Chuyên gia từng đối đầu với đại dịch SARS: Không cần cách ly sau khi tiếp xúc gần với người Trung Quốc bởi như thế sẽ phải cách ly hết...

05/02/2020 10:52 AM | Xã hội

Theo ThS. BSCK II Nguyễn Hồng Hà - chuyên gia từng đối đầu với đại dịch SARS, những người có tiếp xúc gần với người hoặc nhóm khách Trung Quốc ở Việt Nam không cần cách ly vì trong nước chưa có dịch lưu hành. Chủ yếu vẫn cần chú ý những người đến từ vùng dịch đang lưu hành hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 10 ca mắc bệnh (3 bệnh nhân đã khỏi), chưa ghi nhận trường hợp tử vong tại Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh virus corona đang diễn biến vô cùng phức tạp và có chiều hướng lây lan, sáng 4/2, một buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Dịch virus Corona - góc nhìn của chuyên gia từng đối đầu với đại dịch Sars" đã được diễn ra trên MXH Lotus.

Chuyên gia từng đối đầu với đại dịch SARS: Không cần cách ly sau khi tiếp xúc gần với người Trung Quốc bởi như thế sẽ phải cách ly hết... - Ảnh 1.

ThS. BSCK II Nguyễn Hồng Hà.

Buổi giao lưu trực tuyến trên MXH Lotus có sự tham gia của ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà, nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã giúp mọi người có thêm những sự hiểu biết đúng đắn về dịch bệnh virus corona. Đồng thời, người dân cũng có thêm kiến thức để nâng cao cảnh giác, phòng tránh bệnh đúng cách, nhận biết sớm cách dấu hiệu bệnh, xử lý khi gặp các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh...

Cũng trong buổi giao lưu này, ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà cho biết, "việc lây truyền virus corona chủ yếu qua đường hô hấp, đặc biệt là việc tiếp xúc với người bệnh. Nếu người bệnh nói, ho, phát tán giọt bắn ra bên ngoài và cái giọt bắn đó mang theo virus và xâm nhập vào hệ hô hấp của người đứng gần, đặc biệt người đứng gần trong vòng 2m thì việc lây nhiễm cao hơn. Vì thế đeo khẩu trang sẽ giúp chắn các giọt bắn. Virus mặc dù rất nhỏ nhưng khi ra ngoài chủ yếu bám vào giọt bắn.

Vì vậy đeo khẩu trang không nên chạm vào mặt ngoại, sau khi đeo khẩu trang y tế 1 lần thì nên bỏ vào thùng có nắp đậy".

Đồng thời, theo ông Hà cho biết mọi người nên đeo khẩu trang chỗ đông người hoặc khi vào bệnh viện, những môi trường y tế thì khẩu trang không chỉ ngăn chặn virus mà còn các mầm bệnh khác. Đặc biệt, người bị bệnh nên đeo khẩu trang để tranh phát tán virus corona ra ngoài môi trường và là cách để bảo vệ cộng đồng.

Bên cạnh đó, cũng không ít người băn khoăn rằng "Những người đã đi từ Trung Quốc về trong thời gian có dịch bệnh thì liệu họ có nên được cách ly hay không?".

Trước những lo lắng của bạn đọc, ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà cho rằng, "Những người trở về từ vùng dịch thì nên được cách ly 14 ngày để theo dõi mầm bệnh. Bên cạnh Vũ Hán, cũng có một số tỉnh lân cận cũng có nguy cơ nhiễm virus bởi số lượng ca bệnh cũng đang tăng lên. Đối với trường hợp đấy, mỗi người cũng nên tự giác báo cáo hoặc tự cách ly ở nhà hoặc đến cơ sở y tế gần nhất có yếu tố dịch tễ để kiểm tra và theo dõi sức khỏe. Nếu sau 14 ngày, nếu không bị nhiễm bệnh thì chúng ta sinh hoạt bình thường và không nên kỳ thị những việc đó.

Các lãnh đạo công ty, nhà máy nếu có công nhân viên có những biểu hiện nghi nhiễm virus corona thì cũng nên xem xét cho họ ở nhà cách ly nhưng cũng không cần yêu cầu họ phải đi khám xét nghiệm mà chỉ cần cách ly đủ 14 ngày đủ".

Không những thế, nhiều người dân cũng bày tỏ hoang mang lo lắng rằng sau khi có tiếp xúc gần với người hoặc nhóm khách Trung Quốc tại chợ, hoặc trong các chuyến du lịch... thì họ có nên cách ly hay không. Trước những tình huống như vậy, bác sĩ Hà cho rằng, "Chúng ta vẫn cần xác định rằng ở trong nước chưa có dịch lưu hành, nên việc xuất hiện virus ở trong không khí là không có nên chúng ta không cần cách ly như thế. Nếu cách ly như vậy thì chắc sẽ phải cách ly hết và không làm việc được nữa. Chủ yếu vẫn cần chú ý đến những người đến vùng dịch đang lưu hành hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân".

#ICT_anti_nCoV

Theo Nam An

Cùng chuyên mục
XEM