống.
Tỷ lệ số trường có khoảng 50 học sinh trên tổng số tại Ấn Độ và số học sinh nhập học mới tại các trường công-tư (triệu người)
Giáo dục tại Ấn Độ được coi là trách nhiệm của cả chính phủ trung ương cũng như địa phương nhưng không một cơ quan nào chịu trách nhiệm về thành tích học tập của học sinh. Hơn nữa, kết quả học tập được thu thập bằng tay và dễ dàng chỉnh sửa, tạo nên nhiều bất cấp, tệ nạn trong ngành.
Trước tình hình này, chính phủ Ấn Độ đang có một số biện pháp để vải thiện tình hình như tăng đầu tư cho giáo dục, thuê thêm các giảng viên trình độ để phụ trợ cho học sinh. Dẫu vậy, phần lớn các chính sách này được áp dụng cho những vùng kinh tế phát triển hơn là những khu vực nghèo.
Những tổ chức từ thiện như Pratham cũng tham gia kêu gọi các giảng viên hoặc những người có trình độ tham gia giảng dạy cho các học sinh tiểu học. Hiện Pratham đang hoạt động tại khoảng 5.000 trường học trên toàn Ấn Độ.
Đối với các gia đình giàu có, những ngôi trường tư nhân giờ đây là lựa chọn ưu tiên cho các trường công. Khoảng 50% số học sinh thành phố và 1/5 số học sinh nông thôn tham gia các trường tư nhân. Trong khoảng 2010-2016, số học sinh nhập học trường công đã giảm 13 triệu người trong khi trường tư nhân nhiều hơn 17 triệu học sinh mới.