Chuyện ít người biết về căn biệt thự cổ 110 năm tuổi ở Hà Nội, có cả "sàn nhảy đầm" cho giới thượng lưu
Căn biệt thự cổ được cho là do cô ruột vua Bảo Đại xây dựng, có tổng diện tích khoảng 200m2/4 tầng, nổi bật với kiến trúc mái cung đình rồng phượng, được lợp ngói đủ viền xanh lục đặc trưng của văn hoá phương Đông thường chỉ có bậc vua chúa mới được phép trang trí.
"Dinh thự vua Bảo Đại" ẩn mình trong ngõ nhỏ giữa Hà Nội
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ tại dốc Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, có một căn biệt thự với kiến trúc độc đáo, xa hoa, nét cổ kính pha trộn giữa văn hoá phương Đông và Tây. Tòa nhà được cho rằng xây dựng cùng thời điểm Nhà hát Lớn vào năm 1911, đến nay đã 110 năm tuổi. Người dân quen gọi là dinh thự Bảo Đại, bởi theo họ, khi thoái vị, vua Bảo Đại từng lui tới biệt thự sinh sống.
Rẽ vào ngõ 186 Ngọc Hà, ngay lối bên phải, đi đến cuối đường, tòa biệt thự với sắc vàng xanh đặc trưng hiện lên đầy nguy nga và tráng lệ. Nếu không biết đường, bạn có thể hỏi bất kỳ người dân nào sống trong ngõ, họ sẽ chỉ ngay khi nghe đến cụm từ "dinh thự Bảo Đại".
"Dinh thự Bảo Đại" 110 năm tuổi ẩn mình trong lòng Hà Nội, có cả "sàn nhảy đầm" cho giới thượng lưu (Thực hiện: Minh Nhân)
Căn biệt thự nằm sâu trong con ngõ 186 Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội), có tổng diện tích khoảng 200m2/4 tầng
Kiến trúc mái cung đình rồng phượng đặc trưng của phương Đông. Đây là các hoạ tiết chỉ có bậc vua chúa mới được phép trang trí
Tòa dinh thự là công trình chính, lớn nhất trong 1 quần thể gồm 5 tòa biệt thự Pháp cổ nằm gần nhau ở ngay đầu làng Ngọc Hà
Dinh thự có vườn thượng uyển rộng hơn 300m2 ở phía trước với nhiều cây quý...
... được bao quanh bởi tường rào hình con rồng uốn lượn
Hệ thống mái ngói vẫn nguyên vẹn và không hề bị phai màu
Một người dân sống hơn 50 năm tại đây kể, căn biệt thự cổ do cô ruột của vua Bảo Đại xây dựng. Bà lấy chồng người Pháp và sinh sống tại Hà Nội, đã cho khởi công xây dựng dinh thự từ năm 1911.
Mỗi dịp ra Hà Nội, các thành viên trong hoàng tộc, gồm cả vua Bảo Đại, đều ghé dinh thự nghỉ ngơi. Đến những năm 1984-1985 con cháu của vua Bảo Đại từng về thăm lại căn nhà.
Sau này, căn biệt thự được chuyển làm nhà công vụ, phân cho các cán bộ cấp cao của Nhà nước về ở khi hoà bình lập lại. Người dân cho biết, mãi về sau, Nhà nước quyết định hóa giá, bán lại cho những người có nhu cầu.
Căn biệt thự chính này thuộc quần thể gồm 5 tòa biệt thự nằm gần nhau, kéo dài từ ngõ 170 đến hết ngõ 186 Ngọc Hà ngày nay, gồm cả sàn nhảy đầm, tòa nhà người làm, khu bếp,...
Ngoài khu nhà chính đến bây giờ vẫn được sử dụng, thì sàn nhảy đầm ở số 184 Ngọc Hà trước được thuê lại làm chỗ bán bia hơi hơn chục năm, nhưng do mong muốn gìn giữ những công trình cổ nên 2 năm trước quán bia này đã phải chuyển đi. Từ đó đến nay công trình vẫn khoá trái cửa.
Còn tòa nhà cho người làm, khu vực bếp, đều đã được người dân sửa sang, xây mới nhà cửa để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nhưng những họa tiết hoa văn nguyên dấu tích xưa như mái rồng uốn lượn bao quanh, vẫn được gìn giữ tới ngày nay.
"Người dân sống tại đây luôn truyền tai nhau khi được sống trên đất của vua chúa thời trước, nên một vài nhà vẫn giữ lại vành móng rồng bao quanh, xây cổng ngay phía bên dưới. Nhưng số khác lo sợ mất tính thẩm mỹ của ngôi nhà nên đã phá bỏ toàn bộ để xây lại. Nhìn công trình hàng trăm năm bị phá bỏ một phần, dù ít hay nhiều cũng đều tiếc nuối", một người dân nói.
