Chuyện lạ nhà hàng mất sao Michelin vẫn ‘bán chạy như tôm tươi’: Chỉ 53.000 đồng/suất giữa đất nước đắt đỏ bậc nhất châu Á, từng gây sốt khi tới Việt Nam
Không phải nhà hàng nào mất sao Michelin cũng giữ được lượng khách ổn định như thương hiệu này.
Cơm gà trứ danh đạt sao Michelin giá vẫn cực "hạt dẻ"
Đầu bếp gốc Malaysia Chan Hong Meng bắt đầu học việc tại một nhà hàng ở Hong Kong (Trung Quốc) khi mới 18 tuổi. Chan miệt mài rèn luyện tay nghề 2 thập kỷ trước khi mở gian hàng đầu tiên tên Hawker Chan của mình vào năm 2009. Gian hàng nằm trong Trung tâm ẩm thực khu phố Tàu ở Singapore.
Đầu bếp này chinh phục thực khách bằng món cơm gà Singapore với gà quay, cơm trộn gia vị và nước tương. Năm 2016, Chan trở nên nổi tiếng khi Hawker Chan trở thành một trong 3 quán ăn đường phố được trao sao Michelin danh giá - danh hiệu từng chỉ dành cho những nhà hàng cao cấp.
Truyền thông khi ấy gọi cơm gà trứ danh 2,25 USD (tương đương 53.000 đồng) của Chan là món ăn Michelin rẻ nhất thế giới. Khách hàng thậm chí còn phải xếp hàng từ 5 giờ sáng để thưởng thức món ăn của Chan Hong Meng.
Đầu bếp Chan Hong Meng. Ảnh: BI
Thực đơn của Hawker cũng khá đa dạng, không chỉ có cơm gà quay với nước sốt đặc biệt. Cửa hàng này mà còn có heo quay, một số loại rau xào, mầm đậu nành, đậu phụ sốt, hoành thánh…
“Tôi trở thành người nổi tiếng chỉ sau 1 đêm. Cả thế giới biết đến tôi và món tôi nấu. Đó là lúc giấc mơ thời thơ ấu của tôi trở thành hiện thực", người đầu bếp 56 tuổi chia sẻ.
Điều đặc biệt là đầu bếp Chan Hong Meng từng xuất hiện tại Việt Nam trong lễ hội Singapore tại Hà Nội năm 2019. Rất đông thực khách đã xếp hàng dài, thậm chí có người sẵn sàng đợi cả tiếng đồng hồ để thưởng thức món cơm gà 1 sao Michelin với giá cực kỳ phải chăng.
Gian hàng cơm gà Hawker Chan tại Lễ hội Singapore thu hút lượng lớn thực khách chờ mua. Ảnh: VOV
Mất sao Michelin, nhận chỉ trích vẫn bán chạy
Thế nhưng năm 2021, Hawker Chan đã mất sao Michelin và không còn trong danh sách Michelin Guide Singapore. Điều này là cú sốc lớn với nhiều thực khách sành ăn trên khắp thế giới nhưng với Chan thì không. Ông biết khoảng thời gian nổi tiếng của bản thân cuối cùng cũng sẽ kết thúc.
“Khi tôi mất đi danh hiệu, tôi vẫn lựa chọn không bỏ cuộc. Dù có sao Michelin hay không thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, tôi không cần tức giận hay khóc lóc làm gì”, Chan nói.
Chỉ một năm sau khi mất sao Michelin, một chi nhánh khác của Hawker Chan lọt danh sách Bib Gourmand (quán ăn ngon với giá cả phải chăng). “Bib Gourmand mang đến cho tôi động lực rằng những món ăn của tôi đang đi đúng hướng và không mất đi bản sắc riêng”, Chan Hong Meng cho biết.
Những đĩa cơm gà của Chan vẫn bán chạy như tôm tươi, có hàng chục chi nhánh nhượng quyền ở Singapore và 8 quốc gia khác, bao gồm Úc, Trung Quốc và Kazakhstan. Đầu bếp Chan ước tính các cửa hàng của ông phục vụ 1.000 lượt khách mỗi ngày và vẫn chưa hoàn thành việc mở rộng thương hiệu của mình. Chan Hong Meng dự kiến trong tháng 7/2023 sẽ sang Ấn Độ, mở một nhà hàng pop-up để thử nghiệm thị trường này.
“Tôi muốn mọi người tiếp tục ăn Hawker Chan, nhiều thế hệ và trên khắp thế giới”, Chan nói, đồng thời bày tỏ mong muốn “mọi người nghĩ đến cơm gà khi nhắc tới đồ ăn Singapore và nghĩ đến Hawker Chan khi nói tới cơm gà”.
Mì gà và cơm gà Hawker Chan. Ảnh: BI
Sau gần 40 năm làm việc trong ngành ẩm thực, đầu bếp Chan đã quá quen với những lời chỉ trích. Trong những năm gần đây, các nhà phê bình ẩm thực bàn luận về phong độ sụt giảm của đồ ăn Hawker Chan.
“Nếu bạn trực tiếp ăn món ông Chan nấu tại nhà hàng đầu tiên, bạn sẽ thấy đồ ăn vẫn ngon và giá rẻ. Nhưng những chi nhánh sau thì khá tệ, đắt đỏ và nói thật là không đạt tiêu chuẩn", Jeanette Lee, một tín đồ ẩm thực địa phương cho biết. KF Seetoh, chuyên gia ẩm thực người Singapore cũng không đánh giá cao đồ ăn tại các chi nhánh Hawker Chan.
Chan Hong Meng lên tiếng sau nhiều lời chỉ trích, rằng công thức và cách chế biến món ăn của ông bây giờ vẫn giống như khi nhận được sao Michelin đầu tiên cách đây vài năm.
“Tất cả thịt gà đều được làm tại chính nhà hàng, chỉ có nước sốt được làm ở nhà bếp lớn và phân phối đến các chi nhánh. Món ăn được chế biến vài giờ một lần, theo mẻ để đảm bảo độ tươi ngon”, Chan nói. “Luôn có nhiều ý kiến trái chiều, người khen người chê. Tôi vẫn sẵn sàng đón nhận mọi lời chỉ trích".
Trên thực tế, không phải nhà hàng nào mất sao Michelin cũng giữ được phong độ ổn định như Hawker Chan. Một khi bị Michelin hạ sao, danh tiếng của nhà hàng đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến như sự vụ pháp lý rắc rối hơn.
Năm 2019, bếp trưởng người Pháp Marc Veyrat khởi kiện Michelin sau khi nhà hàng La Maison des Bois của ông bị hạ từ 3 sao xuống còn 2 sao. Tuy thua kiện nhưng Veyrat là bếp trưởng đầu tiên đứng ra kêu gọi những tiêu chuẩn bí ẩn của Michelin cần công bố rõ ràng minh bạch.
Bếp trưởng người Hàn Quốc sở hữu nhà hàng Ristorante Eo được trao sao năm 2019 Eo Yun-gwon cũng đệ đơn khiếu nại hình sự vì “Michelin cố ý đưa tên nhà hàng của chúng tôi vào danh sách của họ trái với mong muốn” .
Theo BI