Chuyên gia tâm lý học trẻ em: Đây là 4 điểm làm nên sự khác biệt giữa những đứa trẻ mạnh mẽ và những đứa trẻ “thích bỏ cuộc"
Nghiên cứu cho thấy hy vọng có thể làm giảm đáng kể sự lo lắng và trầm cảm ở thời thơ ấu. Những đứa trẻ tràn đầy hy vọng xem những thách thức và trở ngại là tạm thời và có thể vượt qua được, vì vậy chúng không dễ dàng bỏ cuộc như những đứa trẻ khác.
Bài viết là chia sẻ của Michele Borba, EdD, nhà tâm lý học giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái và là tác giả của “Thrives: Những lý do tại sao một số trẻ em đang phải vật lộn trong khi những đứa trẻ khác đang tỏa sáng” và “UnSelfie: Tại sao những đứa trẻ có lòng thấu cảm lại thành công trong thế giới nặng về tính cá nhân”. Cô sống ở Palm Springs, California, cùng chồng và ba cậu con trai.
Đại dịch đang hoành hành, bạo lực súng đạn, biến đổi khí hậu - với tư cách là một nhà tâm lý học giáo dục, Michele Borba đã tận mắt chứng kiến những vấn đề nhức nhối này ảnh hưởng đến con em chúng ta như thế nào.
“Thật khó để ngừng nghĩ về những điều tồi tệ,” một đứa trẻ 11 tuổi nói với bà gần đây. "Đôi khi cháu cảm thấy lo lắng về việc thức dậy mỗi ngày."
Nếu không có các kỹ năng phù hợp để vững tâm lý và vượt qua nghịch cảnh, sự vô vọng sẽ xuất hiện và sức khỏe tổng thể của trẻ em có thể giảm sút. Hy vọng là điều tiếp thêm năng lượng để những đứa trẻ luôn vững vàng về tinh thần trong những thời điểm khó khăn và cũng là thứ khiến chúng trở nên khác biệt so với những đứa trẻ dễ dàng bỏ cuộc.
Nghiên cứu cho thấy hy vọng có thể làm giảm đáng kể sự lo lắng và trầm cảm ở thời thơ ấu. Những đứa trẻ tràn đầy hy vọng có cảm giác vững vàng về nội tâm. Chúng xem những thách thức và trở ngại là tạm thời và có thể vượt qua được, vì vậy những đứa trẻ này có nhiều khả năng phát triển và còn giúp đỡ được người khác.
Tuy nhiên, bất chấp sức mạnh to lớn của nó, hy vọng phần lớn bị xem nhẹ trong những điều chúng ta dạy con cái và điều này là hoàn toàn sai lầm. Một trong những cách tốt nhất để gia tăng sự hy vọng là trang bị cho trẻ những kỹ năng để xử lý những va chạm không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Dưới đây là 4 cách giúp trẻ duy trì hy vọng - đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn:
1. Loại bỏ sự tiêu cực trong thời điểm này
Sự bi quan có thể làm mất đi hy vọng, đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải giúp trẻ loại bỏ sự tiêu cực trước khi nó trở thành thói quen. Phát triển một “ký hiệu” riêng giữa bạn và con trẻ để báo hiệu sự tiêu cực. Sau đó, hãy khuyến khích chúng làm gián đoạn những suy nghĩ tiêu cực đó. Việc tạo ký hiệu cho những điều bi quan của con (“Mr. Negative Nelly”) có thể giúp trẻ kiểm soát nó.
2. Sử dụng những câu thần chú hy vọng
Lời nói luôn có sức mạnh to lớn. Giúp con bạn phát triển một câu thần chú lạc quan (“Sẽ luôn luôn có ngày mai” hoặc “Rồi mọi chuyện sẽ ổn”) để sử dụng trong những thời điểm khó khăn. Sau đó, dạy trẻ sử dụng các cụm từ để giảm sự bi quan.
Bạn cũng có thể để con mình tự đặt câu thần chú tích cực cho mình và để nó làm giao diện màn hình điện thoại.. Hãy áp dụng điều đó cho đến khi giọng nói của bạn trở thành tiếng nói bên trong của con bạn.
3. Luyện tư duy cho trẻ
Mẹo để giúp con thoát khỏi tình trạng khó khăn là “kích thích não bộ” để tìm ra các giải pháp. Sau đó dạy các con lặp lại các thao tác này một cách thuần thục để tạo thành một lối tư duy rành mạch. Một mẹo nhỏ là sử dụng mô hình S.T.A.N.D để giúp trẻ nhớ lại các bước, bao gồm:
Chậm lại (Slow) để con có thể suy nghĩ.
Kể (Tell) vấn đề của mình.
Hỏi (Ask) xem liệu bản thân có thể làm gì khác?
Kể tên (Name) mọi thứ con có thể làm để giải quyết vấn đề mà không cần phán xét.
Quyết định (Decide) sự lựa chọn tốt nhất và thực hiện nó.
4. Chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng và hy vọng
Những đứa trẻ có hy vọng thường được nghe những câu chuyện đầy hy vọng. Phương tiện truyền thông biến tướng có thể tạo ra một cái nhìn về thế giới là hoàn toàn tiêu cực, đầy rẫy nguy hiểm đáng sợ, vậy nên những câu chuyện truyền cảm hứng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hy vọng sống của trẻ em.
Thỉnh thoảng, hãy tìm những câu chuyện đầy cảm hứng để chia sẻ với con bạn. Lập bảng đánh giá trạng thái cảm xúc trước khi đi ngủ mỗi ngày để giúp con bạn tìm thấy khía cạnh tươi sáng của cuộc sống.
Bên cạnh đó, hãy nhắc cho con trẻ về những thành tựu của chúng sau những khó khắn: “Con có nhớ con từng gặp khó khăn trong việc kết bạn không? Bây giờ con đã vượt qua và có những người bạn tuyệt vời!".
Nguồn: CNBC; Ảnh: Internet