Sàn nhảy đầm ở số 184 Ngọc Hà vẫn khoá trái cửa sau thời gian được thuê lại làm chỗ bán bia
Những căn nhà trong ngõ sau khi sửa lại vẫn giữ nhiều nét kiến trúc xưa như mái rồng uốn lượn bao quanh
Bảo tồn căn biệt thự 110 năm tuổi
Quay lại với căn biệt thự chính, hiện đã được một công ty thiết kế thuê lại, theo bản gốc đây là công trình lớn nhất trong quần thể, có riêng hẳn 1 vườn thượng uyển rộng hơn 300m2 ở phía trước với nhiều cây quý, được bao quanh bởi tường rào uốn lượn hình rồng (hay còn gọi là vành móng).
Căn biệt thự cổ có tổng diện tích khoảng 200m2/4 tầng, nổi bật với kiến trúc mái cung đình rồng phượng, được lợp ngói đủ viền xanh lục đặc trưng của văn hoá phương Đông thường chỉ có bậc vua chúa mới được phép trang trí.
Trái với nét cổ kính bên ngoài, nội thất bên trong hoàn toàn theo phong cách phương Tây với hệ thống sàn và cầu thang được làm bằng gỗ lim uốn lượn tinh tế, một số chỗ đã bị mài mòn.
Mỗi tầng của toà nhà được chia từ 3-5 phòng. Các phòng đều được lắp đặt lò sưởi, tủ âm tường bằng gỗ, trải qua trăm năm vẫn không bị mối mọt. Tường nhà được xây dày dặn, mùa hè vào thì mát, còn mùa đông ấm.
Công trình này gồm 3 tầng có nhiều hộ gia đình sinh sống, diện tích mặt sàn của mỗi hộ khoảng 200m2. Sau này một hộ gia đình ở tầng 3 có cơi nới thêm lên tầng 4, phần mái cổ giờ cũng không còn.
Mặt trước của tòa biệt thự chính, hiện vẫn được cho một công ty thiết kế thuê lại
Mái được lợp ngói đủ viền xanh lục đặc trưng của văn hoá phương Đông
Những ô cửa sổ màu xanh lá cây giữa nền tường vàng
Ô cửa sổ lớn là điểm nhấn chính trên lối cầu thang dẫn lên tầng 3
Đầu năm 2021, qua một người bạn giới thiệu, anh Hồ Hoàng Hải, doanh nhân, sống tại Hà Nội đã mua lại một phần của căn biệt thự, gồm một phần tầng 1, tầng 3 và 4. Trong đó tầng 3 có diện tích mặt sàn lớn nhất với 5 phòng ngủ, chưa kể các công trình phụ. Tầng 2 hiện là nơi ở của một hộ dân.
"Với một số tiền lớn, tôi có thể mua được một căn nhà hoàn chỉnh, đẹp và rộng hơn nhưng vì thích kiến trúc cổ nên quyết tâm mua bằng được biệt thự này", anh nói.
Theo anh Hải, bên trong dinh thự này từ xưa đã có hệ thống điện được đi ngầm trong tường, thậm chí có cả ổ điện âm sàn bằng đồng; máy bơm nước sản xuất tại Pháp đến giờ vẫn hoạt động; hệ thống thang máy đưa đồ ăn từ phòng bếp lên phòng ăn trên tầng 2; hệ thống cửa sổ, cửa ra vào dùng bản lề, thanh ray trượt giờ vẫn hoạt động trơn tru.
"Những người lớn tuổi sinh sống xung quanh biệt thự từ hàng chục năm trước kể công trình do cô ruột vua Bảo Đại xây dựng. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời nói truyền miệng, chưa được kiểm chứng", anh Hải cho hay.
Anh Hồ Duy Hải, chủ nhân hiện tại của tòa dinh thự
Lối lên tầng 2 của căn biệt thự
Cầu thang được làm bằng gỗ lim
Những bậc thang gỗ lim uốn lượn duyên dáng, tinh tế
Các phòng đều được lắp đặt lò sưởi, tủ âm tường bằng gỗ, trải qua trăm năm vẫn không bị mối mọt
Mỗi góc nhà đều mang đậm nét đẹp cổ xưa pha hiện đại
Máy bơm nước sản xuất tại Pháp đến giờ vẫn hoạt động
Trước khi được bán lại, một phần căn biệt thự anh Hải đang sở hữu từng là nơi dạy học, sau làm homestay cho khách nước ngoài, mức thu nhập tương đối ổn. Tuy nhiên do dịch bệnh nên đã đóng cửa và cho một công ty chuyên thiết kế nội thất thuê lại.
Anh Hải cho hay, nếu sắp tới có những chứng cứ về nguồn gốc của căn nhà anh mới quyết định sẽ cho thuê tiếp hay dừng hợp đồng và thực hiện các biện pháp bảo tồn cần thiết.
"Tôi hy vọng các nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, nhà quản lý hoặc những ai yêu mến và có kiến thức về các công trình biệt thự Pháp cổ hãy chia sẻ thêm những thông tin về công trình, để tôi và mọi người có tư liệu chính xác nhất", anh nói.