Chuyên gia y tế nói gì về sự cố tiêm nhầm vắc xin COVID-19 cho 18 trẻ dưới 6 tháng tuổi?

05/11/2021 10:49 AM | Xã hội

Theo chuyên gia y tế, vụ việc này cần chờ hội đồng xử lý sự cố vắc xin công bố liều lượng đã tiêm cho các bé, khi ấy mới đánh giá được mức độ nghiêm trọng đến đâu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vụ việc sự cố y khoa tiêm nhầm vắc xin COVID-19 Pfizer cho 18 trẻ từ 2-6 tháng tuổi tại xã Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) ngày 3/11 khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo sợ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tình trạng sức khỏe của các cháu đều ổn định, một số cháu có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm là những phản ứng thông thường sau tiêm; không có trường hợp nào sốc phản vệ.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia y tế hàng đầu về tiêm chủng nhận định, đây là sự cố y khoa hy hữu. Tuy nhiên, cho thấy sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của cán bộ y tế đã trực tiếp tiêm cho 18 cháu.

"Về ảnh hưởng sau này của trẻ khi tiêm nhầm vắc xin thì cần theo dõi, mức độ như thế nào còn dựa vào liều lượng đã tiêm cho từng cháu thì khi ấy mới đánh giá chính xác được. Cần có Hội đồng xử lý sự cố vắc xin đánh giá mức độ ảnh hưởng", chuyên gia này cho hay.

Thạc sĩ bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện 1A, TP.HCM cũng nhận định, hiện nay chưa có nghiên cứu nào về độ an toàn của vắc xin COVID-19 cho trẻ một đến 6 tháng tuổi.

Vì thế phụ huynh cần chú ý đến nguy cơ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin. Cần theo dõi kỹ các phản ứng của các bé sau tiêm 3 ngày, nếu bé vẫn khỏe không có vấn đề gì tức là đã vượt qua an toàn. Thêm một điều quan trọng nữa là nhiều người lo ngại công nghệ vắc xin mRNA sẽ ảnh hưởng đến gene. Tuy nhiên BS Trịnh cho biết, đến nay chưa có nghiên cứu hay bằng chứng nào cho thấy vắc xin này ảnh hưởng đến gene của trẻ. Do đó phụ huynh không nên lo lắng.

Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 từ ngày 1/11, chỉ tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Lộ trình tiêm từ lớn đến nhỏ, ưu tiên tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi theo nguồn cung vắc xin, tùy tình hình dịch tại địa phương. Một số địa phương đã tổ chức tiêm thí điểm như TP HCM, Bình Dương. Công tác tiêm chủng đến nay gần như an toàn, một số ít trường hợp phản ứng nhẹ được xử trí ngay.

Bộ Y tế phê duyệt hai loại vắc xin cho trẻ là Pfizer và Moderna. Tuy nhiên nguồn cung vắc xin của Moderna đang thiếu nên trẻ được tiêm bằng vắc xin của Pfizer.

Được biết, ở nhóm tuổi này, phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Pfizer có thể đau nơi tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, lạnh run, vã mồ hôi, buồn nôn, đau khớp...; phản ứng phụ nghiêm trọng rất hiếm gặp.

Trong đó, phản ứng mức độ nhẹ chỉ khu trú ngay tại vị trí tiêm ví dụ tiêm bắp ở tay, đùi, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ sau tiêm và đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Đây là những phản ứng nhẹ, thông thường nhưng khi xảy ra ở trẻ có thể gây tâm lý lo sợ.

Phản ứng mức độ vừa là sốt cao, sốt sau khi tiêm 12 giờ hoặc có phản ứng co giật, dị ứng tại chỗ. Những trường hợp phản ứng nặng là phản vệ từ mức độ 2 trở lên, có thể xuất hiện tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc.

Lê Liên

Từ khóa:  chuyên gia y tế
Cùng chuyên mục
XEM