Chuyển hướng từ cho vay ồ ạt sang chọn lọc, nợ xấu của FE Credit đã bớt "xấu"?
Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit giảm và tỷ lệ xóa nợ cũng giảm. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay của FE Credit vẫn đạt 9,4%, mức cao so với thị trường.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước và Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của VPBank.
Rồng Việt cho biết, VPBank vẫn tiếp tục chiến lược tăng trưởng tập trung vào chất lượng và có chọn lọc theo định hướng đề ra hồi đầu năm, ngân hàng mẹ tiến hành tái cơ cấu lại phân khúc cho vay tiểu thương (CommCredit) nhằm ổn định nợ xấu của phân khúc này, mặc dù ngân hàng vẫn xác định đây sẽ là phân khúc trọng tâm về lâu dài.
Do vậy, tăng trưởng của ngân hàng mẹ chậm lại và FE Credit trở lại vai trò động lực tăng trưởng trong nửa đầu năm nay. Việc FE Credit duy trì được mở rộng cho vay tích cực đồng thời cải thiện được chất lượng tài sản có thể xem là dấu hiệu phục hồi của mảng này và dự kiến sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tổng thể trong giai đoạn tới. Dù vậy, Rồng Việt cho rằng mảng tài chính tiêu dùng vẫn cần lưu ý về rủi ro chính sách và triển vọng sắp tới sẽ còn phụ thuộc vào quy định chính thức của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát cho vay tiền mặt.
Mảng tài chính tiêu dùng cải thiện giúp giảm bớt gánh nặng dự phòng
Khác với các công ty tài chính tiêu dùng lớn khác hiện đang gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay, FE Credit vẫn tăng trưởng cho vay được 9,4% so với cùng kỳ (nếu không tính phần cho vay các tổ chức năm 2018 thì tăng trưởng là 17% so với đầu năm và 26% so với cùng kỳ). FE Credit cũng được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên gần 14%.
Trong khi cho vay mở rộng tích cực, Rồng Việt nhận định rằng, xu hướng hình thành nợ xấu của FE Credit đang có chiều hướng giảm trong nửa đầu năm.
Cụ thể, so với 6 tháng đầu 2018, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit giảm từ 6,4% còn 5,4% và tỷ lệ xóa nợ giảm từ 7,6% còn 6,3%. Nhờ đó, chi phí dự phòng của công ty chỉ tăng 12,9% so với cùng kỳ. Xu hướng này tích cực hơn so với kỳ vọng của Rồng Việt, nhất là khi xem xét cơ cấu tập trung vào cho vay tiền mặt của FE Credit.
Theo giải thích từ phía FE Credit, việc cho ra mắt ứng dụng cho vay tiêu dùng online, hợp tác với nhà mạng và công ty fin-tech, cũng như áp dụng hệ thống chấm điểm tín dụng mới đã giúp công ty mở rộng cho vay hiệu quả mà vẫn đảm bảo được chất lượng khoản vay.
Điều này cho thấy chiến lược tăng trưởng chất lượng trong năm 2019 đã có hiệu quả. Cách đây một năm, khi VPBank tăng thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin - NIM) đáng kể (từ 8,8% lên 9,4%) cũng là lúc tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng mạnh và tỷ lệ dự phòng giảm mạnh. Tuy nhiên, trong một năm gần đây, VPBank liên tục giảm tỷ lệ nợ xấu và cải thiện tỷ lệ dự phòng trong khi giữ NIM không đổi.
Nhờ vậy, gánh nặng chi phí dự phòng hợp nhất nhẹ bớt với tỷ trọng so với thu nhập hoạt động giảm từ 40% còn 38%, bù đắp cho mức tăng trưởng tương ứng của chi phí hoạt động. Nhờ đó, tỷ trọng lợi nhuận trước thuế so với thu nhập hoạt động được giữ ở mức 26%, không đổi so với cùng kỳ.
Đối với nợ đã bán cho VAMC, ngân hàng cũng đã xử lý được khoảng 1,8 nghìn tỷ và đưa số dư mệnh giá trái phiếu VAMC về còn khoảng 1,5 nghìn tỷ. VPBank giữ nguyên kế hoạch sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm nay và dự kiến trích lập chi phí dự phòng cả năm sẽ đạt 10-11 nghìn tỷ, trong đó chi phí của ngân hàng mẹ khoảng 4,3 nghìn tỷ.
Nguồn: VPB, CTCK Rồng Việt. Ghi chú: không tính lợi nhuận bất thường.
Tỷ lệ an toàn vốn vẫn được đảm bảo với CAR theo Basel 2 gần như không đổi so với năm 2018 ở mức 11,2% (CAR theo thông tư 36 là 12,3%). Hệ số Vốn cấp 1 khá sát với CAR, ở mức 10,5%, cho thấy ngân hàng vẫn còn nhiều đư địa để đẩy mạnh Vốn cấp 2. Với bộ đệm vốn mạnh, ngân hàng khẳng định kế hoạch mua cổ phiếu quỹ sắp tới sẽ không ảnh hưởng đến khả năng quản lý an toàn vốn hiện tại. VPBank chưa có thông báo cụ thể hơn về số lượng mua và giá mua cổ phiếu quỹ dự kiến.